Một Brest ở Vực Quành của người Việt đang dần trở thành phế tích

Cách đây hơn 10 năm, ông Nguyễn Xuân Liên đã bán cả căn nhà lớn ở Hà Nội, xa Thủ đô quê hương yêu dấu của mình để vào vùng cát Quảng Bình với ấp ủ xây dựng một 'Bảo tàng chiến tranh' ngoài trời ở Vực Quành.

Nhờ vậy, gần 10 năm qua, khi đến Quảng Bình, rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước thường tìm đến Vực Quành ở xã Nghĩa Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình để tham quan khu du lịch văn hóa - sinh thái - lịch sử "Bảo tàng chiến tranh".

"Bảo tàng chiến tranh" ngoài trời ở Vực Quành được nhiều người xem như tái hiện một pháo đài Brest độc nhất vô nhị của người Việt. Nhiều hãng truyền thông lớn của các nước cũng đã đến Vực Quành để ghi lại, tái hiện lại trí thông minh, sự gan dạ, can trường của người Việt trong cuộc chiến bảo vệ đất nước mình trước bom đạn khốc liệt của kẻ thù...

Điều đáng nói, Vực Quành từ một địa chỉ đỏ về du lịch để hoài niệm, để ghi nhớ chiến trường xưa và đồng đội nay đang dần trở thành phế tích, hoang tàn, đổ nát. Nhiều người đến đây đã ngậm ngùi, rơi nước mắt bởi những hiện vật, giá trị nhân văn nơi đây đang dần bị bụi thời gian phủ mờ theo ngày tháng.

Chiếc cầu phao bắc qua sông để vào "Bảo tàng chiến tranh" ngoài trời ở Vực Quành được mô phỏng như thời chiến.

Chiếc cầu phao bắc qua sông để vào "Bảo tàng chiến tranh" ngoài trời ở Vực Quành được mô phỏng như thời chiến.

Người cựu binh nặng tình đồng đội

Bước vào những năm 60 của thế kỷ trước, hành trang và khát vọng của thế hệ trẻ Việt Nam là độc lập dân tộc, không ít chàng trai cô gái, tuổi mười tám đôi mươi đã tạm biệt giảng đường, mái nhà, góc phố lên đường đánh giặc.

Quảng Bình, nơi được coi là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Mảnh đất chang chang cồn cát nơi có núi rừng Trường Sơn hùng vĩ được xem như điểm khởi đầu để cả nước vào Nam.

Và nơi đây cũng trở thành điểm hẹn của biết bao chàng trai, cô gái đến để thực hiện hoài bão tuổi trẻ "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù". Năm 1961, khi vừa qua tuổi 20, Nguyễn Xuân Liên, một người con Hà Nội cũng như bao chàng trai cô gái miền Bắc xách ba lô vào Quảng Bình để vào Nam chiến đấu.

Gần 10 năm làm cán bộ y tế ở vùng đất lửa Quảng Bình, Nguyễn Xuân Liên đã thấm cái tình, cái nghĩa của bà con nơi đây. Đất nước hòa bình, về lại quê hương nhưng hình ảnh về chiến trường, về sự chân chất tình người trong gian khó, sự can trường của những người lính, sự gan dạ của nhân dân… luôn hiện về trong tâm trí của ông Nguyễn Xuân Liên.

Năm 2004, ông Liên quyết định bán căn nhà mình ở Hà Nội vào lại Quảng Bình để thực hiện trăn trở của bản thân là làm một khu du lịch sinh thái, lịch sử, một bảo tàng ngoài trời ở Quảng Bình phục vụ du khách tham quan, và để các em học sinh có những bài học lịch sử sinh động. Ngày đặt chân quay lại Quảng Bình, hàng tháng trời Nguyễn Xuân Liên không ngủ bởi lo cho việc làm "Bảo tàng ngoài trời".

Những mái nhà, những lớp học, trạm y tế… dưới lòng đất của thập niên 60 thế kỷ trước ở nhiều làng chiến đấu của người Việt được tái hiện.

Với chiếc xe máy làm bạn, hàng tháng trời ông Nguyễn Xuân Liên rong ruổi khắp vùng cát Quảng Bình để tìm địa điểm thực hiện ước mơ nhân văn, cao cả của mình. Sau hàng chục lần đến, ông quyết định chọn Vực Quành, một điểm khốc liệt trong chiến tranh để xây dựng "Bảo tàng ngoài trời".

Khi tìm được xong địa điểm, một núi công việc ngồn ngộn lại thử thách sự kiên trì của ông. Lòng dũng cảm của người lính đã giúp ông Liên vượt qua dần mọi khó khăn ban đầu. Ông đến từng hộ dân ở Vực Quành thương thuyết để mua lại đất, lo thủ tục giấy tờ…

Hàng năm trời, ông hầu như không có được giấc ngủ trọn vẹn bởi trăn trở thực hiện giấc mơ đẹp của mình. Gần 4 năm ông Nguyễn Xuân Liên cần mẫn, cặm cụi với công việc để rồi ông làm nên một ngôi làng đặc thù của Quảng Bình trong những năm 60 được tái hiện.

Sau khi làm xong ngôi làng, ông làm giao thông hào, hầm chữ A, những lớp học trong lòng đất. Ông cất công đi nhiều vùng quê để thu mua lại những vỏ bom, thùng đạn, phuy xăng, những bao tải hai lớp, những "cây nhiệt đới" (thiết bị điện tử thu phát sóng mà quân Mỹ thả xuống các tuyến giao thông và căn cứ của ta để thu thông tin), cối xay, giã gạo, nôi mây…

Tất cả đã được ông sưu tầm, phục dựng như bản sao chi tiết một ngôi làng Quảng Bình những năm chiến tranh chống Mỹ với chằng chịt giao thông hào, hầm chữ A, hầm trú bom, lớp học, trạm y tế dưới lòng đất, ụ súng, đường hành quân của người và xe, cầu phà qua suối. Tất cả những người đến thăm nơi đây đều ngỡ ngàng, thán phục và không ít người rơi lệ vì quá khứ vọng về.

Ngày 26/9/2007, ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư khi đến thăm Vực Quành đã hết sức xúc động, ông viết: "Đến thăm khu di tích tái hiện lại những năm tháng chiến đấu gian khổ, khó khăn của quân và dân ta, tuy mới là bước đầu chưa thể hiện hết được, nhưng nó cũng gợi lại cho các thế hệ hiểu được thế nào là chiến tranh và sự gian khổ của quân và dân ta trong đó có nhân dân Quảng Bình.

Cần sưu tầm và bổ sung tái hiện nhiều hiện vật hơn nữa để bổ sung vào khu di tích này cho phong phú hơn để giáo dục truyền thống cho các thế hệ". Trong cuốn cẩm nang du lịch mang tên Vietnam của tổ chức Lonely plonet, do Nick Ran xuất bản 2009 cũng đã viết về Vực Quành: "Bảo tàng này vừa có phần du lịch lịch sử, phần ký ức chiến tranh, nhằm lưu giữ những kinh nghiệm sống và chiến đấu dưới bom đạn của Quảng Bình.

Tại đây, trên diện tích 3ha ông Liên đã xây dựng một ngôi làng có những mái nhà tranh trải dài dọc theo những con đường hào thô sơ. Mỗi căn nhà tranh tái hiện một khía cạnh của đời sống làng quê như nhà ở, trường học, nhà giữ trẻ, bệnh viện. Nếu họ không làm gì để ghi lại câu chuyện của họ bằng cách nào đó, những kinh nghiệm chiến tranh của mảnh đất này sẽ biến mất vào những cánh rừng bạt ngàn của Trường Sơn huyền thoại"…

Đừng để từ huyền tích thành phế tích

Gần 2 năm nay do thiếu vốn, do tuổi già sức khỏe ngày một yếu hơn nên ông Nguyễn Xuân Liên đã bỏ "Bảo tàng chiến tranh" ở Vực Quành để về lại Hà Nội. Từ ngày người cựu binh già Nguyễn Xuân Liên rời Vực Quành, nơi đây không người trông coi, không người tu sửa, chăm chút nên giờ nơi các kỷ vật đang dần trở thành hoang phế.

Chiếc cầu phao bắc qua sông, hầm hào, nhà cửa, bàn ghế, kho tàng của bảo tàng đều bị hư hại, mối mọt ăn hết. Nhà văn Nguyễn Thế Tường khi đến đây đã ngậm ngùi "Bãi biển có thể biến thành nương dâu.

Ông Nguyễn Xuân Liên buồn bã trong lần "Bảo tàng chiến tranh" ngoài trời ở Vực Quành bị cháy.

Xin lỗi nhé, nếu trái tim con người lạnh giá thì đừng nói là "bãi bể" biến thành hoang mạc. Là cái sự tôi được mời lên "làng chiến tranh" cùng với một lớp học sinh cấp hai phục vụ cho một kịch bản phim tài liệu có đề tài như những điều đã kể. Chiếc cầu khỉ bắc qua sông đã mục nát nhưng may còn chiếc phà và sợi dây "văng" giúp chúng tôi qua vực...

Trời! Làng đây ư? Mười lăm năm trôi qua! Nàng Kiều nếu cùng Kim Trọng trở về vườn Thúy liệu có nao lòng như chúng tôi hôm nay".

Chúng tôi đến "Bảo tàng chiến tranh" ngoài trời ở Vực Quành với nỗi buồn cứ xâm lấn dần theo bước đi, bởi nơi đây đang thực sự trở thành phế tích. Cổng vào Khu di tích cây dại mọc um tùm. Bước vào trong là cảnh hoang tàn, vắng lặng đến rợn người. Trong những căn nhà tranh mô phỏng các lớp học, nhà giữ trẻ, nhà cứu thương... trong chiến tranh cũng như các dụng cụ như nôi trẻ em, bàn ghế học trò, phản gỗ cứu thương đều đã rách nát, hư hỏng.

Được biết, sở dĩ "Bảo tàng chiến tranh" ngoài trời ở Quảng Bình rơi vào hoang phế là do chủ nhân của nó (ông Nguyễn Xuân Liên) không còn kinh phí để duy trì hoạt động, trong khi đó tỉnh Quảng Bình cũng chưa có chính sách giúp đỡ thỏa đáng để "Bảo tàng chiến tranh" này còn có thể hoạt động.

Trao đổi với chúng tôi, hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn đều cho rằng: Khu du lịch sinh thái ở Vực Quành với "Bảo tàng chiến tranh" ngoài trời đang được xem như mô hình làm du lịch về lịch sử độc nhất vô nhị ở miền Trung.

Song cách làm của ông Liên cũng chỉ là tự phát, xuất phát từ tình yêu, từ cảm tính, khi vào hoạt động ông Liên không tính toán đến nguồn thu để lấy du lịch nuôi du lịch, nên khi hết tiền ông đành phải bỏ mặc.

Để "Bảo tàng chiến tranh" này có thể hoạt động trở lại, hoạt động tốt, cần có sự chung tay, góp sức liên kết với các hãng du lịch lớn. Hoặc, tỉnh Quảng Bình cần làm việc với ông Liên, đền bù thỏa đáng cho ông, sau đó thu lại và tỉnh quản lý, xây dựng, hoạt động.

Trước nguy cơ "Bảo tàng chiến tranh" ngoài trời ở Vực Quành có nguy cơ bị xóa sổ, Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái, một nhà khoa học sinh sống, am tường về Quảng Bình cho rằng: Phải làm cho bảo tàng ngoài trời ở Vực Quành hết sức sống động và bền vững. Vực Quành cần được gìn giữ cho nhiều thế hệ người Việt Nam như nhân dân Liên Xô đã từng làm với pháo đài Brest.

Bảo tàng ngoài trời phải hội đủ các yếu tố: nhìn, nghe, trải nghiệm. Cần kiên cố hóa bên trong và mô phòng hiện thực bên ngoài thì mới giữ được bảo tàng ngoài trời. Vực Quành xuống cấp nhanh chóng một phần là do thời tiết khắc nghiệt đã phũ phàng với Vực Quành trước khi con người phũ phàng với nó.

Sông Lam-Lam Hồng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/mot-brest-o-vuc-quanh-cua-nguoi-viet-dang-dan-tro-thanh-phe-tich-512538/