Một cặp song sinh chỉ khác nhau một thói quen mà thành tích học tập chênh lệch

Trên thực tế, điểm số của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh, trẻ ngủ nhiều và trẻ ngủ ít có sự chênh lệch lớn về phát triển trí não.

Giấc ngủ không chỉ bồi bổ cơ thể mà còn thúc đẩy não bộ phát triển, giúp trẻ thông minh hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ ngủ nhiều hơn và những đứa trẻ ngủ ít hơn lớn lên rất khác nhau, đặc biệt là sự phát triển của não bộ.

Từng có một bà mẹ ở Trung Quốc than phiền trên diễn đàn dành cho phụ huynh: Cô có một cặp song sinh. Một bé thì rất khó ngủ. Ngay cả khi người mẹ kể đủ loại chuyện, con vẫn lơ đãng, cười khúc khích, ngắt lời mọi lúc. Dỗ con đi ngủ sớm trở thành việc khó khăn. Ngược lại, một bé rất dễ đi vào giấc ngủ.

Điểm số của đứa trẻ đầu tiên thường xuyên không đạt mức khá, trong khi đứa thứ hai cũng học cùng lớp thì lọt vào Top 3. Điều này khiến bà mẹ không khỏi thở dài: "Cùng một gen, cùng một cách dạy, làm sao có thể chênh lệch như vậy!".

Trên thực tế, điểm số của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh, trẻ ngủ nhiều và trẻ ngủ ít có sự chênh lệch lớn về phát triển trí não.

Tại sao trẻ ngủ nhiều sẽ tốt hơn?

Tiến sĩ Wilson thuộc Đại học Y khoa Louisville đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá cụ thể giấc ngủ của hàng trăm cặp song sinh và sự phát triển của chúng 10 năm sau. Ông phát hiện ra rằng, trong giới hạn giấc ngủ hợp lý, cặp song sinh ngủ nhiều hơn thông minh hơn và học giỏi hơn cặp kia. Không chỉ vậy, người trước còn đạt điểm cao hơn người sau trong các bài kiểm tra đọc và hiểu.

Trong cuốn sách "The Self-Driven Child", tác giả đã chia sẻ một thí nghiệm: Một nhóm học sinh lớp 6 được yêu cầu đi ngủ sớm hơn bình thường 1 tiếng hoặc muộn hơn 1 tiếng trong 3 đêm. Những học sinh ngủ ít hơn 35 phút so với các bạn cùng trang lứa chỉ đạt trình độ lớp 4 trong các bài kiểm tra nhận thức. Như vậy chỉ trong 3 đêm, những đứa trẻ đã mất đi 2 năm trình độ năng lực nhận thức, điều này thực sự gây sốc.

Một nghiên cứu của Đại học bang Michigan, Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng khi con người không ngủ, các chức năng nhận thức liên quan đến trí nhớ, khả năng phán đoán và ra quyết định sẽ suy giảm.

Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) cho biết trong giấc ngủ sâu khoảng 6-8 giờ, lúc đó bộ não có khả năng lưu trữ thông tin nhiều nhất, tế bào thần kinh sẽ chuyển trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn để con người có thể nhớ lại một khoảng thời gian lâu hơn.

Một người cần ngủ bao nhiêu tùy thuộc vào độ tuổi của học sinh. Học viện Y học về giấc ngủ Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng trẻ em từ 6-12 tuổi nên ngủ thường xuyên 9-12 giờ mỗi 24 giờ. Thanh thiếu niên từ 13-18 tuổi nên ngủ 8-10 giờ mỗi 24 giờ.

Trẻ ngủ nhiều và ngủ ít, sau khi đi học có khoảng cách lớn về sự phát triển của não bộ ở 2 mặt:

①Trẻ ngủ nhiều trí nhớ tốt hơn

Trên thực tế, trí nhớ tốt không thể tách rời với thời gian ngủ của trẻ trong một phạm vi hợp lý. Giả sử bạn để hai đứa trẻ có cùng chỉ số IQ ghi nhớ cùng một phần nội dung. Khi đó, những đứa trẻ học cách ghi nhớ sau khi ngủ sẽ tốt hơn những đứa trẻ thức và tiếp tục học.

②Trẻ ngủ nhiều có tính cách tốt hơn

Các nhà khoa học Anh và Ý đã phát hiện ra rằng tính cách con người có liên quan mật thiết đến cấu trúc não bộ. Hình dạng và kích thước của các khu vực khác nhau trong não có thể ảnh hưởng đến tính cách của một người. Nói một cách đơn giản, trí não của trẻ càng phát triển thì nhân cách của trẻ sẽ càng tốt.

Muốn con có một giấc ngủ ngon, cha mẹ chỉ cần làm như sau:

1. Duy trì môi trường ngủ tốt

Môi trường ngủ rất quan trọng, muốn trẻ nhanh đi vào giấc ngủ thì phải đảm bảo trẻ không bị quấy rầy bởi tiếng ồn xung quanh. Đồng thời, cố gắng giữ cho không khí trong phòng ngủ của trẻ luôn trong lành, độ ẩm và nhiệt độ thích hợp.

2. Nắm vững phương pháp giúp trẻ nhanh đi vào giấc ngủ

Cha mẹ nên nắm vững một số phương pháp giúp trẻ nhanh đi vào giấc ngủ. Chẳng hạn, kể con nghe vài câu chuyện ngắn. Trẻ sẽ sử dụng trí nhớ tiềm thức trong khi lắng nghe, không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Để giúp các bé có thói quen ngủ đủ giấc, phụ huynh cần lưu ý nên khuyên các bé ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng, kể cả vào cuối tuần. Loại bỏ các thiết bị điện tử, chẳng hạn như tivi, máy tính và điện thoại thông minh, khỏi phòng ngủ.

Hiểu Đan

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mot-cap-song-sinh-chi-khac-nhau-mot-thoi-quen-ma-thanh-tich-hoc-tap-chenh-lech-20230606123603282.htm