Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là xu hướng của nền giáo dục hiện đại

Tại cuộc trao đổi về chương trình giáo dục phổ thông mới diễn ra ngày 15-9, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới đã giải đáp nhiều vấn đề đang làm nóng dư luận xã hội nhiều ngày qua.

Vấn đề được mọi người quan tâm đầu tiên là ngành giáo dục có tiếp tục thực hiện chủ trương "Một chương trình, nhiều bộ sách" trong thời gian tới theo tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới sách giáo khoa (SKG) giáo dục phổ thông hay không, khi trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây 3 ngày, có ý kiến cho rằng, nhiều bộ SGK là bất hợp lý nên cần xem xét và cân nhắc.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, Nghị quyết 88 đã được thông qua từ lâu và là văn bản có tính luật, nên nếu Quốc hội muốn sửa lại thì phải làm theo quy trình. Và thời gian cũng rất dài chứ không phải đơn giản.

GS. Nguyễn Minh Thuyết khẳng định quan điểm ủng hộ chủ trương “một chương trình nhiều bộ SGK” vì đây là xu hướng của nền giáo dục hiện đại. Chúng ta đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì cũng nên đổi mới điều này nhằm tạo điều kiện huy động trí lực của xã hội trong việc viết SGK, khi các nhóm tác giả cạnh tranh nhau lành mạnh, sẽ đẩy mạnh chất lượng SGK nói riêng, chất lượng giáo dục phổ thông nói chung.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, ở Mỹ, giáo viên có quyền viết sách để dạy cho trẻ, vì thế SGK chỉ là tài liệu tham khảo và giáo viên có quyền tổng hợp thành tài liệu giảng dạy. Còn ở Việt Nam, có thực tế là ở trên chỉ sợ dưới làm không đúng, dưới lại sợ ở dưới nữa làm không đúng nên dẫn đến tình trạng “cầm tay chỉ việc”.

GS Nguyễn Minh Thuyết kể: Ông đã từng hỏi một vị giáo sư người Mỹ tự viết tài liệu dạy học sinh rằng, tự viết sách có thể dẫn đến việc đưa kiến thức không tốt cho học sinh thì sao, thì được trả lời mọi việc đều phải được pháp luật điều chỉnh.

Nếu thầy giáo vi phạm, học sinh sẽ kiện và ông thầy bị pháp luật xử lý. “Tất nhiên, một chương trình nhiều bộ SGK cũng sẽ có những phức tạp, song không vì thế mà không làm" - GS Thuyết nhấn mạnh.

Việc triển khai “một chương trình, nhiều bộ SGK” theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội được kỳ vọng sẽ xóa độc quyền SGK. Ảnh minh họa: CTV.

Một vấn đề dư luận cũng rất quan tâm là việc thay đổi SGK diễn ra nhiều lần, gây tốn kém, nhất là có nguy cơ “thất thoát”, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Việc có những thay đổi như sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội cũng là một yếu tố dẫn đến buộc phải thay đổi SGK, ví như SGK trước đây nói một nhân vật lịch sử nào đó “quê quán ở tỉnh Hà Tây”, nay buộc phải sửa cho phù hợp là “quê quán ở ngoại thành Hà Nội”.

GS. Thuyết cũng nói rõ, tổng số tiền cho đổi mới SGK là 144 tỷ đồng, “chỉ bằng 180m đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa và bằng 600m đường cao tốc Bắc - Nam”. Mà toàn bộ nguồn kinh phí của chương trình đổi mới giáo dục phổ thông là vay của Ngân hàng Thế giới (WB) nên họ quản lý và giám sát tài chính rất chặt chẽ.

WB đề nghị trả lương cho những người làm chương trình và từng khoản chi đã được làm rõ ngay từ khi khởi động dự án, chứ không phải “chui” vào túi những người làm chương trình.

Đồng quan điểm này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Trước thời điểm có Luật Giáo dục năm 2005, nước ta chấp nhận nhiều chương trình và SGK, trong đó có sách Công nghệ Giáo dục của nhóm GS Hồ Ngọc Đại.

Nhưng sau khi có luật này với “vòng kim cô” “một chương trình, một bộ SGK”, các chương trình khác bị dẹp đi, chỉ có chương trình hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Đây cũng chính là nguyên nhân sách của nhóm GS Hồ Ngọc Đại, mặc dù được đánh giá tốt trong 40 năm qua, được 49 tỉnh, thành lựa chọn với 800.000 học sinh trong cả nước sử dụng, vẫn không được gọi là SGK. Sách này chỉ "núp bóng" dưới hai từ “thí điểm” để không phạm luật khi được sử dụng trong nhà trường.

Cũng theo TS Lê Viết Khuyến, SGK hiện tại do Nhà nước nắm quyền quản lý và ban hành, được biên soạn theo cách tiếp cận truyền thống với quan điểm giáo dục là quá trình truyền thụ kiến thức từ người dạy tới người học.

Cơ chế làm SGK hiện nay bắt đầu từ việc Bộ GD&ĐT ra quyết định thành lập ban soạn thảo chương trình và viết SGK. Sau thẩm định, các bản thảo SGK được chuyển giao cho NXB Giáo dục Việt Nam in và phát hành.

Đành rằng, việc SGK được bao cấp có ưu điểm là sẽ tạo được sự thống nhất cho cả nước, phụ huynh không tốn kém do không phải mua nhiều loại sách. Tuy nhiên, bất cập lớn của cơ chế này là tạo ra sự độc quyền trong biên soạn và phát hành SGK, dẫn đến việc những cá nhân, tổ chức có thể "bắt mối" để hưởng lợi.

Độc quyền SGK cũng khiến NXB duy nhất sẽ thao túng thị trường sách bởi một khi không có cạnh tranh, SGK sẽ khó phát triển. Đặc biệt, với cơ chế này, mọi cải cách, thay đổi của SGK sẽ bị gạt đi và việc tiếp nhận xu thế thế giới cũng sẽ bị giảm rõ rệt.

Điều này cho thấy, quy định “một chương trình, một bộ SGK” của Luật Giáo dục hiện tại tạo kẽ hở cho cho tiêu cực, do đó cần được chỉnh sửa sớm. Và chỉ khi nào chúng ta phải sửa luật theo hướng “một chương trình, nhiều bộ SGK” mới xóa đi sự không bình đẳng giữa các bộ sách cùng có chất lượng.

Th.Hằng-H.Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/mot-chuong-trinh-nhieu-bo-sach-giao-khoa-la-xu-huong-cua-nen-giao-duc-hien-dai-510748/