Một chút hoài niệm về điện thoại 'đồ cổ' Motorola ZN5

Đã có dịp dùng qua khá nhiều dòng điện thoại chụp hình dòng C, K của Sony Ericsson hay một số hãng khác,… Nhưng có lẽ chiếc điện thoại để lại ấn tượng nhiều nhất cho người viết bài này lại là một chiếc điện thoại ít người biết: Motorola ZN5 (Motozine ZN5).

Motorola ZN5

Vốn là sản phẩm hợp tác giữa hãng máy ảnh Kodak và hãng điện thoại Motorola (thời còn chưa bán mình cho Google và sau này là Lenovo), nên cũng dễ hiểu khi sản phẩm tập trung vào tính năng chụp ảnh và chỉ bán ra với số lượng giới hạn, nghe đâu chỉ tầm 1.000 chiếc trên toàn thế giới.

Ra đời trong bối cảnh các hãng điện thoại đẩy mạnh về sáng tạo và thiết kế, giao thoa giữa cảm ứng và phím vật lý nên ZN5 cũng đã tạo ra những dấu ấn riêng, không như thời điện thoại cảm ứng sau này - thường chỉ là một khối chữ nhật với mặt trước phủ đầy kính và màn hình cảm ứng.

Vẻ ngoài thô ráp

Tuy thiết kế bên ngoài có phần "xù xì", thô ráp và khó gây được ấn tượng trong lần đầu tiếp xúc, nhưng ẩn sâu bên trong ZN5 lại là một trong những chiếc điện thoại thỏa mãn cả hai nhu cầu "chụp hình đẹp" và "nghe nhạc hay" tốt nhất của một thời. Nhưng có lẽ chính bề ngoài của máy đã tự loại bỏ nó khỏi thị trường, bởi người ta đã bỏ qua nó khi mới nhìn rồi chứ không cần biết bên trong thế nào.

Motorola đã chọn một thiết kế khá "dị" cho ZN5, họ sử dụng lớp viền cao su kết hợp với vỏ kim loại, giúp máy có kết cấu rất cứng cáp kiểu "nồi đồng cối đá" đúng nghĩa.

Lớp viền cao su bị bong tróc (ở phía dưới) sau một thời gian sử dụng

Đáng tiếc là chính sự kết hợp này đã khiến lớp cao su kèm theo máy dễ bị bong tróc do sự lão hóa của cao su theo thời gian, điều tương tự cũng xảy ra với những điện thoại sử dụng chất liệu này như BlackBerry Bold 8520 và cả với chính chiếc máy ZN5 sưu tầm của tôi sử dụng trong bài viết này.

Bàn phím ModeShift thiết kế độc nhưng hơi khó bấm, máy sử dụng màn hình TFt 2.4 inch với độ phân giải rất khiêm tốn 240x320 pixel và chỉ có... 256 ngàn màu.

ZN5 sử dụng kiểu thiết kế bàn phím ModeShift khá "độc" từng xuất hiện trên Motorola Rokr E8 với các núm trong suốt bé tí và bàn phím liền mạch có tính đàn hồi, nhưng phải nói rằng thiết kế này không tiện lợi khi việc bấm phím khá khó khăn.

Các phím chức năng được thiết kế ở bên phải máy khá cá tính với độ vát chéo. Phía trên là hai phím tăng giảm âm lượng, kế đến là phím khóa màn hình (kéo xuống để khóa, kéo lên để mở khóa). Phím màu tím là phím cứng dành cho chụp ảnh.

Phía bên trai máy có cổng sạc mini USB 2.0 tương tự nhiều smartphone Android hiện nay và cổng tai nghe 3.5mm

Phía trên máy có nút lẫy, bạn cần nhấn vào nút này để mở nắp lưng khi thay pin hay thao tác với SIM và thẻ nhớ. Phía góc trên có khe để xỏ dây đeo, một tính năng khá phổ biến của thời đó.

Mặt sau ZN5 gây ấn tượng bằng camera 5 Megapixel lồi lên với ống kính được đậy bằng nắp trượt, khi mở ra đồng thời camera cũng được kích hoạt. Đèn flash Xenon được bố trí phía dưới và nằm ngang.

Máy sử dụng khe cắm SIM tiêu chuẩn với kích thước đẩy đủ (full size) thay vì dùng nano-SIM hay micro-SIM như các smartphone hiện nay. Máy hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ microSD với dung lượng tối đa chỉ... 8GB.

Thỏi pin Motorola BX40 theo máy có dung lượng chỉ 950mAh nhưng cung cấp thời lượng sử dụng khá dài

Nhìn chung, thiết kế của Motorola (ra mắt vào năm 2008) tiêu biểu cho một thời sáng tạo của hãng với màn hình nhỏ và bàn phím vật lý khi mà smartphone cảm ứng với sự xuất hiện của iPhone (bắt đầu từ năm 2007) vẫn chưa kịp lên ngôi.

Sức mạnh xử lý và phần mềm

Máy có bộ nhớ trong vỏn vẹn chỉ 350 MB cùng 64MB RAM (có bản quốc tế chạy 128MB RAM), vi xử lý Freescale 500 MHz và chạy trên nền hệ điều hành Linux tùy biến kết hợp với Java mà họ gọi là MOTOMAGX.

Về cơ bản, đây là một ý tưởng hay, đem hẳn một hệ điều hành nhân Linux để chạy trên điện thoại - thứ mà sau này Ubuntu từng thử sức với một bản tùy biến của họ cho smartphone. Nhưng có vẻ nhưng giới hạn của thời điểm đó cũng như tầm nhìn của Motorola đã khiến nỗ lực này có kết quả không mong muốn: Máy chạy khá ì ạch và không tạo ra nhiều khác biệt so với các nền tảng phổ biến thời đó như Symbian OS thường thấy trên điện thoại Nokia và một số hãng khác.

Máy cho phép chia sẻ hình ảnh lên trang blog riêng của Kodak (hiện đã không còn hữu dụng) thông qua ứng dụng Kodak EasyShare

Các thiết lập của máy khá phong phú, trong đó có cả... Wi-Fi

Việc chạy Linux đã giúp Motorola bổ sung thêm một số tùy biến sâu vào hệ điều hành của họ, nhưng các tùy biến này vẫn được làm dựa trên các điện thoại chạy Java hay Symbian chứ không làm mới hoàn toàn như cách mà iOS hay Windows Phone và sau này là Android đã làm. Có thể đó cũng là một trong những lý do mà MOTOMAGX không tạo ra sự khác biệt so với các nền tảng khác tại thời điểm đó, dù họ bổ sung thêm một số tính năng thú vị như đăng ảnh trực tiếp lên blog của Kodak hay hỗ trợ Wi-Fi chuẩn n.

Nghe nhạc

Phải nói rằng điểm mạnh nhất của chiếc điện thoại này nằm ở hai tính năng mà nhiều người quan tâm, đó là chụp ảnh và nghe nhạc. Motorola đã tạo ra một trong những chiếc điện thoại nghe nhạc hay nhất của họ, bên cạnh các huyền thoại nghe nhạc khác như Motorola ROKR E8 của họ hay huyền thoại Siemens SL45.

Sở dĩ phải so sánh với huyền thoại này vì SL45 và ZN5 là hai trong số rất ít mẫu điện thoại thời này có khả năng cắm thẳng (chay) vào một dàn loa nhỏ để phát nhạc trực tiếp mà không cần bộ tăng âm ampli hỗ trợ và chất âm của chúng thuộc loại tốt, được nhiều người trong giới chơi nhạc di động sưu tầm và kiểm chứng. Bên cạnh đó, loa ngoài của máy cũng khá lớn và ấm, trong trẻo.

Giao diện ứng dụng nghe nhạc RockBox

Tuy nhiên, khác với Siemens SL45, trình chơi nhạc mặc định của Motorola ZN5 chưa phát huy hết công suất của chip nghe nhạc tích hợp bên trong nó mà người dùng cần mod để cài thêm ứng dụng nghe nhạc RockBox (trong gói MgxBox) của Linux để khai phá. Khi cài xong RockBox, ZN5 sẽ có khả năng phát nhạc lossless (đuôi FLAC) cùng với nhiều tùy biến thú vị khác, lúc này bạn sẽ có dịp "thẩm âm" của ZN5 ở một cấp độ khác.

Thú vị hơn, khi cài MgxBox (tập hợp các ứng dụng mod dành cho ZN5 với đuôi là MGX) bạn còn có thêm các ứng dụng mod khác như mod chụp ảnh, cho phép chỉnh ISO của máy xuống mức 50 và can thiệp sâu hơn vào camera của máy.

Chụp ảnh

Khác với phần âm thanh, camera là tính năng thú vị nhất của máy và cũng dễ nhận biết nhất khi Motorola kết hợp với Kodak để xây dựng module máy ảnh cho ZN5. Cụ thể, Kodak chịu trách nhiệm sản xuất nguyên cụm camera 5MP để "gắn" vào ZN5, Motorola chịu trách nhiệm về phần mềm camera với sự hỗ trợ tinh chỉnh của Kodak.

Kết quả là ZN5 đã có một trong những cụm camera 5MP có thể nói là xuất sắc nhất thời điểm đó, sánh ngang với "huyền thoại 5MP" Sony Ericsson C901 hay Nokia N82 của một thời. Để đạt được điều này, phía Motorola và Kodak đã có sự kết hợp khá hoàn hảo về phần cứng với phần mềm, không những vậy Kodak còn tráng một lớp phủ đặc biệt lên lớp kính giúp giảm sự tán xạ của ảnh sáng vào thấu kính của máy để tạo ra hình ảnh trong trẻo hơn.

Kết hợp với ống kính và công nghệ chụp ảnh của Kodak, máy cho phép chụp ảnh bức ảnh độ phân giải 5MP (2.560 x 1.920 pixel), hỗ trợ lấy nét tự đồng và trợ sáng bởi đèn flash Xenon. Đáng tiếc là máy chỉ quay phim "chống cháy" ở chất lượng... 15 hình/giây.

Giao diện chụp ảnh của ZN5 (lưu ý lúc đó bàn phím ẩn sẽ sáng lên với phím Gallery màu tím ở giữa bàn phím)

Một số tùy chỉnh khi chụp

Để kích hoạt tính năng chụp ảnh, bạn có thể bấm trực tiếp lên phím chuyên dụng bên cạnh phải, hoặc trượt nắp bảo vệ ống kính. Lúc này, màn hình máy xuất hiện giao diện chụp ảnh với các tùy chỉnh chụp hình trên máy gồm đèn flash, chế độ ánh sáng, tiêu cự, cân bằng, chụp tự động hoặc chụp nhiều ảnh hay chụp ảnh toàn cảnh Panomara.

Chất lượng các bức ảnh trên ZN5 rất tốt, thậm chí có thể sánh ngang với máy ảnh có cùng độ phân giải ở thời điểm đó và các model camera phone khủng lúc đó như Sony Ericson C901, Nokia N82 hay Samsung INNOV8. Nhưng ảnh của ZN5 rất đặc biệt, ảnh có tông màu ấm và độ chi tiết cao (so với độ phân giải), chất ảnh rất đặc trưng của Kodak. Đáng tiếc là màn hình của ZN5 không được ngon như các đối thủ thời điểm đó, nên hình ảnh xem trực tiếp trên màn hình của ZN5 thường xấu hơn khi xem trên máy tính.

Dưới đây là một số ảnh chụp từ Motorola ZN5 mà tôi đã ghi lại trong thời gian giữ máy:

Ảnh chụp trong nhà từ ZN5 (nhấp vào để xem ảnh gốc)

Ảnh chụp ban ngày

Ảnh chụp ban ngày chuyển về đen trắng (để kiểm tra thang độ màu - gray scale)

Chụp cận cảnh vào ban ngày

Ảnh chụp đêm

Ảnh chụp hoàng hôn hoặc bình minh dễ tạo ra các flare màu đỏ khá lạ mắt

Lưu ý rằng, ở chế độ chụp ảnh hoặc xem ảnh trong gallery thì bàn phím máy sẽ xuất hiện các phím chức năng (có đèn nền) như phím Gallery, phím xóa ảnh, phím phát ảnh tự động (Slide).

Tạm biệt một huyền thoại...

Nhìn chung, Motorola ZN5 là một trong những dấu ấn của một thời mà thương hiệu Motorola đã để lại trong lòng người dùng, đáng tiếc là sản phẩm ra mắt đúng thời điểm giao thoa giữa smartphone cảm ứng (đang phổ biến hiện nay) và các điện thoại sử dụng bàn phím cứng thời điểm trước đó, cũng như việc sử dụng thiết kế và tư duy "feature phone" đã khiến ZN5 đánh mất lợi thế để bứt phá và đành chìm vào dĩ vãng, để rồi sau đó Motorola đã phải bán mình cho Google trước khi bị bán lần nữa cho Lenovo.

Trong lần tới, chúng ta hãy cùng nói về huyền thoại nghe nhạc Siemens SL45 của một thời, còn bây giờ, hãy chia sẻ với VnReview về chiếc điện thoại "cục gạch" mà bạn ấn tượng nhất trước khi xuất hiện smartphone cảm ứng qua phần bình luận dưới đây.

TM

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/tu-van-di-dong/-/view_content/content/2305034/mot-chut-hoai-niem-ve-dien-thoai-do-co-motorola-zn5