Một chủ trương đúng cho tương lai phát triển ngành cao su

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, cùng với việc phát triển lĩnh vực khai thác chế biến mủ cao su, các công ty trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi một phần diện tích sang phát triển ngành sản xuất khác có hiệu quả cao hơn. Việc đầu tư không dàn trải mà có định hướng phù hợp cho từng nhóm ngành để bảo đảm sử dụng tốt nhất nguồn lực hiện có.

Trồng, chăm sóc, khai thác chế biến mủ cao su là một trong năm lĩnh vực then chốt của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Trồng, chăm sóc, khai thác chế biến mủ cao su là một trong năm lĩnh vực then chốt của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Tập đoàn), hiện nay, Tập đoàn tập trung đầu tư và kinh doanh ở năm lĩnh vực then chốt, có lợi thế gồm: Trồng, chăm sóc, khai thác chế biến mủ cao su, khai thác gỗ củi cao su; sản xuất các sản phẩm từ gỗ cao su; Đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp trên đất cao su; Sản phẩm công nghiệp cao su; Chuyển đổi đất trồng cao su để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Chính nhờ sự mạnh dạn chuyển đổi đã giúp cho Tập đoàn không những bảo đảm khả năng cung ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp cao su trong nước phát triển và xuất khẩu, mà còn khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, lao động, khả năng luân chuyển nguồn vốn và thế mạnh của từng doanh nghiệp trong hệ thống. Từ thực tế phát triển như hiện nay, với tốc độ tăng trưởng chung của Tập đoàn từ 5-8%/năm, Tập đoàn đang đặt ra mục tiêu doanh thu đến 2025 khoảng 48.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng.

Kỳ vọng vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên, sản xuất và sản phẩm nông nghiệp của Tập đoàn vẫn đang bó hẹp trong lĩnh vực trồng và chế biến cao su. Trong những năm gần đây, giá mủ cao su giảm dẫn đến lợi nhuận chưa đạt như kỳ vọng, đồng thời diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Thêm vào đó, xu hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Thực tiễn đòi hỏi Tập đoàn phải có sự chuyển đổi phù hợp.

Đại diện Tập đoàn cho biết, từ năm 2016, Tập đoàn đã khuyến khích và tạo hành lang cho một số công ty triển khai thí điểm. Một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực này là Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng với dự án trồng 117 ha chuối cấy mô hợp tác theo mô hình liên doanh liên kết với Công ty CP Nông nghiệp U&I (Unifarm) mang thương hiệu Chuối Dole. Đây là một thương hiệu nông sản nổi tiếng thế giới của Mỹ.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng cho biết, nhờ chuyển sang trồng chuối mà lợi nhuận công ty thu được tăng đáng kể so với trồng cây cao su trước đây. Cụ thể, trong năm 2020, doanh thu từ chuối khoảng 63,4 tỷ đồng, lợi nhuận từ chuối khoảng 50 đến 60 triệu đồng/ha/năm, cao hơn hàng chục lần so với 1 ha cao su.

Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long liên kết với đối tác trồng chuối xen canh trong vườn cao su, vừa đảm bảo có nguồn lợi kinh tế từ cây chuối, vừa hỗ trợ đẩy nhanh sự phát triển của cây cao su.

Hiện nay, sản phẩm chuối tại đây, sau khi thu hoạch, sơ chế và đóng gói sẽ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… Với hiệu quả như vậy, Công ty dự kiến sẽ mở thêm trên 1.300 ha để trồng chuối chuyên canh.

Từ mô hình thí điểm của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, một số công ty thành viên của Tập đoàn cũng đã nhanh chóng triển khai sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đồng thời cho ra đời các mô hình trồng trọt xen canh hoặc chuyên canh khá hiệu quả. Trong đó, dự án trồng chuối già Nam Mỹ tại Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long là một ví dụ.

Ông Lê Văn Vui, Tổng Giám Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long- đơn vị đang trồng 180 ha chuối xen cao su cho biết, đây là mô hình đảm bảo “lợi cả đôi đường”. Lý do, vừa thu được lợi nhuận từ chuối mà còn giúp cây cao su phát triển tốt hơn, do cây cao su hưởng “ké” chất dinh dưỡng khi chăm sóc chuối, đồng thời cây chuối hỗ trợ giữ ẩm tốt cho đất. Chưa kể, sau khi thu hoạch chuối, phần thân cây sẽ tạo nguồn phân hữu cơ cho đất. Trên thực tế, theo ông Vui, vườn cao su (trồng chuối xen canh) đã tăng vanh nhanh chóng, tính ra tốc độ tăng vanh khoảng 1cm so với các vườn cao su đơn thuần. Công ty Bình Long cũng đã ký hợp tác lâu dài với đối tác xuất khẩu sản phẩm ra thị trường Hàn Quốc, nên đầu ra khá yên tâm. Nếu trồng đảm bảo đúng kỹ thuật, sản phẩm đáp ứng yêu cầu của đối tác thì trung bình thu lợi khoảng 5 triệu đồng/ha. Công ty cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Dự kiến, giai đoạn 2020-2025 công ty sẽ phát triển khoảng 500ha diện tích trồng chuối, kể cả trồng xen canh lẫn trồng đông đặc.

Đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Tập đoàn cho biết, tính đến năm 2020, Tập đoàn đã phê duyệt thực hiện 2 khu nông nghiệp Công nghệ cao; 13 dự án nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao với tổng diện tích 4.370 ha. Đến nay, đã thực hiện được 5 dự án với diện tích 586 ha chiếm 11,1% tổng diện tích được chấp thuận. Các dự án được đầu tư với loại cây trồng tương đối đa dạng như: chuối, sachi, dưa lưới, bưởi da xanh, các loại cây có múi khác… tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, cây chuối vẫn là cây chủ lực với 403 ha chiếm 82,9% và mít 83 ha chiếm 17,1%.

Trên thực tế, các dự án này đều thực hiện mô hình liên doanh liên kết với đối tác trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, tận dụng công nghệ, thị trường, vốn của đối tác nhưng không làm mất đi quyền sử dụng đất. Đây là bước đi đúng đắn để tranh thủ kinh nghiệm, công nghệ, thị trường, vốn, tiến tới làm chủ công nghệ, thâm nhập thị trường tạo đà để tự thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai.

Sản phẩm chuối sau khi thu hoạch tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng được sơ chế và đóng gói để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia.

Các khu công nghiệp - lợi nhuận cao, tiềm năng lớn

Trong số các lĩnh vực then chốt mà hiện nay các công ty thành viên của Tập đoàn đang triển khai hiệu quả thì việc đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (KCN) trên đất cao su được đánh giá có tiềm năng lớn.

Ông Hà Huệ Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Khu công nghiệp Cao su Bình Long cho biết, đơn vị đang quản lý 292,73ha đất khu công nghiệp hiện hữu, trong đó diện tích đất thương phẩm là 220ha (KCN Minh Hưng III). Công ty đã đầu tư vào hạ tầng là 280 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 96,89%.

Hiện, Khu công nghiệp đã ký hợp đồng cho thuê được 214,30ha với 26 dự án đầu tư (trong đó có 13 dự án có vốn đầu tư nước ngoài), tỷ lệ lấp đầy đất thương phẩm tương đương 97,41% với tổng số vốn đăng ký của các nhà đầu tư là 2.427 tỷ đồng và 516,94 triệu USD. Bên cạnh đó, Khu công nghiệp này cũng đã thu hút một lượng lớn lao động, ước khoảng 11.300 người.

Đánh giá về tiềm năng phát triển khu công nghiệp năm 2021, ông Hải cho rằng, làn sóng đầu tư vào Việt Nam sẽ có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới bởi rất nhiều lý do, trong đó, do sự ổn định về kinh tế, hệ thống giao thông phát triển, đặc biệt là lực lượng lao động dồi dào với giá nhân công tương đối rẻ so với các nước trong khu vực. Hơn nữa, Việt Nam cũng được xem như là một trong những nước có thể chế chính trị ổn định, kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19…

Từ hiệu quả của KCN Minh Hưng III hiện hữu, trước những tiềm năng và cơ hội, Công ty đang tiến hành các thủ tục pháp lý cho việc mở rộng KCN giai đoạn II với diện tích 577,53ha. Dự kiến, cuối năm 2021 Công ty triển khai các bước quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư vào KCN Minh Hưng III giai đoạn 2.

Trao đổi với báo chí, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, mảng khu công nghiệp vừa có lợi nhuận cao, tiềm năng và nhiều lợi thế nên Tập đoàn sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư mạnh trong giai đoạn 2021-2025. Trước mắt trong giai đoạn 2021, Tập đoàn và các đơn vị thành viên tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư với cơ quan có thẩm quyền các cấp để triển khai đầu tư các KCN mở rộng như: Nam Tân Uyên giai đoạn 2, Rạch Bắp. Đồng thời trình với cấp có thẩm quyền đề xuất giao Tập đoàn làm chủ đầu tư các KCN trên đất cao su đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch KCN, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 như: Bắc Đồng Phú mở rộng, Minh Hưng III Cẩm Mỹ, Hiệp Thạnh, các KCN ở Long Thành.

Tập đoàn phấn đấu xây dựng thương hiệu của mình trong lĩnh vực khu công nghiệp thông qua các hình thức cung cấp các dịch vụ tốt nhất hỗ trợ nhà đầu tư, môi trường KCN xanh,sạch và đẹp; đầu tư hệ thống xử lý nước thải bảo vệ môi trường, thu hút các nhà đầu tư hoạt động theo chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu rác thải, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, công trình tiết kiệm năng lượng. Giai đoạn 2021 - 2030, Tập đoàn dự kiến thành lập mới và mở rộng 48 KCN, 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích 39.177 ha (trong đó: KCN là 37.387 ha; cụm công nghiệp là 1.789 ha) từ chuyển đổi đất cao su.

Giai đoạn 2021 - 2030, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dự kiến thành lập mới và mở rộng 48 khu công nghiệp, 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích 39.177 ha (trong đó: Khu công nghiệp là 37.387 ha; cụm công nghiệp là 1.789 ha) từ chuyển đổi đất cao su.

Được biết, tính đến cuối năm 2020, Các công ty khu công nghiệp của Tập đoàn đã cho thuê 2.288,5 ha, đạt gần 89,5% diện tích; thu hút hơn 700 doanh nghiệp với vốn đầu tư 9.119 triệu USD và 24.714 tỷ đồng, tạo ra hơn 260.000 công việc cho người lao động trên địa bàn các tỉnh Đông Nam Bộ, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương tại nơi các khu công nghiệp trú đóng, cũng như góp phần giải quyết vấn đề về an sinh xã hội.

Năm 2020, lợi nhuận từ khối dịch vụ hạ tầng khu công nghiệp chiếm 17 % trên tổng lợi nhuận của Tập đoàn. Dự kiến tới năm 2025, con số này sẽ tăng lên chiếm 22,4%./.

Vương Lê

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/chuyen-doi-de-khai-thac-hieu-qua-loi-the-578019.html