Một cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới

Có diện tích lớn nhất cả nước, các huyện miền núi còn nhiều khó khăn, thế nhưng Nghệ An là một trong những tỉnh đi đầu về xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt là xây dựng NTM ở cấp thôn. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An về vấn đề này.

 Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, đâu là bí quyết để Nghệ An đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận trong xây dựng NTM?

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Nếu chúng ta chỉ đặt mục tiêu xây dựng NTM ở cấp xã thì sẽ rất khó đạt được mục tiêu đề ra. Chúng tôi thấy xây dựng NTM phải là phong trào rộng khắp mọi nơi và cho mọi người. Từ đó, chúng tôi cho rằng những nơi chưa có điều kiện xây dựng NTM ở cấp xã thì tại sao lại không xây dựng từ cấp thôn. Vì mục tiêu cao nhất trong xây dựng NTM chính là nâng cao đời sống của người dân. Từ suy nghĩ đó, tỉnh đã ban hành các tiêu chí xây dựng NTM ở cấp thôn. Khi tỉnh đưa ra chủ trương này thì các huyện, xã miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) rất ủng hộ. Đến nay, đã có 97 thôn, bản tại tỉnh Nghệ An đạt chuẩn NTM. Đây là điểm rất đáng mừng. Ví dụ, huyện Con Cuông có 13 xã có đông đồng bào DTTS, điều kiện tự nhiên rất khó khăn, chỉ có hai xã đạt chuẩn NTM, nhưng hiện 8/13 xã có thôn, bản đạt chuẩn NTM. Làm như thế thì xây dựng NTM thấm đến từng địa bàn, như vậy, chúng ta không bỏ ai ở lại phía sau. Với những địa bàn khó khăn, tỉnh, huyện đều có chính sách hỗ trợ.

Khó khăn nhất vẫn là tiêu chí về sản xuất, phát triển kinh tế. Chúng tôi chủ trương mỗi thôn, bản phải lựa chọn được những lợi thế để phát triển kinh tế. Một số xã, bản ở Con Cuông phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Nhờ vậy, thu nhập của người dân ở các bản này đã lên mức 30-35 triệu đồng/người/năm. Chúng tôi cho rằng chủ trương xây dựng NTM ở cấp thôn là chủ trương đúng và rất phù hợp đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi. Chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu để làm sao thực hiện hiệu quả nhất.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An hướng dẫn nông dân huyện Thanh Chương kỹ thuật chăm sóc và thu hái chè.Ảnh: DIỆP ANH

PV: Thưa đồng chí, với nhiều lợi thế về phát triển du lịch, thời gian tới Nghệ An sẽ làm gì để khai thác lợi thế này, góp phần xây dựng NTM, nâng cao đời sống cho người dân?

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Du khách đến Nghệ An, dù ít tới các vùng nông thôn, thế nhưng sẽ sử dụng rất nhiều hàng nông sản, đồ lưu niệm. Do vậy, phát triển du lịch, đưa du khách tới Nghệ An là cách gián tiếp hỗ trợ rất nhiều cho vùng nông thôn qua việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Tâm lý du khách hiện cũng muốn tìm đến các vùng nông thôn với những khung cảnh đẹp, mới lạ, đặc sắc về văn hóa-lịch sử. Nếu chúng ta làm tốt việc này sẽ giúp rất nhiều cho phát triển nông thôn.

Cái khó nhất đối với nông thôn là để phát triển du lịch cần đầu tư rất lớn. Vì vậy, chúng ta phải có phương thức phù hợp. Ví dụ, ở huyện Con Cuông, tập quán sinh sống của đồng bào Thái rất hấp dẫn khách du lịch. Do đó, người dân lựa chọn làm nhà sàn, làm du lịch homestay, dệt thổ cẩm, các nghề thủ công... Nếu biết khai thác hợp lý thì đầu tư cũng không quá lớn mà vẫn có thể đem lại lợi ích cho người dân.

Nghệ An cũng có những di tích lịch sử-văn hóa có sức hút cao, như: Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn), hằng năm đón lượng khách hơn 2 triệu người. Đây thực sự là tiềm năng lớn và lâu dài của huyện Nam Đàn. Hiện nay, tỉnh đã tổ chức thi quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên. Sau cuộc thi này, một nhà tư vấn của Pháp, một nhà tư vấn của Việt Nam đã có ý tưởng rất hay. UBND tỉnh đã quyết định để hai nhà tư vấn này thống nhất với nhau, xây dựng phương án quy hoạch khu di tích trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch này, chúng tôi đang kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu từng hạng mục để đầu tư. Điều đó vừa thể hiện tình cảm của xã hội đối với quê hương Bác Hồ, đồng thời tạo ra cảnh quan ngày càng đẹp, tạo sức hút đối với du khách hơn nữa để phát triển du lịch. Du lịch nếu phát huy tốt sẽ giúp chương trình xây dựng NTM đạt hiệu quả cao hơn, giúp cho đời sống của người dân ngày càng tốt hơn.

PV: Bài toán đặt ra đối với các địa phương trong xây dựng NTM là vấn đề bảo vệ cảnh quan, môi trường. Nghệ An đã và sẽ làm gì để giải quyết vấn đề này?

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Năm 2018, tỉnh đã tổ chức cuộc thi NTM đẹp, mỗi huyện chọn ra một mô hình NMT đẹp nhất tham dự cuộc thi cấp tỉnh. Cuộc thi này cũng thể hiện rõ quan điểm, định hướng, ý tưởng của tỉnh về xây dựng NTM, đó là: Phải xây dựng cảnh quan, môi trường sống thật sự thân thiện, có nét đặc trưng, giàu bản sắc văn hóa riêng của địa phương, có giá trị về thẩm mỹ.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí.

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/mot-cach-lam-hay-trong-xay-dung-nong-thon-moi-592821