Một cây bút say nghề như điếu đổ!

Thước phim cuộc đời

“Mọi sự so sánh đều khập khiễng”! Dẫu vậy, tôi vẫn mượn thành ngữ “Say nghề như điếu đổ” áp vào đồng nghiệp của tôi-nhà báo Phạm Quốc Toàn. Những năm dài ở Báo Quân đội Nhân dân, Phạm Quốc Toàn đã sáng danh là cây viết bình luận quốc tế sắc sảo, đạt nhiều giải báo chí. Những năm làm Tổng Biên tập Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, từ năm 1987, sự say nghề nơi anh đã giúp Báo Bà Rịa-Vũng Tàu nhanh “lên hạng” trong khối báo Đảng địa phương cả nước. Và theo đó Đại hội VIII và Đại hội IX, anh được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm báo.

Nhà báo Phạm Quốc Toàn.

Nhà báo Phạm Quốc Toàn.

Phạm Quốc Toàn là cây bút viết không ngơi nghỉ về cái mới, cái hay; phê phán cái ngang trái; bình luận nhanh nhạy những sự kiện quốc gia và quốc tế. Ấy là sự đắm say với nghề báo. Hơn thế, Phạm Quốc Toàn còn ngây ngất với việc viết sách. Chỉ tính từ tập sách đầu tay “Tản mạn về đời” do NXB Văn học ấn hành năm 2012 cho tới quý I/2021, anh đã in tới 16 đầu sách, ấy là chưa kể tập sách thứ 17 của anh đang nhấp nhẩy ra lò. Mỗi năm “xuất xưởng” 2 đầu sách dày dặn, được bạn đọc đón nhận. Thật đáng kinh ngạc! Không say, không ngây ngất với nghề dễ đâu có được. Ngần ấy tập sách được tạo nên từ sự kiên trì lao động của quá khứ và hiện tại, chiu chắt từ kinh nghiệm của cuộc đời từng trải dạn dày với hạnh phúc và cả những đắng cay nghiệt ngã, cẩn trọng với chữ nghĩa như gìn giữ tình anh em ruột thịt sáng trong; hy vọng và lạc quan tràn đầy trong từng trang sách như những lính gác trung thành giúp cho Phạm Quốc Toàn lúc nào cũng viết đúng, viết trúng, viết hay, cuốn hút người đọc.

Nói thì dễ vậy, làm thì với muôn bề khốn khó mới có được. Từng ngồi với nhau trên giảng đường đại học báo chí. Từng mến mộ khuôn mặt trẻ tươi, đôi mắt cương nghị thăm thẳm về cách nhìn. Từng yêu mến âm giọng trầm ấm đậm chất Nghệ trong sắc phục lính mỗi khi anh đăng đàn về những điều cần có của báo chí, của nhà báo! Yêu quý nhau hơn, trọng nhau hơn vì anh chỉ một lòng một dạ với cái nghề, cái nghiệp mà thiên hạ cho là: “Giời đày”, “Nguy hiểm”, “Thống khổ suốt ngày đêm”, “Khắt khe”, “Nghiệt ngã”, “Càng béo con chữ/Càng gầy niêu cơm”!...

PGS.TS Ngôn ngữ học Phạm Văn Tình giải nghĩa với tôi “Say như điếu đổ”: Say đắm, yêu thích, mê mẩn, ngây dại, ví như người hút thuốc lào say ngây ngất, đê mê, đến nỗi đánh đổ cả điếu mà không biết! Ông còn nói thêm: Đây là Từ điển giải nghĩa... hay thế. Tôi không hút thuốc lào nên không cảm nhận hết. Nhưng đắm say, ngây ngất, đê mê với nghề viết thì đúng là Phạm Quốc Toàn. Say mê mẩn, ngây dại thì không. Tôi có cảm nhận Phạm Quốc Toàn đi đâu, đến đâu, thăm gì, gặp ai, xem gì, đọc gì đều để tâm tác nghiệp, để đong thêm vốn, để ních vào kho tư liệu ẩn cất trong tâm trí. Nghĩa là con tim, khối óc, đôi mắt tinh tường đều hướng đến việc nhìn nhận, suy xét, xúc cảm rồi lưu vào bộ nhớ, thậm chí ghim vào ký ức, ấy là cách tiếp nhận thông tin. Theo đó là xử lý thông tin từng được nuôi dưỡng từ lòng kiên định một lòng vì nước, vì dân, vì sự tốt lành của xã hội để tạo nên bài viết, tạo ra tập sách.

Những tác phẩm mà nhà báo Phạm Quốc Toàn xuất bản trong gần 10 năm qua.

Thiên hạ “độc mồm” bảo: “Nhà báo nói thêm”! Sự độc mồm không chỉ để chê bai, mà còn răn đe, nhắc nhở nhà báo phải viết cho đúng! Ngỡ ra gần 55 năm Phạm Quốc Toàn viết báo chưa khi nào vấp ngã vì bài viết. Đọc các tập Tiểu luận “Tản mạn về đời”; “Đời & Nghề” (NXB Văn học, 2013) và thậm chí cả tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” (NXB Văn hóa-Văn nghệ, 2019) vỡ ra quan niệm thấu thiết của Phạm Quốc Toàn về nghề báo, nghiệp văn, về trách nhiệm cao cả của người cầm bút không khi nào lơi lỏng. Cái lớn nhất của nhà báo không chỉ là đam mê, là tay nghề mà trước hết là cái tâm, cái đức. Đạo đức nghề nghiệp là trên hết, là đường lớn; viết báo là để nhân lên cái hay, cái đẹp của xã hội, của nhân dân và đất nước thân yêu của mình.

Sự nghiệp cầm bút của Phạm Quốc Toàn vẫn tiếp diễn, vẫn nối dài những trang viết, những tập sách, nhưng chỉ với gần 55 năm trong nghề báo, anh dồn nén hết cho cái hay cái đẹp, cho cái mới nảy sinh phát triển, cho những điển hình tiên tiến lan tỏa, nhân rộng thêm ra. Anh luôn nhìn người bằng sự đóng góp thiết thực cho dù đấy là nhỏ. Nhỏ đấy, vặt vãnh đấy nhưng là sự tích tụ, góp mật-có ích cho đời như con ong luôn là cái để ta bắt lòng.

Nhân văn là đức hạnh của Phạm Quốc Toàn. Anh mộc mạc, thẳng thắn, chân tình, không đao to búa lớn, “đánh” nhưng mở lòng. Với anh, sai đúng, xấu tốt, phải trái, cao thượng và thấp hèn... luôn rành mạch, rõ ràng, dù họ là ai. Đức tính ấy là cốt cách trong con người anh, thể hiện khá đầy đủ, hoàn hảo trong 16 tập sách mà anh đã trình làng, từ những nhà xuất bản uy tín. Một đời say, suốt đời ngụp lặn với nghề báo-nghiệp văn. Anh không chỉ là người có năng khiếu bẩm sinh mà còn là tấm gương của nhà báo có học vấn thâm sâu, thấu đáo về nghề, về chính trị-văn hóa-xã hội. Một người ham đọc, ham học, ham đi, ham tới và ham viết. Một đời làm đúng. Viết đúng. Viết hay.

Nhà báo, nhà văn NGUYỄN UYỂN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202104/mot-cay-but-say-nghe-nhu-dieu-do-923203/