Mốt chụp ảnh cưới xa hoa và giấc mơ của các cặp đôi Trung Quốc

Giới trẻ Trung Quốc đang đầu tư hàng nghìn USD cho những bức ảnh cưới xa hoa và độc đáo. Ngay cả người già cũng hòa vào trào lưu này để thay thế ảnh cưới đen trắng.

Truyền thống chụp ảnh cưới ở Trung Quốc đã bắt đầu khoảng 50 năm trước và bùng nổ trong 10 năm trở lại đây. Ngành công nghiệp này ngày càng phát triển chóng mặt với đủ mọi loại hình dịch vụ tương ứng với nhu cầu và túi tiền của cô dâu chú rể. Hiện các công ty thậm chí còn cạnh tranh để vượt mặt lẫn nhau cả về chất lượng và giá cả.

Truyền thống chụp ảnh cưới ở Trung Quốc đã bắt đầu khoảng 50 năm trước và bùng nổ trong 10 năm trở lại đây. Ngành công nghiệp này ngày càng phát triển chóng mặt với đủ mọi loại hình dịch vụ tương ứng với nhu cầu và túi tiền của cô dâu chú rể. Hiện các công ty thậm chí còn cạnh tranh để vượt mặt lẫn nhau cả về chất lượng và giá cả.

Tracey Lin, giám đốc một công ty dịch vụ ảnh cưới tại Trung Quốc, ước tính khoảng một nửa khách hàng của cô chụp ảnh trong nước và nửa còn lại sẽ mạnh tay đầu tư đi ra nước ngoài để có được khung cảnh của Nhà hát Opera Sydney, Nhà thờ St Mary (Australia), bảo tàng Louvre (Pháp).. . Ảnh: China Daily

Cặp đôi William Fong, giám đốc tiếp thị và Viona Ma, chuyên viên tuyển dụng, đã chi 1.600 - 1.800 USD cho việc chụp ảnh cưới. Nếu gồm cả chi phí thuê hay thiết kế váy cưới riêng thì dịch vụ sẽ có giá cao hơn, khoảng 3.000 USD. Thậm chí nếu muốn đến những địa điểm như Paris, Bali hay Sydney, các cặp đôi sẽ phải bỏ ra 15.000 USD.

Do nhu cầu và thị hiếu thay đổi nên giá cả và chất lượng, phong cách chụp ảnh cũng được cập nhật liên tục. Khoảng 10 năm trước khi Lin làm đám cưới, “phim trường không lớn như bây giờ và phông nền cũng không được đẹp như thế. Chỉ có một phông phía sau và thợ ảnh sẽ ghép hình bãi biển vào đó thôi”, cô cười. “Thế mà tôi đã phải chi những 5.000 USD. Tôi muốn chụp ngoại cảnh nhưng địa điểm tôi chọn lại bị ô nhiễm nên không được như Sydney”, Lin nói.

Nhiếp ảnh gia người Australia Olivia Martin-McGuire, người đã sinh sống 4 năm ở Trung Quốc, cho biết: "Những bức ảnh cưới ngày nay chính xác là đang chụp lại ước mơ của các cặp đôi", cô nói. “Ví dụ, bối cảnh của nhiều bức ảnh thường bắt chước nơi nào đó ở phương Tây, nhưng 90% không có hộ chiếu, tức là chưa từng được ra nước ngoài. Trong 15 năm nữa có thể mọi thứ sẽ rất khác". Fong nói rằng bối cảnh của ảnh lấy cảm hứng từ châu Âu. “Nó giống câu chuyện tình thơ mộng trong một bộ phim Hàn Quốc lãng mạn vậy.”

Không chỉ “chịu chi”, một số cặp đôi Trung Quốc còn rất “chịu chơi”. Trong ảnh là quản lý sự kiện Jenny Cheng và chủ ngân hàng David Shaw đang chụp ảnh cưới trong một bể nước. Nhóm thợ ảnh bên ngoài nói với cô dâu chú rể đang ngụp lặn: “Người đẹp ơi, em có thể nín thở trong bao lâu?”, “Anh đẹp trai ơi, khi anh lặn xuống, anh hóp bụng hóp mông vào một tí cho đẹp nhé.” Jenny không biết bơi, vì vậy cô rất lo lắng và phải luyện tập nhiều lần cách cầm tay David dưới nước. Chú rể David, một người Australia, cảm thấy tất cả những thủ tục này thật là “giả tạo” nhưng trên hết anh vẫn muốn làm hài lòng vị hôn thê của mình để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng của cuộc đời.

Nhìn sâu vào chiều dài lịch sử Trung Quốc, có thể thấy ảnh cưới của người dân nước này còn phản ánh sự thay đổi trong đời sống và nhận thức. Bộ phim mới ra mắt gần đây mang tên “China Love” của Olivia Martin-McGuire đã phác họa sự biến đổi của ảnh cưới kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa những năm 1950 cho tới nay.

Lùi về thời điểm hơn nửa thế kỷ trước, hôn nhân thường được chỉ định và các nghi thức cũng phải tuân theo quy định của nhà nước. Cô dâu chú rể chỉ được chụp cùng nhau một bức ảnh đen trắng giống như ảnh chứng minh thư. Nhiều người vẫn còn mặc nguyên bộ đồng phục lao động của họ. Quà tặng cho đám cưới thời đó thường là các tác phẩm văn học của Chủ tịch Mao Trạch Đông.

"Những người thuộc thế hệ này không có cơ hội tiếp cận với phần còn lại của thế giới. Khi Trung Quốc phát triển bùng nổ và trở thành một siêu cường như hiện nay, họ bị giằng co giữa cái mới và cái cũ", Martin-McGuire nói.

Một số cặp vợ chồng đã ở tuổi 80, 90 giờ lại bắt đầu đi chụp ảnh cưới. Dự án từ thiện mang tên Frame the Vow đã tổ chức chụp ảnh cho những người cao tuổi chỉ có ảnh cưới đen trắng, nhằm bù đắp một phần những thiệt thòi của họ.

Trong bộ phim China Love, các cặp đôi được phác họa rơi vào hoàn cảnh bị mọi người xung quanh gây áp lực về việc kết hôn và sinh con thay vì tận hưởng sự tự do và đầu tư cho sự nghiệp, Fong nói, nhưng thực tế thì lại khác. “Đàn ông ở Trung Quốc phải chịu áp lực rất lớn từ sự kỳ vọng của cả hai bên gia đình để có thể cho cô dâu một cuộc sống an toàn và hạnh phúc, ví dụ như phải mua được một căn nhà làm mái ấm”, anh nói. “Một vài người ở nước ngoài có thể sẽ chỉ trích cách suy nghĩ này thật là nông cạn, nhưng họ không nhận ra rằng góc nhìn của họ là từ nước ngoài với cuộc sống tương đối an toàn, được bảo đảm bởi chính phủ và các tổ chức phi chính phủ.”

Hương Ly
Ảnh: Guardian

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mot-chup-anh-cuoi-xa-hoa-va-giac-mo-cua-cac-cap-doi-trung-quoc-post882093.html