Một bài học cho các hiệu trưởng trẻ

Các vị khi được bổ nhiệm hiệu trưởng phải nhìn lại xem mình đã đủ tâm và tầm để nhận nhiệm vụ vô cùng khó khăn, thách thức, áp lực không?

Việc ông Đỗ Đình Đảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu được điều chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chắc có lẽ là một quyết định đúng đắn, hợp lý của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm này.

Sau bài viết: “Có nhiều sai phạm, hai hiệu trưởng bị điều về làm chuyên viên Sở Giáo dục” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 08/02/2020, tôi cảm thấy khá tiếc cho ông hiệu trưởng tuổi đời còn rất trẻ là ông Đỗ Đình Đảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu - Quận 3 - Thành phố Hồ Chí Minh.

Dù có tiếc nhưng tôi thấy quyết định trên là quyết định hợp lý vì những diễn biến trong thời gian gần đây, với những kết luận sai phạm của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh như: Tài chính thiếu công khai theo quy định, nhận học sinh chuyển trường đến không đủ thủ tục như quy định, đưa người không có chuyên môn sư phạm đứng lớp dạy học sinh…

Bên cạnh việc có nhiều đơn thưa, việc thiếu công khai minh bạch trong nhà trường, việc kê khai lý lịch không rõ ràng của ông Đảo,… thì việc tiếp tục điều hành một trường lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh như Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, khó yên lòng giáo viên.

Cho nên việc điều chuyển ông Đảo về Sở Giáo dục và Đào tạo được xem như quyết định đúng đắn, hợp lý và đúng thời điểm để ông ta soi lại mình, để có cơ hội nhìn lại và khắc phục những hạn chế, phát huy thế mạnh trong tương lai.

Tiếc cho vị hiệu trưởng trẻ tuổi

Thật lòng đọc thông tin tôi khá buồn và tiếc cho ông Đỗ Đình Đảo, một người hiệu trưởng còn khá trẻ mà đã làm hiệu trưởng gần 5 năm, 3 năm làm phó hiệu trưởng.

Tôi biết ông Đảo từ khi còn học phổ thông, ông được sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo thuộc xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Khi học ở cấp III, tôi có dịp được biết ông Đảo là học sinh giỏi lớp 12A1 Trường Trung học phổ thông Trương Định, thị xã Gò Công.

Là một học sinh giỏi, là một cán bộ lớp năng động, ông đã thể hiện mình là một cán bộ năng động trong tương lai.

Cơ duyên đến với ngành sư phạm tôi tin ông sẽ trở thành một người thầy giỏi, một người có tố chất làm lãnh đạo trường học trong tương lai.

Bẵng đi một thời gian không gặp nhau, sau này tôi mối biết ông đã được làm hiệu trưởng một trường rất lớn của Thành phố Hồ Chí Minh là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu, chúng tôi thầm chúc mừng ông.

Hiện nay, ông cũng gần 40 tuổi, nhưng đã làm hiệu trưởng từ khoảng 35 tuổi, cũng không quá nhỏ nhưng cũng coi là một hiệu trưởng trẻ, có nhiều cơ hội phát triển ở phía trước.

Nhưng với nhiều vụ việc xảy ra, những sai phạm liên tục và hiện nay vẫn còn đang bị tố cáo, khởi kiện,… thì đến lúc này Sở đã quyết định điều ông về làm chuyên viên.

Khi ông làm hiệu trưởng mặc dù cũng mắc nhiều sai phạm nhưng với nhiệt huyết, năng động, ông luôn tìm tòi những cái hay, cái mới để làm cho ngôi trường ngày một đi lên như phong trào đối thoại giữa giáo viên, nhân viên nhà trường, phong trào Thử một ngày làm sinh viên quốc tế Rmit, bác sĩ học đường,… để lại nhiều ấn tượng tốt trong học sinh và giáo viên nhà trường.

Hình ảnh hoạt động của ông Đảo tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu (Ảnh do tác giả cung cấp)

Lời cảnh tỉnh cho các hiệu trưởng trẻ

Việc bổ nhiệm các hiệu trưởng còn khá trẻ để phát huy sự năng động, sự sáng tạo, phát huy thế mạnh của tuổi trẻ là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên khi nhận nhiệm vụ mong các vị được bổ nhiệm làm hiệu trưởng luôn giữ gìn, luôn học tập trau dồi đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ và quan trong nhất là ổn định nhà trường trong đó có lực lượng giáo viên, học sinh và cả phụ huynh.

Hãy để cho mọi người thấy sự yên tâm, tin tưởng với những việc đang làm bằng sự nhiệt tình, chân thật, khách quan.

Các vị khi được bổ nhiệm hiệu trưởng phải nhìn lại xem mình đã đủ tâm và tầm để nhận nhiệm vụ vô cùng khó khăn, thách thức, áp lực không?

Có sai phạm trong quản lý, Hiệu trưởng trường Nguyễn Thị Diệu bị kỷ luật

Nếu cảm thấy chưa đủ mong các vị đừng nhận, nếu sau khi nhận nhiệm vụ mà cảm thấy không phù hợp hoặc sự cố gắng của mình không mang lại hiệu quả mong các vị mạnh dạn, dũng cảm từ chức.

Nghề giáo là một nghề áp lực, nhưng hiệu trưởng còn bị áp lực gấp nhiều lần, hãy làm bằng cái tâm tốt nhất, lấy lợi ích của học sinh của tập thể lên hàng đầu thì mới có thể giữ vững tay chèo trên chiếc thuyền chắc sẽ có nhiều giông bão.

Nếu vì lợi ích cá nhân, tham lam, vụ lợi thì trước sau cũng sẽ bị đào thải.

Quay trở lại vụ việc ông Đỗ Đình Đảo, việc điều ông về làm chuyên viên Sở là một cách làm hay, kịp thời để ông có thời gian soi rọi lại những việc làm của mình, hạn chế khó khăn, khuyết điểm.

Trên cương vị mới, với năng lực cá nhân hy vọng ông sẽ luôn luôn cố gắng phát huy thế mạnh, học hỏi điều hay lẽ phải, vượt qua khó khăn, hy vọng sau này nếu được tiếp tục được làm lãnh đạo trường nào khác thì ông tránh đi vào vết xe đổ như hiện nay.

NHẬT KHOA

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/mot-bai-hoc-cho-cac-hieu-truong-tre-post206998.gd