Một cảnh trong phim làm thay đổi cuộc đời chàng trai 20 tuổi

Arson Fahim (20 tuổi, người Afghanistan), sinh ra đã là một người tị nạn ở Pakistan. Ngôi nhà đầu tiên của cậu là một túp lều đắp bằng bùn.

Khi Fahim lên 3 tuổi, cha mẹ gửi cậu đến một trại trẻ mồ côi, nơi cách trại tị nạn khoảng 150km. Mẹ của Fahim không có việc làm, còn cha cậu vốn là một giáo viên trong trại. Họ không thể lo cho con, vì thế Fahim được gửi tới đây với hy vọng cậu sẽ được học hành tử tế.

5 tuổi, lần đầu tiên Fahim được xem bộ phim Nghệ sĩ Dương Cầm (The Pianist) của đạo diễn Roman Polanski. Trên màn hình xuất hiện hình ảnh một người Do Thái ở Ba Lan đang chơi piano cho một sĩ quan Đức.

“Những hình ảnh đó cứ quanh quẩn trong đầu tôi, ngay cả khi đi ngủ. Tôi luôn tự hỏi: ‘Tại sao một cây đàn piano lại có thể phát ra âm thanh say đắm như thế’; ‘Tại sao âm thanh của nó lại có thể cứu sống một con người’”.

“Trong suốt những năm sau đó, tôi luôn mơ rằng một ngày nào đó mình có thể chạm vào một cây đàn piano thực sự và tạo ra những âm thanh tuyệt vời như vậy”.

Fahim nói: “Trong ngần ấy năm, tôi đã mơ ước một ngày mình có thể chạm tay vào một cây đàn piano thực sự”.

Fahim nói: “Trong ngần ấy năm, tôi đã mơ ước một ngày mình có thể chạm tay vào một cây đàn piano thực sự”.

Năm 2012, khi Fahim 12 tuổi, cha mẹ quyết định đưa cậu và chị gái quay trở về Afghanistan. Họ muốn những đứa trẻ được lớn lên trên chính quê hương mình. Gia đình của Fahim định cư ở thủ đô Kabul, nơi cả cha và mẹ của Fahim đều tìm được việc.

Một ngày cuối năm đó, khi đang ở một trung tâm học tập dành cho trẻ em trong thành phố, Fahim nghe thấy âm thanh ai đó đang chơi một bản nhạc tuyệt vời.

“Và thế là tôi bị cuốn hút vào nó”, Fahim nhớ lại.

Đang giảng bài nhưng nhìn thấy khao khát của Fahim lúc đó, thầy giáo Milad đã đưa cậu tới chiếc dương cầm.

“Tôi nhẹ nhàng chạm tay vào và nhấn từng phím. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được chạm tay vào giấc mơ của mình. Ngay từ lúc đó, tôi biết mình phải học piano. Tôi phải trở thành một nhạc sĩ”, Fahim nói.

Fahim đã được học piano ngay hôm đó.

Fahim đã học nhạc ở Afghanistan

Không lâu sau, Fahim biết được ở Afghanistan có Học viện Âm nhạc Quốc gia. Với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, Học viện này đã mang lại cơ hội giáo dục âm nhạc cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Khi xin học piano và sáng tác, cậu đã được chấp nhận.

Fahim vui mừng khôn xiết nhưng bố mẹ cậu không đồng ý.

“Cha mẹ nói rằng tôi sẽ không thể kiếm được việc nếu học nhạc. Tôi đã mất một khoảng thời gian dài để thuyết phục cha mẹ. Đến giờ, dù cho phép nhưng họ vẫn lo lắng về điều đó”.

2 năm sau khi Fahim gia nhập trường âm nhạc, một kẻ đánh bom liều chết đã nhắm vào một buổi hòa nhạc của sinh viên, làm một khán giả thiệt mạng. Người sáng lập trường - TS Sarmast cũng bị thương nặng. Fahim đã dự định tham gia buổi hòa nhạc để ủng hộ các bạn học của mình, nhưng hôm đó cậu bị ốm.

“Tôi đã may mắn thoát, nhưng tôi không cảm thấy sợ hãi”, Fahim nói và cho biết thêm, bản thân vẫn thường ở lại một mình hàng giờ đồng hồ sau giờ học để luyện tập piano.

Arson Fahim, đội mũ lưỡi trai, khi còn đang học tại trại trẻ mồ côi ở Pakistan

“Tôi biết rằng luôn có những rủi ro, nhưng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc học âm nhạc của mình”.

Fahim không thể mua đàn piano để tự tập ở nhà. Năm ngoái, một nhà ngoại giao đã tặng cho cậu một cây đàn điện. Nhưng Fahim chỉ có thể tập ở nhà một chút vì hay bị cắt điện.

Giờ đây, Fahim thường được mời biểu diễn tại các buổi hòa nhạc và sự kiện giao lưu văn hóa trong khu vực. Cậu cũng chơi những sáng tác của riêng mình để tưởng nhớ những người thiệt mạng trong cuộc xung đột diễn ra ở Afghanistan. Tổ chức Giao hưởng Nam Á đã chọn cậu là đại sứ vì hòa bình.

Fahim hy vọng sẽ được đến Mỹ vào năm 2021. Cậu đã được cấp học bổng để theo học về biểu diễn piano tại Trường Âm nhạc Longy ở Cambridge, Massachusetts. Giờ đây, thi thoảng Fahim vẫn xem The Pianist để tiếp thêm động lực cho mình.

Thời Vũ( lược dịch từ BBC)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/mot-canh-trong-phim-lam-thay-doi-cuoc-doi-cua-chang-trai-20-tuoi-700736.html