Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa: Mừng hay lo?

Triển khai thực hiện 'một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa' là điều đáng mừng hay đáng lo?

Ngày 26/12/2018, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT đã ban hành chính thức chương trình giáo dục phổ thông mới kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.

Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông qui định "thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học".

Như vậy, sắp tới khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, một chương trình sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa.

Mừng hay lo?

Thông qua dư luận, thấy nhiều người mừng, nhưng cũng không ít người lo.

Một vài trải nghiệm

Từng là học sinh ở Sài Gòn trước 1975, tôi nhớ thời đi học, không rõ thầy cô sử dụng sách của ai. Chịu thua! Có bao giờ thầy cô đưa sách ra đâu mà biết. Tôi mê môn toán, mê và chọn sách Trường Thi, Nguyễn Văn Phú. Chẳng quan tâm thầy sử dụng sách nào. Và hình như thầy cũng không phụ thuộc sách nào cả. Mà lạ, thầy là thần tượng, là sách sống của học trò.

Lên lớp, sách giữ lại cho em, em tiếp tục giữ lại cho cháu...

Từng là giáo viên trực tiếp đứng lớp cuối thập kỉ 70. Nhiệt tình, hăng say, khát khao cống hiến, khát khao thể hiện, từng dạy thoát khỏi ràng buộc khuôn khổ sách giáo khoa. Bị phê bình, cảnh cáo "sách là pháp lệnh". Từ đó, bó tay sáng tạo, không dám liếc mắt dòm tài liệu ngoài khác. Có tài liệu hay cũng chỉ dám ngó lơ.

Từng là hiệu trưởng trường trung học phổ thông thời kinh tế thị trường, hằng năm luôn được tiếp thị giao dịch mua sách kèm theo hứa hẹn % hoa hồng. Hiệu trưởng đứng trước cánh cửa biến chất!

Mừng

Sẽ phát huy được sức mạnh trí tuệ xã hội, của các nhà khoa học, các nhà giáo dục, các nhà giáo tâm huyết đầu tư cho sách giáo khoa.

Sẽ có những bộ sách giáo khoa chất lượng được sàng lọc trên thị trường giáo dục thông qua khách hàng người học, thầy cô giáo và các cơ sở giáo dục.

Cơ hội cho người học rộng đường chọn tác giả, chọn nhà xuất bản uy tín, phù hợp thị hiếu, sở thích, điều kiện kinh tế.

Sách sẽ được lưu giữ mà không cần chỉ thị của Bộ. Ai điên gì mua sách chỉ dùng một năm. Lên lớp, sách sẽ được biếu, tặng lại cho lớp kế tiếp. Thật tiết kiệm, thật nhân văn.

Lo

Vì sợ cạnh tranh không lành mạnh của các nhà xuất bản, của các công ty phát hành sách giáo khoa, sợ hiệu trưởng, trưởng phòng, giám đốc sở "hễ thấy hơi đồng thì mê", móc ngoặc, đi đêm nhổm nhoàm % chiết khấu.

Nhưng, có đáng lo không?

Không.

Chỉ cần Bộ biên soạn bộ chuẩn kiến thức, kĩ năng, phát hành rộng khắp đến giáo viên, đến tận phụ huynh, học sinh. Cần xem xét việc để cơ sở giáo dục chọn lựa sách giáo khoa - vì đây chính là khe hở để các nhà xuất bản cạnh tranh không lành mạnh, là cơ hội để họ đi đêm với những kẻ có chức quyền sẵn máu "mê hơi đồng".

Các trường quản lí chất lượng bằng bộ chuẩn kiến thức kĩ năng, mục tiêu, yêu cầu cần đạt từng phần, từng chương, từng học kì, từng năm học, cấp học của Bộ. Lúc đó người học chọn sách học tùy thích. Còn giáo viên vốn đã "binh giáp tàng hung trung" sẽ rộng đường, sẵn sàng cùng học trò sải cánh!

Nhà giáo Trương Như Đệ

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/mot-chuong-trinh-nhieu-bo-sach-giao-khoa-mung-hay-lo-499058.html