Một chương trình nhiều sách giáo khoa: Có hay không sự lãng phí?

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố quyết định phê duyệt 32/38 bản thảo SGK của 8 môn học và 6 bản thảo môn Tiếng Anh lớp 1 theo chương trình phổ thông mới, nhiều người lo ngại, một môn có đến 3 bộ sách thì học sinh có 'loạn' kiến thức không?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nguồn tư liệu “mở cửa”

Giữa tháng 6 vừa qua, Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội thông qua chính thức chốt việc thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) thống nhất trên cả nước với nhiều sách giáo khoa (SGK). Quy định này cũng đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK.

Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông quy định yêu cầu về phẩm chất, năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước. Dựa trên chương trình thống nhất này, mỗi môn học sẽ có một hoặc một số SGK.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT trường THPT Đinh Tiên Hoàng ủng hộ quan điểm nên có nhiều bộ SGK dựa trên chương trình chung thống nhất. Lý do là học sinh ở thành thị khác học sinh nông thôn, học sinh đồng bằng khác học sinh miền núi. Vì thế, khó có một bộ SGK nào đáp ứng nhu cầu của học sinh ở tất cả các vùng, miền. Việc có nhiều bộ SGK sẽ tạo thuận lợi cho các nhà trường chọn lựa những sản phẩm phù hợp với đặc thù địa phương, trình độ học sinh của mình.

GS.TSKH Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, đây là chủ trương tiến bộ. Ngày nay, kiến thức không chỉ đến từ một nguồn duy nhất là SGK, cũng không chỉ từ giáo viên mà học sinh có thể truy cập thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau. Một bộ SGK cũng chỉ mang “dấu ấn” của một nhóm tác giả, trong khi sự sáng tạo là rất đa dạng. Vì thế, việc có thêm nhiều SGK sẽ phản ánh được sự đa dạng giúp ích cho việc dạy và học tốt hơn.

Mặt trái nếu thực hiện không tốt

Rõ ràng, thực hiện “một chương trình, nhiều SGK” là tiến bộ, nhưng cũng sẽ có mặt trái, nếu thực hiện không tốt. Nhiều câu hỏi đang được dư luận lo lắng đưa ra xung quanh chủ trương này, chẳng hạn có hay không sự lãng phí khi nhiều bộ SGK được biên soạn nhưng cuối cùng, lại không được hoặc được rất ít các trường lựa chọn? Nhiều SGK có dẫn tới loạn sách, loạn kiến thức và loạn cả thi?…

Để thực hiện điều này, các nhà trường phải trách nhiệm phải trang bị đầy đủ các SGK trong danh mục sách đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt để thầy cô giáo, học sinh tiếp cận lựa chọn.

Không chỉ “tốn kém” tiền mua sách, việc nhà trường thành lập 1 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tới đây cũng được coi là một khâu “tốn kém”, vất vả bởi cho giáo viên ngồi đọc hết 32 đầu sách giáo khoa để đưa ra những quyết định cuối cùng không phải là điều dễ dàng, thậm chí khá gian nan. Sự lựa chọn này đòi hỏi phải chính xác, phù hợp sau một quá trình các hội đồng thẩm định phải so sánh sách này với sách kia.

Theo Bộ quy định, Hội đồng lựa chọn SGK phải đầy đủ các thành phần cụ thể, số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 (mười một) người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên. Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc đề án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT, khi xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn chọn SGK, Bộ GD-ĐT cũng đã lường đến những tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình chọn SGK. Vì thế, với quy định số lượng giáo viên chiếm tỷ lệ lớn trong hội đồng chọn SGK, hội đồng chọn sách sẽ phải có trách nhiệm lắng nghe, tập hợp ý kiến của giáo viên, phụ huynh để có được ý kiến rộng rãi làm cơ sở cho việc quyết định lựa chọn SGK. Quy trình chọn SGK ở các tỉnh sẽ phải tiến hành công khai, đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

Nhiều người lo ngại, việc phát hành quá nhiều SGK không chỉ làm học sinh “loạn” mà việc thi cử cũng phải thay đổi theo. Nội dung đề thi không sử dụng dữ liệu của bất cứ cuốn SGK nào mà dựa theo chuẩn chương trình giáo dục phổ thông nên học sinh cũng dễ bị “ngợp”.

Trước nhiều thay đổi đang khiến nhiều giáo viên, phụ huynh lo lắng, GS Phạm Hồng Tung, trường ĐH Quốc gia Hà Nội đưa quan điểm, dù là đúng thì chủ trương cũng cần thực hiện thận trọng, bài bản, từng bước và có thời gian để trải nghiệm. Nếu vội vã thì sẽ biến đúng thành sai. Theo đó, việc triển khai một chương trình, nhiều SGK là rất mới mẻ nên tới đây, Bộ GD-ĐT chắc chắn phải có hướng dẫn thực hiện, tập huấn giáo viên để tránh tình trạng lộn xộn.

Minh Anh

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/giao-duc/mot-chuong-trinh-nhieu-sach-giao-khoa-co-hay-khong-su-lang-phi-161037.html