Một cam kết, hai đột phá, ba vận động

'Một cam kết, hai đột phá, ba vận động' là những đổi mới của Việt Nam trong hành động để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Đây là những chia sẻ của PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương hướng tới ngày Thế giới phòng chống lao (24-3).

Đổi mới trong công tác phòng, chống lao quốc gia:

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.

Còn hơn 50 nghìn người mắc lao chưa được quản lý

Việt Nam là một trong chín nước đạt mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015. Hệ thống y tế phòng, chống lao và bệnh phổi toàn quốc hoạt động có hiệu quả, tỷ lệ điều trị khỏi cho người mới mắc lần đầu đạt trên 92%, đạt tỷ lệ khỏi bệnh cao cho người mắc lao đa kháng thuốc. Tuy nhiên, công tác phòng, chống lao còn gặp nhiều khó khăn. Theo ước tính, hàng năm Việt Nam có thêm khoảng 174 nghìn người mắc lao và có 13 nghìn người tử vong do lao (bao gồm cả lao/HIV).

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Ủy viên Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương,, hiện nay chúng ta vẫn chưa phát hiện hết người bị lao. Mỗi năm, có 174 nghìn người mới mắc lao, nhưng hiện nay, chương trình chỉ phát hiện hằng năm khoảng 105 nghìn người.

“Dự kiến số người phát hiện trong khu vực tư nhân hoặc cơ sở y tế đa khoa nhưng chưa được đăng ký điều trị hoặc chưa báo cáo là khoảng 20 nghìn người. Như vậy, còn khoảng hơn 50 nghìn người mắc lao tại cộng đồng chưa được quản lý và điều trị. Chính sự không phát hiện kịp thời, còn nhiều nguồn lây trong cộng đồng khiến bệnh lý này tồn tại lâu”, PGS Nhung nói.

Đưa ra một số so sánh gần đây về dịch bệnh Covid-19, PGS, TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, hiện nay số mắc Covid-19 tại Việt Nam thấp, chưa có ca nào tử vong. Trong khi đó, mỗi năm, chúng ta phát hiện hơn 174 nghìn ca mắc mới. Hiện nay, lao đã có thuốc chữa. Nếu phát hiện các trường hợp mắc lao, điều trị cho khỏi thì nguồn lây dần mất đi, lao sẽ bị tiêu diệt vào năm 2030.

Vì thế, để tiến tới chấm dứt lao vào năm 2030, GS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm đi vào mục tiêu chính: thứ nhất làm thế nào phát hiện thật nhiều thật sớm các ca bệnh lao để điều trị cho khỏi, làm cho nguồn lây hết đi. Thứ hai, phải phát hiện sớm hơn nữa những trường hợp nhiễm lao mà chưa phải là bệnh lao, đó là lao tiềm ẩn.

Cần sự cam kết của cả người dân

Chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 là một thách thức lớn với Việt Nam. Để thực hiện được điều này, Chương trình Chống lao quốc gia đã có những đổi mới trong công tác phòng, chống lao với ba nội dung hành động: một cam kết, hai đột phá, ba vận động.

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, về mặt cam kết, ngoài những cam kết chấm dứt bệnh lao từ Chính phủ, các cấp chính quyền, Bộ Y tế, thì cần cả sự cam kết của cộng đồng.

Về hai đột phá, Việt Nam cần phải đột phá về công nghệ và đột phá về tiếp cận để đưa dịch vụ đến với người dân. “Hiện nay, về công nghệ, chúng tôi đã có phương tiện tiện chuẩn đoán mới rất nhạy và kỹ thuật xét nghiệm X-pert đột phá trên toàn cầu. Chúng ta có thuốc mới, phác đồ mới, phác đồ can thiệp ngắn với cả trường hợp lao kháng thuốc. Tiến tới chúng ta có thể sản xuất được vaccine phòng, chống lao”, PGS Nhung nói.

Bên cạnh đó phải đột phá về tiếp cận để dịch vụ đến với mọi người, không chờ mọi người có triệu chứng đến khám mà phải phát hiện chủ động. Vì thế, chúng ta có chiến lược X-quang sàng lọc, và X-pert khẳng định bệnh lao. “Chúng ta có 29 xe X-quang di động đi khắp cả nước để sàng lọc cho người dân nhanh nhất với độ nhạy hơn 90%. Chúng ta có khoảng 200 máy X-pert để giúp phát hiện sớm lao trong cộng đồng”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay.

Về ba vận động, PGS Nhung cho hay, để tiến tới chấm dứt lao, chúng ta cần phải vận động cộng đồng để mọi người hiểu biết và thực hành chuẩn hơn trong phòng, chống lao giống như phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay. Người dân cần phải chuyển động về nhận thức. Do đó, phải vận động bằng nhiều cách thông qua các hội phụ nữ, đoàn thanh niên, chính quyền đoàn thể các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, ngoài 30% kinh phí Chính phủ hỗ trợ, chúng ta cần tiếp tục vận động sự hỗ trợ của quốc tế, để đẩy nhanh mục tiêu chống lao bền vững cả về nguồn lực, cơ chế, tiếp cận và cả hệ thống tổ chức.

“Chúng tôi khẳng định, dù người dân nghèo nhất cũng được chữa lao. Hãy để bác sĩ chẩn đoán lao cho mình. Những người mắc lao không có thẻ BHYT, chúng tôi có quỹ PASTB hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm. Quỹ PASTB đã hỗ trợ cho gần hai nghìn người trong hai năm qua. Trong năm 2020, dự kiến 2.500 - 3.000 người sẽ được hưởng lợi từ quỹ này”, PGS Nhung cho hay.

Do đó, PGS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền để cho người dân hiểu lao cần phải phát hiện và điều trị lao và làm sao tiện lợi nhất cho người dân được tiếp cận quỹ.

"Lao không phải bệnh di truyền, nếu chúng ta phát hiện muộn thì người thân bạn sẽ bị đầu tiên. Chúng tôi đặt ra chỉ tiêu có 20 triệu người phụ nữ trong 20 triệu hộ gia đình biết về bệnh lao để bảo vệ gia đình không bị mắc lao. Chúng tôi cũng cần 10 triệu thanh niên cùng hành động để truyền thông rộng rãi về lao. Đó là cách truyền thông và tiếp cận lao đến cộng đồng rộng rãi”, PGS Nguyễn Viết Nhung nói.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tieu-diem/item/43684202-mot-cam-ket-hai-dot-pha-ba-van-dong.html