Một cách làm hay trong giáo dục truyền thống

Hàng nghìn bài viết, bức vẽ; hàng chục vở kịch, tác phẩm truyện tranh... đã được các em học sinh Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố sáng tác về danh nhân văn hóa Chu Văn An khi tham gia cuộc thi 'Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An'. Với cách làm này, Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã giúp các em học sinh có dịp tìm hiểu, cảm nhận về những giá trị đạo lý, giá trị của tinh thần hiếu học mà thầy giáo Chu Văn An để lại.

Hàng nghìn bài viết, bức vẽ; hàng chục vở kịch, tác phẩm truyện tranh... đã được các em học sinh Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố sáng tác về danh nhân văn hóa Chu Văn An khi tham gia cuộc thi “Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An”. Với cách làm này, Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã giúp các em học sinh có dịp tìm hiểu, cảm nhận về những giá trị đạo lý, giá trị của tinh thần hiếu học mà thầy giáo Chu Văn An để lại.

Những ngày này, sân nhà Thái học của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian triển lãm tác phẩm của học sinh Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước khi tham gia cuộc thi “Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An” do Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức. Với đề bài: sáng tác về thầy giáo Chu Văn An bằng sáu hình thức, gồm: Bài viết, kể chuyện, sân khấu, tranh vẽ, truyện tranh và các sáng tác khác, các em học sinh có thể phát huy thế mạnh riêng của mình. Trong tác phẩm của những em có năng khiếu mỹ thuật, hình ảnh thầy giáo Chu Văn An khi thì là một cụ già nghiêm nghị, cũng có lúc lại là một người gần gũi với học trò. Những nét vẽ có thể còn chưa sắc sảo, nhưng có thể thấy sự chú tâm của các em trong sáng tác. Cũng có em tưởng tượng ra trong khuôn viên của ngôi trường hôm nay, các em học sinh quây quần dưới chân bức tượng thầy Chu Văn An...

Nhiều em lại phối hợp giữa hội họa với văn học bằng cách sáng tác những truyện tranh ngắn, trên cơ sở những câu chuyện về nhà giáo Chu Văn An về giáo dục, hay về những phẩm chất của ông, những điều ông dạy học trò. Những bạn học sinh có năng khiếu làm mô hình thì tái tạo những không gian mà thầy Chu Văn An từng gắn bó như quê hương Thanh Trì, Trường Quốc Tử Giám, núi Phượng Hoàng (Hải Dương)… Những vật liệu để tạo không gian đơn giản, dễ kiếm, nhưng được các em sử dụng và sáng tạo để tạo nên các tác phẩm hấp dẫn. Nhiều học sinh còn ứng dụng công nghệ để dựng phim hoạt hình, dựng clip bằng máy tính, smartphone… Điều đó cho thấy, học sinh ngày nay, nhất là các em học sinh trung học cơ sở đã sớm tiếp cận và biết ứng dụng công nghệ vào việc học tập. Có nhóm học sinh đã ghép hạt gạo, hạt đậu... thành bức tranh khổ lớn trong sáng tác tranh về “Người thầy của muôn đời”. Những tác phẩm trưng bày chỉ là một phần nhỏ trong hàng nghìn sáng tạo mà các em học sinh tham gia cuộc thi. Bạn Khánh Linh, Trường THCS Chu Văn An (quận Long Biên) chia sẻ: “Cuộc thi giúp chúng em có thêm kỹ năng làm việc theo nhóm, đồng thời phát huy trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của mình, thể hiện tình cảm của chúng em với nhà giáo tiêu biểu của nước nhà”.

Được phát động từ tháng 6-2020, cuộc thi “Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An” dành cho học sinh Hà Nội và các trường mang tên thầy giáo Chu Văn An trong cả nước, đã thu hút hàng nghìn học sinh đến từ 31 trường. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Kỷ niệm 650 năm Ngày mất thầy giáo, danh nhân Chu Văn An (1370 - 2020), Trung tâm tổ chức cuộc thi sáng tác về thầy giáo Chu Văn An. Khi xem các bài thi, chúng tôi rất vui vì thấy các em học sinh có nhiều sáng tạo, thể hiện sự yêu thích lịch sử, danh nhân. Chúng tôi rất xúc động khi nhận được những bài thi của các em học sinh THCS từ Quảng Bình, nơi vừa bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, gửi ra”.

Để làm được những bài thi chất lượng cao, trước khi có những sáng tạo, các em phải tìm hiểu kỹ về cuộc đời, sự nghiệp thầy giáo, danh nhân văn hóa Chu Văn An. Từ đó, các em hiểu thêm bối cảnh lịch sử khi thầy giáo sinh sống, hiểu thêm khí tiết của người thầy và phương pháp giáo dục của thầy Chu Văn An. Đó là học hành thành đạt để mang “công đức tới dân, ân huệ để lại đời sau”. Nói cách khác, là để cống hiến cho cộng đồng. Hay sự bình đẳng trong giáo dục, không phân biệt sang hèn. Quá trình tìm hiểu này giúp các em có thêm kiến thức, hiểu thêm về truyền thống hiếu học, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Phó Giáo sư Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học lịch sử, thành viên Ban Giám khảo chia sẻ: “Khi tham gia chấm giải, chúng tôi rất ngạc nhiên và thú vị. Nhiều tác phẩm thật sự gây xúc động cho Ban giám khảo. Từ góc nhìn của các em học sinh, người thầy Chu Văn An hiện ra sống động, đó là người thầy tài cao, đức trọng, nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi, yêu thương học trò. Những thành viên trong Ban giám khảo đã gặp khó khăn khi lựa chọn những tác phẩm để trao giải. Qua đó, chúng ta thấy được sự công phu, tâm huyết của các trường, các em học sinh”.

Một cuộc thi chưa phải lớn, nhưng đem lại ý nghĩa sâu sắc. Đó là bài học quan trọng để chúng ta có thể áp dụng trong những dịp kỷ niệm; bài học trong giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống và di sản dành cho học sinh.

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/mot-cach-lam-hay-trong-giao-duc-truyen-thong-625101/