'Một chiến dịch ở Bắc Kỳ' chưa phải là bức tranh toàn cảnh

Theo dịch giả Đinh Khắc Phách, tác phẩm của Hocquard mô tả sinh động con người, phong cảnh nước ta hơn 100 năm trước, nhưng vẫn có những thiếu sót nhất định.

Mới đây, làng sách đón nhận gần như cùng lúc hai phiên bản Một chiến dịch ở Bắc Kỳ: Một bản của nhà xuất bản (NXB) Đà Nẵng liên kết với Omega Plus, một bản của NXB Văn học liên kết với Đông A. Phiên bản của Đông A và NXB Văn học do dịch giả Đinh Khắc Phách chuyển ngữ.

Ở tuổi gần 90, dịch giả Đinh Khắc Phách mới bắt tay vào dịch tác phẩm này. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học, ông học tiếng Pháp từ nhỏ, say mê văn học và lịch sử.

Năm 1950, ông vào quân đội, tham gia kháng chiến chống Pháp. Khi đã nghỉ hưu, ông dịch một số tác phẩm thơ văn tiếng Pháp như Hai năm trên hoang đảo, Ngụ ngôn La Fontaine, truyện của Charles Perrault.

 Dịch giả Đinh Khắc Phách. Ảnh: Nguyễn Thanh Bình.

Dịch giả Đinh Khắc Phách. Ảnh: Nguyễn Thanh Bình.

Dịch để thế hệ sau có thêm tư liệu

Dịch giả Đinh Khắc Phách cho biết, khi mới tiếp xúc vài trang Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, ông khá thờ ơ, vì tác giả Hocquard vốn là bác sĩ trong quân đội thực dân Pháp.

Nhưng khi lật mở các trang sách ra, ông được thấy những hình ảnh sinh động. “Trong đó, có những thứ lần đầu tôi được thấy, ví dụ như quân cờ đen; hoặc hình ảnh quan tổng đốc…”, dịch giả Đinh Khắc Phách nói.

Dịch giả bảo khi bình tĩnh đọc sẽ thấy cuốn sách cộng với 230 bức hình lớn nhỏ cung cấp thông tin phong phú về nước ta hơn 100 năm trước. Ở đó có thông tin, hình ảnh về một số địa danh tới nay đã không con.

“Tôi quyết định dịch cuốn sách, để các cháu của tôi có thể biết được những phong tục tập quán này. Phần nữa tôi cũng muốn dịch để nhớ lại những gì mình đã qua, kiểm chứng lại thông tin, một cách luyện trí óc”, dịch giả chia sẻ.

Trang đầu tiên trong bản dịch viết tay của dịch giả Đinh Khắc Phách.

Với vốn sống, kinh nghiệm chiến trường, cùng mối quan tâm sâu sắc đến văn hóa, ông đã miệt mài dịch thuật tác phẩm trong khoảng 2 năm trời. Bản dịch được ông viết tay trên 22 tập giấy nhỏ, trình bày mạch lạc với các phần chú giải tỉ mỉ. Sau đó, cháu gái ông - một biên tập viên, dịch giả trẻ - đánh máy bản dịch và gửi tới đơn vị làm sách.

Quá trình dịch, có những địa danh đến nay không còn nữa. Người dịch dựa vào kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân, có những nơi phải hỏi người cao tuổi ở các vùng quê, hoặc tra cứu qua sách vở để chuyển ngữ cho chính xác. Cũng có những địa danh nay đã đổi tên mà dịch giả không tìm được như “Trach moi”.

Đánh giá về nội dung Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, dịch giả Đinh Khắc Phách nói cái đáng quý nhất của sách là cung cấp thông tin về con người, cảnh vật nước ta gần 150 năm trước.

Là người yêu thích văn hóa, dịch giả từng tìm hiểu sách về phong tục tập quán của nước ta qua những công trình nổi tiếng của Đào Duy Anh, Phan Kế Bính. Tuy vậy, có một số nghi lễ, tập quán lần đầu dịch giả được biết đến qua Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, nhất là những tập tục trong tang chế, cưới hỏi...

“Đặt tên sách là Một chiến dịch ở Bắc Kỳ […] Thế nhưng ông không kể nhiều về các trận đánh mà tập trung viết những gì tai nghe, mắt thấy, lượm lặt hoặc tìm hiểu được trên những nẻo đường đã qua và những nơi lưu lại ít hay nhiều ngày về đất nước, con người, hoạt động sản xuất, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, tổ chức xã hội, văn học nghệ thuật...”, dịch giả Đinh Khắc Phách nhận định.

Dịch giả 90 tuổi cũng cho rằng cuốn sách không chỉ cung cấp thông tin về đời sống người dân, mà còn cho thấy triều đình phong kiến khi ấy đã mục ruỗng.

Sách Một chiến dịch ở Bắc kỳ do NXB Văn học và Đông A phát hành. Ảnh: ĐA.

Tác giả chưa tiếp xúc với sĩ phu Bắc Hà

Đinh Khắc Phách vốn là người lính chống Pháp, nên khi đọc sách đến những cảnh viết về chiến trường mà ông đã trải qua như ở Hòa Bình, sông Lô, dịch giả cảm nhận những miêu tả sinh động. Bên cạnh đó, cũng có những chi tiết xa lạ với dịch giả, ví dụ chi tiết tác giả miêu tả cảnh rừng có quả ngọt, đầy hoa…

Dịch giả đánh giá cao những mô tả cùng hình ảnh sinh động của Hocquard, nhưng ông cũng tiếc nuối khi tác giả chưa tiếp cận hết các giai tầng ở nước ta thời đó. Tác giả đã tiếp xúc và viết về quan lại phong kiến, hoặc những người làm culi, phu phen, đám trẻ bụi đời, thợ thủ công mỹ nghệ… “Tôi rất tiếc khi tác giả chưa tiếp xúc với giới sĩ phu Bắc Hà”, dịch giả nói.

Theo dịch giả, có những chỗ tác giả Hocquard đã đánh đồng những cuộc khởi nghĩa của người Việt với những cuộc nổi dậy của quân cướp bóc.

Hình ảnh về Hồ Hoàn Kiếm trong sách.

Theo dịch giả Đinh Khắc Phách, tác giả Hocquard có một số nhầm lẫn nhất định. Ông nói: “Dù tác phẩm không tránh khỏi sai sót, nhầm lẫn, bởi chỉ với thời gian tác giả sinh sống khoảng hai năm […] không có điều kiện đi sâu tìm hiểu kĩ càng, nhưng với những giá trị quý về mặt tư liệu của nó, có thể nói đây là một tác phẩm đáng để tham khảo”.

Dịch giả Đinh Khắc Phách nói sau khi Một chiến dịch ở Bắc Kỳ ra mắt, ông là người cầu toàn, nên nếu được sửa thì vẫn sẽ làm cho bản dịch được tốt hơn.

Trước ý kiến cho rằng cùng một lúc có hai người dịch Một chiến dịch ở Bắc Kỳ là sự lãng phí tài nguyên dịch, Đinh Khắc Phách phản bác quan điểm này.

Ông nói Tam quốc có Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính dịch. Thơ văn Hồ Chí Minh cũng có nhiều bản dịch. Hoặc Ngụ ngôn La Fontaine học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch rồi, có những truyện ông thấy đặc sắc, có những truyện ông thấy chưa hay nên vẫn dịch lại.

“Mỗi người có một cách dịch khác nhau. Việc hai người cùng dịch giúp mỗi người cố gắng phấn đấu hoàn thiện bản của mình tốt hơn mà thôi”, dịch giả nói.

Y Nguyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-chien-dich-o-bac-ky-chua-phai-la-buc-tranh-toan-canh-post1093764.html