Một cách nhìn khác về tập đoàn kinh tế

Trong thời gian qua chúng ta thường nghe nhiều cuộc thảo luận về sự cần thiết của mô hình xây dựng tập đoàn kinh tế mạnh để có đủ lực cạnh tranh, phát triển.

Bản dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020 cũng đã đề cập đến vấn đề này, tham khảo mô hình tập đoàn kinh tế của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và đánh giá các Tổng công ty nhà nước. Ảnh minh họa Có lẽ chúng ta cần nhìn lại để hiểu rõ hơn ý nghĩa thật sự của “tập đoàn kinh tế” là gì, chúng ta có cần nó không, và nếu có thì bản chất của nó nên ra sao để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội bền vững của chúng ta? Con người làm ăn từ thuở nào đều có tham vọng thâu tóm vì ai cũng nghĩ là muốn mạnh thêm thì phải to hơn, để có độ chủ động cao hơn, có nhiều quyền, thế và lực hơn. Đây là một tư tưởng phổ biến, vì tính dễ thuyết phục của nó. Nó cũng thỏa mãn cái “ngông” trong tâm lý con người. Nhưng sự tương quan giữa tầm vóc và sức mạnh có một vế khác: đó là mạnh thì có thể phải lớn, nhưng lớn chưa hẳn đã mạnh. Lớn mà không mạnh thì dễ có nguy cơ đột quỵ. Như vậy, vấn đề ở đây là phải lớn như thế nào để mạnh, chứ không phải chỉ làm sao cho lớn. Trong lịch sử cận đại, mô hình tập đoàn kinh tế hình thành rõ nét nhất là ở Đức sau Thế chiến thứ nhất với tập đoàn Stinnes Enterprises. Sau đó đến các tập đoàn khác ở châu âu và ở Mỹ. Các tập đoàn này ra đời sau chiến tranh vì những doanh nghiệp tương đối còn mạnh sau các thế chiến có cơ hội mua các doanh nghiệp khác với giá rất bèo. Các tập đoàn này thành công rất nhanh nhờ vào làn sóng phát triển thời hậu chiến. Sau Thế chiến thứ hai thì các tập đoàn châu Á bắt đầu thành hình, với những Keiretsu ở Nhật và sau đó là những Chaebol ở Hàn Quốc. Các tập đoàn này ra đời từ nhu cầu của xã hội sau chiến tranh và được sự hỗ trợ của chính phủ. Nhờ có nhu cầu thật, nhờ vào ý chí phải vươn lên từ cái nhục của kẻ bại trận (Nhật Bản) và nghèo khổ sau chiến tranh (Nhật Bản và Hàn Quốc), và quan trọng hơn cả là tính kỷ luật trong văn hóa xã hội của hai nước này, chỉ trong vòng hai thập niên thế giới đã bắt đầu biết đến những cái tên như Mitsubishi, Sumitomo, Mitsui, Samsung, LG, Huyndai… Mô hình tập đoàn kinh tế, chủ yếu là những tổng công ty nhà nước, phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Mặc dù đã qua nhiều nỗ lực để cải tổ hệ thống quản trị và các khung pháp lý cần thiết (từ luật doanh nghiệp năm 2000, rồi 2003, rồi mới đây cuối năm 2009), thời gian đã cho thấy các tập đoàn vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc vận hành có hiệu quả; các tổng công ty nhà nước vẫn còn những hạn chế nhất định; còn nhiều biểu hiện rõ nét là Nhà nước vẫn chưa thật sự quản lý được tương đối hiệu quả đồng vốn đầu tư trong vai trò đại diện chủ sở hữu vốn của dân. Các tổng công ty nhà nước “giữ vai trò chủ đạo và chi phối trong nền kinh tế quốc dân” là một chủ trương lớn của Nhà nước, nhưng vấn đề ở đây là ai có trách nhiệm quản lý đồng vốn đầu tư và có quản được không? Hiện nay vẫn chưa có quy định báo cáo công khai kết quả kinh doanh của các tổng công ty nhà nước. Các tổng công ty này chỉ có trách nhiệm báo cáo lên Chính phủ, nhưng ai đọc, giám sát, có trách nhiệm xử lý khi có vấn đề thì không rõ, vì vậy các sai phạm sẽ khó được phát hiện kịp thời để sửa sai. Nhà nước ở đâu cũng có những giới hạn nhất định và không thể giám sát toàn diện, nếu hệ thống tổ chức không có khả năng tự kiểm soát và có tính minh bạch cao để ngăn ngừa sai phạm, và nếu sai phạm thì sẽ bị xã hội phát hiện sớm để có áp lực sửa sai. Nhà nước có trách nhiệm đặt chủ trương, định hướng phát triển và ngay cả quyết định phương thức triển khai. Nhưng vì đồng vốn là sở hữu của toàn dân, Nhà nước chỉ đại diện dân sử dụng đồng vốn đó, cho nên phải tạo mọi điều kiện cần thiết để người dân có quyền và trách nhiệm giám sát việc sử dụng vốn qua các tập đoàn kinh tế nhà nước. Đây là điều kiện cơ bản nhất trong kinh doanh: chủ sở hữu vốn phải biết được ai đang sử dụng đồng vốn của mình, để làm gì, cho mục đích gì, có hiệu quả không? Trở lại vai trò của nhà nước trong việc xây dựng các tập đoàn kinh tế. Các tập đoàn kinh tế ở Nhật và Hàn Quốc đều huy động vốn (phần lớn) trực tiếp từ dân, do tư nhân điều hành, có trách nhiệm báo cáo rạch ròi với cổ đông và nhà nước. Với tinh thần trách nhiệm cao (đồng tiền liền khúc ruột) và từ đó khả năng quản lý tốt, các tập đoàn kinh tế này đã có những thành tựu vượt bậc trong mấy thập niên qua. Tuy nhiên, vì có mối quan hệ chặt chẽ và mật thiết với nhà nước (nhất trí về chủ trương và đường lối phát triển, nhận ưu đãi về mặt thông tin thị trường và tín dụng từ nhà nước), nên mô hình này đã có những mầm mống rủi ro lớn, chứa đựng tính độc quyền, bè phái, tham nhũng. Từ hai thập niên nay, các tập đoàn kinh tế Nhật đã gặp phải nhiều khó khăn vì kinh doanh quá dàn trải, thiếu tính linh hoạt, tỷ suất lợi nhuận thấp (thường dưới 1% trên doanh thu) cho nên khó tồn tại trong tình huống kinh tế gặp khó khăn. Rủi ro lớn nhất là các tập đoàn kinh tế ở hai nước này tập trung quá nhiều quyền và lợi vào một thiểu số doanh nghiệp cho nên khi gặp khó khăn, bị giải thể (như trường hợp Tập đoàn Daewoo của Hàn Quốc) sẽ có ảnh hưởng lớn đến xã hội - nhiều lao động bị thất nghiệp, nợ xấu quá lớn, hệ thống tài chính bị quá tải khó điều chỉnh kịp thời gây ảnh hưởng dây chuyền. Trong khi đó, Đài Loan có cùng một xuất phát điểm sau Thế chiến thứ hai như Nhật và Hàn Quốc và cũng đã trở thành một con rồng châu Á chỉ sau hai, ba thập niên. Tuy nhiên, chiến lược phát triển của Đài Loan dựa vào: 1) sự chủ động của thành phần kinh tế tư nhân, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ, với rất ít hỗ trợ của chính quyền; 2) giới hạn các ngành nghề lĩnh vực then chốt cần chính quyền tham gia. Trong những năm thập niên 1950, các công ty thuộc chính quyền đóng góp trên 75% GDP. Nhưng vì chính sách hỗ trợ sự phát triển các công ty vừa và nhỏ, đến thập niên 1980 thì thành phần kinh tế tư nhân chiếm hơn 75% GDP. Đến nay thì rõ ràng là Đài Loan đã thành công hơn với một nền kinh tế phát triển tốt, bền vững, công bằng hơn cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Với kinh nghiệm của các nền kinh tế đã đi trước và thực tế hiện tại của kinh tế nước ta thì có lẽ khái niệm tập đoàn kinh tế cần được nhìn dưới một góc độ mở và linh hoạt hơn: 1. Không nhất thiết phải là một định chế có một tầm vóc nhất định, mà cái chính là nó làm được gì, đóng góp gì được cho nền kinh tế; như vậy hãy để thị trường quyết định ai nên lớn và mạnh như thế nào, có lợi ích cho ai. 2. Là một sự kết nối hợp lý, tự nguyện có giá trị hỗ tương giữa các doanh nghiệp khác nhau - quốc doanh lẫn tư doanh - và cũng không nhất thiết phải là “mẹ-con”; nhiều con mà nuôi dạy không tốt, quản lý không tốt cũng thành mối họa, bỏ thì thương, vương thì tội. Sự kết nối này sẽ giúp các công ty thành viên phát huy thế mạnh của mình, sử dụng được thế mạnh của công ty bạn mà không cần nhiều ràng buộc có thể trở thành gánh nặng trong bước đường phát triển. 3. Như vậy nên nhìn tập đoàn kinh tế là một hiện tượng phát triển tự nhiên từ nhu cầu thị trường và khả năng phát triển của mỗi doanh nghiệp mà không cần phải có một cơ chế áp đặt, ưu đãi, ngoại trừ một số điều kiện pháp lý cơ bản để tránh sự độc quyền, thao túng thị trường. Tuy nhiên, bất cứ một mô hình kinh tế nào cũng chỉ có cơ hội phát triển tốt trong một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh. Đây mới chính là trọng tâm của vai trò Nhà nước. Doanh nhân Việt phải có cơ hội tập huấn trên một sân nhà có chuẩn quốc tế thì mới có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế thế giới thành công. Khả năng để kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao “có chất lượng” trên 10% là hoàn toàn trong tầm tay với thế hệ con người Việt Nam đang tràn đầy sinh lực, năng động, khát khao vượt khó, nếu chúng ta cùng nhau nỗ lực xây dựng một môi trường kinh doanh xứng đáng hơn với tiềm năng phát triển lịch sử của đất nước.

Nguồn NDH: http://ndhmoney.vn/web/guest/dau-tu/tong-quan-kinh-te/tin-doanh-nghiep/_/-/journal_content/journal_content_INSTANCE_6Fvc/10136/302273