Một bị án bị giam lố 6 tháng 4 ngày

VKSND Tối cao phát hiện một bị án đang chấp hành án tại trại giam về tội trộm cắp tài sản đã bị giam lố hơn sáu tháng do lỗi của tòa sơ thẩm.

Qua công tác quản lý, theo dõi tình hình chấp hành pháp luật và kết quả công tác kiểm sát việc thi hành án phạt tù, VKSND Tối cao phát hiện TAND quận Tân Phú, TP.HCM có sai sót trong việc tổng hợp hình phạt khiến một bị án bị giam lố.

Vụ trộm sau được xét xử trước

Hồ sơ thể hiện bị án Lê Thị Thanh Tâm bị bắt quả tang hành vi trộm cắp tài sản ở quận Tân Phú, TP.HCM và được tại ngoại để điều tra. Tuy nhiên, trong thời gian tại ngoại, Tâm tiếp tục trộm cắp ở quận Bình Tân, TP.HCM nên bị công an quận này bắt tạm giam để điều tra.

Sau khi kết thúc điều tra, VKSND quận Bình Tân chuyển hồ sơ sang TAND cùng cấp để xét xử. Kết quả, Tâm bị tòa quận này xử phạt chín tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng. Với kết quả này, Tâm được trả tự do ngay tại tòa.

Sau khi được trả tự do một ngày, Tâm bị bắt để điều tra về hành vi trộm cắp ở quận Tân Phú (xảy ra trước vụ trộm ở quận Bình Tân - PV). Kết thúc điều tra vụ này, VKSND quận Tân Phú ban hành cáo trạng xác định Tâm có tiền án.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 14-3-2018, kiểm sát viên giữ quyền công tố đề nghị phạt Tâm mức án 9-12 tháng tù và tổng hợp hình phạt với bản án của TAND quận Bình Tân.

Cuối cùng, TAND quận Tân Phú xử phạt Tâm 12 tháng tù và nhận định Tâm phạm tội trong thời gian thử thách nên chuyển chín tháng tù treo thành tù giam. Cuối cùng, tòa này tổng hợp hình phạt của hai bản án, đưa ra hình phạt chung với Tâm là 21 tháng tù. VKSND quận Tân Phú không kháng nghị phúc thẩm bản án sơ thẩm này.

Ngày 17-4-2018, TAND quận Tân Phú ra quyết định thi hành án phạt tù, đưa Tâm đi chấp hành án ở trại giam Xuân Lộc, Bộ Công an.

Bị giam lố sáu tháng bốn ngày

Qua công tác quản lý, theo dõi tình hình chấp hành pháp luật và kết quả công tác kiểm sát việc thi hành án phạt tù, VKSND Tối cao phát hiện TAND quận Tân Phú đã sai khi nhận định Tâm thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian thử thách.

Tuy nhiên, khi kiểm sát việc thi hành án đối với hồ sơ này, VKSND quận Tân Phú không phát hiện vi phạm của TAND quận Tân Phú. VKSND TP.HCM cũng không phát hiện khi kiểm sát bản án của TAND quận Tân Phú để kháng nghị phúc thẩm trong thời hạn luật định, cũng không đề nghị VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.

Theo VKSND Tối cao, đúng ra Tâm thực hiện hai hành vi phạm tội, hành vi phạm tội sau được xét xử trước chứ Tâm không phạm tội trong thời gian thử thách. Từ đó, VKSND Tối cao đề nghị VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm theo thẩm quyền.

Ngày 13-5-2019, VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án của TAND quận Tân Phú, đồng thời ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án, trả tự do cho Tâm vào ngày 15-5-2019.

Ngày 28-10-2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị, hủy phần tổng hợp hình phạt của bản án của TAND quận Tân Phú, buộc Tâm chấp hành đồng thời hai bản án (tức 12 tháng tù giam và chín tháng trù treo).

Ngày 9-7-2020, TAND quận Tân Phú phải ra quyết định hủy quyết định thi hành án đối với Tâm.

Như vậy, tính đến ngày có quyết định được trả tự do là ngày 15-5-2019, bị án Tâm đã bị giam lố sáu tháng bốn ngày do lỗi của tòa án cấp sơ thẩm.

Rút kinh nghiệm toàn ngành kiểm sát TP.HCM

Thông qua sai sót trong vụ án này, VKSND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu toàn ngành kiểm sát TP chú ý bốn nội dung.

Thứ nhất: Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử để phát hiện và xử lý kịp thời bản án có vi phạm, làm căn cứ để ra quyết định thi hành án đúng quy định.

Thứ hai: Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05/2018 và Chỉ thị 06/2019 của viện trưởng VKSND Tối cao, đồng thời thực hiện nghiêm hướng dẫn của VKSND Tối cao về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.

Thứ ba: Chủ động kiểm sát tại các cơ sở giam giữ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm pháp luật, qua đó bảo đảm việc thi hành án phạt tù được thực hiện đúng pháp luật. Phát hiện vi phạm phải kịp thời kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm hoặc báo cáo kháng nghị nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phạm nhân.

Thứ tư: Chú trọng xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa VKS và cơ sở giam giữ đóng trên địa bàn, kịp thời phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc hoặc những vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.

PHƯƠNG LOAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/mot-bi-an-bi-giam-lo-6-thang-4-ngay-946858.html