Một cây làm chẳng nên non...

Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) và Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10) đã kết thúc tốt đẹp hôm 31/3 sau ba ngày làm việc khẩn trương, tích cực tại Hà Nội.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (giữa), Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái)và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (phải). Ảnh: Như Ý.

Bên cạnh những dấu ấn về lần đầu tiên các đối tác lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ban Thư ký ASEAN tham dự đầy đủ theo lời mời của nước chủ nhà Việt Nam cũng như sự tham gia đông đảo nhất của các nhà báo trong và ngoài nước và các doanh nghiệp GMS, các hội nghị này đã để lại dư vị về sự đồng lòng và đoàn kết vì một khu vực sông Mekong phát triển nhanh và bền vững.

Mở đầu cuộc họp báo quốc tế do Thủ tướng Việt Nam-Lào-Campuchia đồng chủ trì ngay sau khi bế mạc Hội nghị CLV-10, các nhà báo trong và ngoài nước ấn tượng với hình ảnh Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (đứng giữa), Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đứng hai bên, cùng chồng ba đôi bàn tay lên nhau thể hiện sự đoàn kết, hợp lực. Cuộc họp báo cũng bắt đầu bằng câu chuyện giản dị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông kể lại chuyện mời Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tới Việt Nam tham dự GMS-6. “Khi tôi mời ông Tổng Giám đốc điều hành WB thì ông đã nói một câu mà hôm nay chúng tôi muốn nhắc lại, một câu ca dao Việt Nam mà cả ba Thủ tướng đều thống nhất: Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Ba Thủ tướng đều quyết tâm đoàn kết, hỗ trợ, làm hết sức mình để gìn giữ, bồi đắp tình cảm truyền thống giữa ba dân tộc. Với tinh thần đó, ba Thủ tướng đã nhất trí rất cao nhiều nội dung quan trọng của Hội nghị này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Tiếp lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith bổ sung rằng, người Lào cũng có một câu tục ngữ tương đương như vậy để nói về sức mạnh đoàn kết, có hàm ý “vững như kiềng ba chân”. Lào - Việt Nam - Campuchia bền vững như kiềng ba chân.

Với triết lý giản dị này, sự đoàn kết, hợp lực đã được chính phủ ba nước quán triệt và tạo nên sự phát triển ngày càng bền vững cho khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, cho cả ba nước. Nhìn lại các kết quả của chặng đường 18 năm hợp tác Tam giác phát triển CLV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn, khu vực 13 tỉnh của 3 nước đã có sự phát triển không ngừng, kể cả hạ tầng, các công ty sản xuất, kinh doanh, đặc biệt đời sống người dân được nâng lên đáng kể. Đói nghèo đã giảm, ở mức thấp. Giao lưu nhân dân ở khu vực được mở rộng và ngày càng sâu sắc, đoàn kết. Kết quả này thể hiện quyết tâm và nỗ lực không ngừng của chính phủ ba nước. Kết thúc CLV-10, Kế hoạch tổng thể về kết nối ba nền kinh tế CLV đến năm 2030 đã được lãnh đạo ba nước thông qua, hứa hẹn thúc đẩy hợp tác kết nối về hạ tầng cơ sở, kết nối về thể chế và kinh tế, và giao lưu nhân dân ngày càng sâu rộng.

Trước CLV, có thể nói Chương trình hợp tác GMS là diễn đàn kinh tế quốc tế đầu tiên mà Việt Nam tham gia trước khi Mỹ bãi bỏ cấm vận với Việt Nam. Có thể khẳng định, sau 1/4 thế kỷ, hợp tác GMS đã khẳng định bản sắc riêng. Từ một khu vực với những quốc gia nghèo khó và chậm phát triển trong thế kỷ trước, đến nay GMS đã vươn lên và tự hào là có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, mở cửa và tích cực hội nhập với quy mô hợp tác đầu tư đạt hơn 21 tỷ USD với hàng trăm dự án trên nhiều lĩnh vực, nổi bật nhất là hợp tác kết nối. Khu vực GMS hiện là một “nền kinh tế” có quy mô GDP lên đến hơn 1.300 tỷ USD. “Điều này cho thấy nếu các quốc gia, các đối tác dù nhỏ, tiềm lực hạn chế khi liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong khuôn khổ chung GMS sẽ tạo ra một khu vực kinh tế chung, một thị trường chung, mang lại sức mạnh cộng hưởng to lớn, mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

L.A

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/mot-cay-lam-chang-nen-non-1256804.tpo