Một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa: Rối rắm khi đưa vào thực tế?

Theo Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa. Đây là chủ trương đúng, phù hợp với thông lệ quốc tế, tuy nhiên đi vào thực tiễn còn không ít khó khăn.

GS Nguyễn Minh Thuyết-Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới khẳng định nhiều nước đã thực hiện nhiều SGK. Ảnh: Đình Tuệ.

GS Nguyễn Minh Thuyết-Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới khẳng định nhiều nước đã thực hiện nhiều SGK. Ảnh: Đình Tuệ.

Nghị quyết số 88 ngày 28.11.2014 của Quốc hội nêu: “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa (SGK) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn”.

Một chương trình - nhiều bộ SGK đã trở thành thông lệ quốc tế, nhằm tạo ra sự đa dạng trong lựa chọn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương đúng đắn nói trên khi đi vào thực tế sẽ gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Những khó khăn, vướng mắc này là nguyên nhân khiến chúng ta chậm thực hiện chủ trương một chương trình - nhiều SGK.

Trước hết, về phương diện biên soạn, thẩm định. Bộ GDĐT là cơ quan ban hành chương trình, đồng thời tổ chức biên soạn 1 bộ SGK. Và cũng chính Bộ GDĐT chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định SGK. Việc này dẫn đến lo ngại hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, nên nhiều tổ chức, cá nhân khác không muốn tham gia biên soạn SGK, vì rất khó cạnh tranh.

Mặt khác, khi đã có nhiều bộ SGK đáp ứng yêu cầu của Hội đồng thẩm định rồi, thì triển khai thế nào.

Nghị quyết số 88 quy định: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GDĐT”. Như vậy, sẽ có nhiều chủ thể tham gia quyết định lựa chọn SGK, vậy dựa vào đâu để quyết định? Trong một lớp, có một số học sinh-phụ huynh lựa chọn sách này, số khác lựa chọn sách kia, thì giải quyết như thế nào?

Trong một trường, nếu sử dụng nhiều SGK, việc tổ chức giảng dạy, quản lý chuyên môn sẽ trở nên rối rắm. Chẳng lẽ giáo viên lên lớp cùng một lúc sử dụng nhiều bộ SGK? Rồi đến khi thi cử, việc ra đề, xây dựng đáp án ra sao cũng hết sức nan giải.

Để lựa chọn SGK, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, tìm hiểu, so sánh... rất mất thời gian, mệt mỏi và phải có trình độ, kinh nghiệm.

Nếu biên soạn, thông qua nhiều bộ SGK rồi mà không biết khai thác, sử dụng hiệu quả, thì sẽ tạo ra lãng phí.

Thiết nghĩ, Bộ GDĐT cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia về giáo dục và pháp lý, các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh trước khi triển khai áp dụng nhiều bộ SGK.

QUANG ĐẠI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/mot-chuong-trinh-nhieu-bo-sach-giao-khoa-roi-ram-khi-dua-vao-thuc-te-631257.ldo