Một cách để 'tái tưởng tượng Việt Nam'

Vietnam Local Artists Group phối hợp Viện Goethe vừa tổ chức triển lãm đầu tiên về tranh minh họa với chủ đề 'Tái tưởng tượng Việt Nam'.

“Mưa” của Triệu Thu Hằng.

“Mưa” của Triệu Thu Hằng.

Với hơn 30 tác phẩm được trưng bày, các tác giả đã mang đến cho người xem mọi khía cạnh văn hóa và những hình ảnh điển hình của Việt Nam xưa và nay. Đây cũng là những tác phẩm xuất sắc trong thử thách chỉ diễn ra vỏn vẹn 4 tuần. Thử thách đã nhận được gần 300 tác phẩm của hơn 230 nghệ sĩ trẻ đang sinh sống trong và ngoài nước. Các nghệ sĩ kết hợp phác thảo giấy và máy tính hoặc sử dụng bảng vẽ điện tử để thực hiện tác phẩm, tạo nên những trải nghiệm trẻ trung, hiện đại. Tuy nhiên, thay vì đơn thuần khắc họa hình ảnh đặc trưng Việt Nam như Hai Bà Trưng hay đội bóng đá U23… các tác giả đã thêm vào một vài yếu tố, thể hiện tinh thần chủ đề “Tái tưởng tượng Việt Nam” .

Như tác giả Chu Kim Phụng vẽ “Đêm nằm mơ thấy Đại Nam” mong gói hết các lớp lang lịch sử vào tranh minh họa. Tranh thể hiện cái “sóng sau xô sóng trước”, một quân đoàn nhí nhố với mục tiêu làm mới, làm vui những giáo điều về lịch sử nghiêm túc.

Tác phẩm “Mưa” của họa sĩ Triệu Thu Hằng được lấy ý tưởng khi tình cờ nhìn thấy một bộ ảnh chụp giao thông Việt Nam mùa mưa, góc máy từ trên cao nhìn xuống khiến mình rất ấn tượng với độ màu mè đa dạng của những bộ áo mưa và sự lung linh từ hàng trăm ánh đèn xe. Giữa không khí tưởng chừng như căng thẳng đó, ánh đèn pha sáng lên, từng chiếc, từng chiếc thắp sáng cả đoạn đường. Khi đó, mỗi chiếc xe là một thiên thể. Và bỗng dưng tắc đường trông không còn mệt mỏi và căng thẳng như mọi khi nữa…

Hay những bức vẽ lần tìm về lịch sử, chạm vào yếu tố tâm linh sâu thẳm của người Việt, thông qua hình ảnh linh thú như rồng trong “Chú rồng em vẽ” của Trương Duy Thuận, “Bạn thuyền chợ nổi” của Trần Đắc Trung, voi chín ngà gà chín cựa trong “Chuyện xưa chưa kể” của Trương Duy Hiếu… Có những bức vẽ lại thiên về văn hóa đại chúng, nhìn cuộc sống hiện đại qua các “Trạm tập thể” của Đặng Thái Tuấn, “Biệt đội Camera” của Võ Công Nhất, “Ve chai” của Trương Lê Võ… Tất cả tạo nên những “phiên bản” mới, đa dạng về Việt Nam.

“Đêm nằm mơ thấy Đại Nam của Chu Kim Phụng.

Theo người sáng lập, Giám đốc điều hành đơn vị tài trợ Tired City Nguyễn Việt Nam cho biết, đó là hành trình để mọi người cùng tư duy làm thế nào đưa ra một hình ảnh Việt Nam không lặp lại những gì mà trước đó ai cũng nghĩ. Khi nhắc tới Việt Nam, nhiều người liên tưởng ngay tới những biểu tượng quốc gia như hoa sen, nón lá, áo dài, phở…, hoặc những truyền thuyết, nhân vật làm nên lịch sử, di sản văn hóa, hay những điều hết sức bình dị, gần gũi như trà đá vỉa hè, hàng rong, những miền quê thân thương… Tái tưởng tượng là làm mới, nhưng không phải đánh mất hồn cốt vốn có. Cũng theo ông Nam, đó là cái nhìn “không một màu” về Việt Nam, là cái nhìn tích cực trong thời kỳ toàn cầu hóa, khi đôi mắt của nghệ sĩ, của người trẻ luôn phải tươi mới, táo bạo, độc đáo.

“Rõ ràng, các bạn trẻ xứng đáng với nhiều hơn nữa những thử thách như thế này, để cùng trân trọng giá trị Việt, để được khơi gợi trí tưởng tượng, sáng tạo. Và rồi, không ai ngoài chính các bạn sẽ tiếp tục khơi gợi, lan truyền sức mạnh của trí tưởng tượng và sự trân trọng những giá trị Việt Nam” - Giám đốc điều hành Tired City nói.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 30/12, tại Viện Goethe Hà Nội.

Hoàng Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mot-cach-de-tai-tuong-tuong-viet-nam-547941.html