Một chương mới quan trọng trong quan hệ Nga - Ba Lan

TCCSĐT - Trong 2 ngày 6 và 7-12-2010, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép thực hiện chuyến thăm chính thức có ý nghĩa lịch sử tới Ba Lan, mở ra một chương mới quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những mâu thuẫn tích tụ từ lâu trong quan hệ giữa Nga và Ba Lan có thể được hóa giải trong một sớm một chiều.

Trọng tâm các cuộc đàm phán thượng đỉnh Nga - Ba Lan

Trong các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép với người đồng cấp Ba Lan Brô-nhi-xláp Cô-mô-rốp-xki và Thủ tướng Ba Lan Đô-nan Tu-xkin, về phía Nga còn có một số lãnh đạo chủ chốt trong lĩnh vực năng lượng như Bộ trưởng Bộ năng lượng Xec-gây Smat-cô, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu mỏ và khí đốt Gazprom A-lếch-xây Min-lơ, Tổng Giám đốc hãng dầu mỏ Lukoil Va-git A-lêch-pe-rốp và Tổng Giám đốc Tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom Xéc-gây Ki-ri-en-cô.

Trọng tâm của các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép và Tổng thống Ba Lan B.Cô-mô-rốp-xki bao gồm nhiều vấn đề, từ hợp tác kinh tế đến miễn thị thực nhập cảnh giữa Nga và EU; việc điều tra vụ tai nạn máy bay Tu-154 của Tổng thống Ba Lan quá cố Lếch Ca-din-xki tại Xmô-len-xcơ tới những vấn đề lịch sử phức tạp trong quan hệ giữa Nga và Ba Lan. Kết thúc hội đàm, hai bên đã ký 7 văn kiện hợp tác về thương mại, năng lượng và đầu tư, trong đó có Tuyên bố về hợp tác nhằm mục đích hiện đại hóa nền kinh tế, các thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác trong cuộc chiến chống ô nhiễm biển Ban-tích và hợp tác trong các lĩnh vực như hàng hải, viễn thông, văn hóa v.v.. Ngoài ra, hai bên cũng ký Tuyên bố về việc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực trao đổi thanh niên giữa hai nước.

Phát biểu ý kiến sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép, Tổng thống Ba Lan B.Cô-mô-rốp-xki khẳng định, chuyến thăm của Tổng thống Nga Ð.Mét-vê-đép tới Ba Lan đã mở ra trang sử mới trong mối quan hệ giữa hai nước. Ba Lan sẽ không chỉ xây dựng mối quan hệ láng giềng thân thiện với Nga, mà còn giúp Mát-xcơ-va cải thiện mối quan hệ với EU và NATO, hai định chế ở châu Âu mà trong đó Ba Lan đóng vai trò quan trọng.

Kết thúc hội đàm, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Cô-mô-rốp-xki và Tổng thống Mét-vê-đép, hai bên đã ký 7 văn kiện hợp tác, trong đó có Tuyên bố về hợp tác nhằm mục đích hiện đại hóa nền kinh tế, các thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác trong cuộc chiến chống ô nhiễm biển Ban-tích và hợp tác trong các lĩnh vực như hàng hải, viễn thông, văn hóa... Ngoài ra, hai bên cũng đã ký Tuyên bố về việc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực trao đổi thanh niên giữa hai nước.

Dư luận ở Mát-xcơ-va và Vác-sa-va coi chuyến thăm Ba Lan lần này của Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép có ý nghĩa lịch sử, bởi tính từ chuyến thăm Ba Lan năm 2002 của Tổng thống V.Pu-tin tới nay, đây là lần đầu tiên người đứng đầu nhà nước Nga tới thăm Ba Lan. Hơn nữa, chuyến thăm Ba Lan của ông V.Pu-tin trên cương vị Tổng thống chỉ đề cập tới các vấn đề thuần túy kinh tế trong quan hệ giữa hai nước, còn chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đề cập tới nhiều vấn đề, từ chính trị đến kinh tế-xã hội.

Vẫn còn những mâu thuẫn và bất đồng

Phát biểu trước thềm chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép trên cầu truyền hình giữa Mát-xcơ-va và Vác-sa-va do hãng thông tấn Nga RIA Novosti tổ chức, cựu Thủ tướng Ba Lan Le-séc Min-lơ nhận xét rằng, trong quan hệ giữa hai nước láng giềng Ba Lan và Nga trong thời gian qua đã xảy ra tình hình không thể chấp nhận được đối với hai quốc gia đã từng là “anh em”, nhất là trong suốt nhiều năm liền, không có các cuộc viếng thăm lẫn nhau giữa nguyên thủ hai nước.

Trong quan hệ Nga-Ba Lan, những khó khăn phải vượt qua rất phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, nên đã hạn chế những khía cạnh tích cực trong quan hệ giữa hai nước. Chẳng hạn như, trong khi Nga kiên quyết phản đối kế hoạch của Oa-sinh-tơn bố trí lá chắn tên lửa trên lãnh thổ Ba Lan, thì Vác-sa-va lại nỗ lực thuyết phục Mỹ bố trí một số thành phần của hệ thống này trên lãnh thổ của họ. Vì thế hiện nay đã xuất hiện một khẩu đội tổ hợp tên lửa phòng không Patriot của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan, cách biên giới Nga chỉ khoảng 60 km. Chưa hết, ngày 4-12-2010, Ba Lan còn chấp nhận cho Mỹ bố trí thêm các máy bay tiêm kích F-16 và máy bay vận tải S-130 Herkules trên lãnh thổ của nước này. Phía Nga đã ngay lập tức có phản ứng và cho rằng hành động này làm ảnh hưởng đến an ninh nước Nga. Ngoài ra, nhiều chính khách và nhà hoạt động xã hội Ba Lan ủng hộ các chiến binh ly khai Che-xni-a. Ngay tại trung tâm thủ đô Ba Lan đến nay vẫn còn cơ quan đại diện của một tổ chức mang tên “Nhà nước It-kê-ri-a”. Cuối năm 2009, bất chấp lệnh truy nã của Nga theo kênh Cảnh sát hình sự quốc tế, cao ủy của cái gọi là “Nhà nước It-kê-ri-a” A-khmet Da-ca-ép đã tới Vác-sa-va, song Chính phủ Ba Lan đã không ra lệnh bắt giữ và dẫn độ A-khmet Da-ca-ép về Nga. Hiện vẫn còn một số nhà chính trị Ba Lan cáo buộc Nga có “tham vọng đế chế”, mà theo họ, tham vọng đó được thể hiện ở cung cách Mát-xcơ-va sử dụng năng lượng như một thứ vũ khí và việc Nga sử dụng sức mạnh trong cuộc chiến ở Nam Ô-xê-ti-a. Trong khi đó, phía Nga cũng có cơ sở cáo buộc Tổng thống đã quá cố của Ba Lan L.Ca-chin-xki ủng hộ Tổng thống Gru-di-a Sa-a-ca-xvi-li trong cuộc chiến Nam Ô-xê-ti-a, cũng như đứng về phía cựu Tổng thống U-crai-na V.Y-u-sen-cô trong việc gây ra cuộc khủng hoảng khí đốt trong năm 2006 và 2009.

Nhưng nguyên nhân chủ yếu khiến phần lớn người dân Ba Lan không hài lòng với Nga xuất phát từ những di sản của lịch sử. Một số chính giới ở Ba Lan vẫn cáo buộc Nga không điều tra đến tận cùng vụ thảm sát các sỹ quan Ba Lan ở Kha-tưn đầu những năm 1940. Gần đây, không ít người ở Ba Lan muốn Nga điều tra rõ một số chi tiết liên quan tới vụ thảm họa máy bay Tu-154 của Tổng thống Ba Lan Lếch Ca-chin-xki ở ngoại ô Xmô-len-xki khi ông đang trên đường tới Kha-tưn dự lễ tưởng niệm các sỹ quan Ba Lan bị thảm sát. Trước chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép, Đu-ma quốc gia Nga đã thông qua nghị quyết lên án vụ thảm sát các sỹ quan Ba Lan ở Kha-tưn và đề nghị phía Ba Lan mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, Quốc hội Ba Lan đã không đưa ra quyết định hưởng ứng đề nghị của phía Nga.

Gần đây, Nga và Ba Lan đã ký kết hợp đồng để Nga cung cấp khí đốt cho Ba Lan tới năm 2022. Mặc dù nội dung hợp đồng đó không vi phạm bất kỳ điều khoản nào của EU, nhưng một số thế lực chống đối ở Ba Lan đã phản đối hợp đồng này và cho rằng Ba Lan nên giảm bớt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga và nên đưa các điều khoản hợp đồng phù hợp với các tiêu chuẩn của EU.

Có thể thấy rằng, mặc dù các mâu thuẫn và bất đồng giữa hai bên, nhất là những sự kiện trong quá khứ, chưa thể dễ gạt bỏ, chưa thể tự khắc được hóa giải trong một sớm một chiều song chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép vẫn được coi là bước tiến quan trọng, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước./.

Lê Thùy Dương

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/the-gioi-van-de-su-kien/2010/3108/mot-chuong-moi-quan-trong-trong-quan-he-nga-ba-lan.aspx