Một chính phủ không nợ đọng văn bản

Các bộ, cơ quan đã tích hợp từ 49 văn bản quy định chi tiết luật có hiệu lực từ 1/1/2021 xuống còn 29 văn bản, giảm 20 văn bản so với phân công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, sáng 2/3. Ảnh: Quang Hiếu

Cuối tháng 1/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký Quyết định số 164/QĐ-BGTVT ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ.

Trong Chương trình hành động này, có thể thấy rõ quyết tâm của Bộ trong việc tăng cường kỷ cương, nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện tổ chức, triển khai hệ thống pháp luật gắn với thực thi nghiêm pháp luật.

Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật mới ban hành, bảo đảm chất lượng và giảm thiểu số lượng văn bản ban hành...

Lãnh đạo Bộ đã khẳng định, kiến tạo phải từ thể chế. Văn bản quy phạm pháp luật kịp thời, sát thực tiễn mới tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Tinh thần này thực tế đã được lan tỏa rất rõ từ người điều hành cao nhất của bộ máy Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Thủ tướng Chính phủ từng chỉ đạo: “Cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết theo hướng một luật chỉ ban hành tối đa 2 Nghị định quy định chi tiết, trường hợp đặc thù báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định; 1 Nghị định chỉ ban hành 1 Thông tư hướng dẫn”.

Nhìn lại cả nhiệm kỳ 5 năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế các bộ, cơ quan đã nỗ lực, chủ động, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết và đạt được nhiều kết quả.

Việc xây dựng văn bản quy định chi tiết được cải cách mạnh mẽ về tư duy và phương pháp.

Chỉ trong một năm các bộ, cơ quan đã tích hợp từ 49 văn bản quy định chi tiết luật có hiệu lực từ 1/1/2021 xuống còn 29 văn bản, giảm 20 văn bản so với phân công, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Tất cả nhằm hướng tới một chính phủ điện tử với nền kinh tế số, cả bộ máy đang nỗ lực nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Tuy nhiên, trên thực tế khó có thể giải quyết hết “nợ đọng”. Doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải vẫn còn những vướng mắc. Nguyên nhân được đánh giá do vẫn còn cách hiểu sai giữa quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật, mà cái khó khăn và gây chậm ở đây là biện pháp thi hành.

Có thứ văn bản ra rồi mà thực tế vẫn không thể triển khai.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn đang quan tâm tới đầu tư hạ tầng giao thông vẫn đang chờ hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo các thông tin mới nhất, Nghị định hướng dẫn thi hành luật này sẽ được ban hành trong tháng 3.

Một nhiệm kỳ Chính phủ không thể nào giải quyết được tất cả những khúc mắc, trắc trở. Bởi vì ngoài những sự vụ cụ thể được chỉ đạo trực tiếp quyết liệt, lấy làm điển hình thì nhiệm vụ của người đứng đầu bộ máy là bảo đảm cho môi trường kinh doanh một hành lang pháp lý an toàn, có thể tiên liệu được. Trong khi đó, có nhiều vấn đề về thi hành, áp dụng pháp luật không nhất quán trong từng giai đoạn.

Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp phấn khởi trước thông điệp của Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm không để nợ đọng văn bản pháp luật.

“Một lần nữa chúng ta nêu quyết tâm vì nhân dân mà làm việc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ điều này khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021 cách đây vài hôm.

Thủ tướng yêu cầu 8 bộ gồm Bộ: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện các báo cáo gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội theo đúng thời hạn quy định. Dứt khoát không bàn giao văn bản nợ đọng cho Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Với tinh thần khách quan và cầu thị, các bộ, cơ quan đã thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân đối với những trường hợp “nợ đọng” và tìm biện pháp giải quyết.

Với người dân, không có gì có ý nghĩa kiến tạo và phục vụ quan trọng bằng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Ngô Đức Hành

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/mot-chinh-phu-khong-no-dong-van-ban-d498010.html