Mosul - 'Cú đấm tổng lực' của quân đội Iraq

Quân đội Iraq đã chính thức phát động cuộc tổng tấn công nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố Mosul từ tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS).

Chiến dịch giải phóng Mosul được nhận định là “chìa khóa” để đánh bại lực lượng IS và được dự báo là một trận chiến khốc liệt.

Quân đội Iraq.

Phát động chiến dịch

Ngày 17/10/2016, Thủ tướng kiêm Tổng Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Iraq Haider al-Abadi thông báo chính thức bắt đầu các chiến dịch giành lại quyền kiểm soát thành phố Mosul ở miền Bắc từ IS.

Phát biểu trên truyền hình Iraq, ông Haider al-Abadi tuyên bố “thời điểm chiến thắng đã đến và các chiến dịch giải phóng Mosul khỏi bạo lực và khủng bố của IS đã bắt đầu”.

Ông Abani cũng cho biết lực lượng dẫn đầu chiến dịch giải phóng là quân đội Iraq cùng với cảnh sát quốc gia.

Trong khi đó, từ Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố đây là thời điểm quyết định trong chiến dịch giải phóng Mosul nhằm đẩy lùi và tiêu diệt IS.

Ông bày tỏ tin tưởng rằng quân đội Iraq sẽ giành chiến thắng trước “kẻ thù chung” IS và giải phóng thành phố Mosul cũng như phần còn lại ở Iraq.

Lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng cam kết tiếp tục ủng hộ Iraq, nhấn mạnh rằng Mỹ và liên minh quốc tế luôn sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng an ninh Iraq và người dân nước này trong cuộc chiến khó khăn phía trước.

Ngày đầu thắng lợi Trong vòng 2 giờ sau khi phát động chiến dịch, các lực lượng chính phủ Iraq cho biết đã giành quyền kiểm soát khoảng 20 ngôi làng thuộc các khu vực ngoại ô thành phố Mosul trong 24 giờ đầu tiên của chiến dịch tổng tấn công nhằm giải phóng thành phố này khỏi tay nhóm khủng bố IS.

Với sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ đứng đầu, lực lượng chính phủ Iraq đang tiến gần hơn tới Mosul từ phía Nam và Đông Nam.

Với dân số khoảng 1,5 triệu người, Mosul là thành phố lớn nhất của Iraq vẫn nằm dưới sự kiểm soát của IS. Một quan chức thuộc lực lượng quân chính phủ Iraq cho biết, chiến dịch có thể phải kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng.

Nhân vật này cũng không loại trừ khả năng các tay súng IS có thể sử dụng vũ khí hóa học để chống lại quân chính phủ.

Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ đóng 1 vai trò trong chiến dịch giành lại quyền kiểm soát thành phố Mosul của Chính phủ Iraq.

Trong một bài phát biểu tại một hội nghị luật quốc tế được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia chiến dịch trên.

Ông nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ có đường biên giới dài 350 km với Iraq và đang bị đe dọa, vì vậy “không có lý do gì Thổ Nhĩ Kỳ đứng ngoài việc tham gia chiến dịch”.

Thế nhưng, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi khẳng định sẽ không cho phép Ankara tham gia chiến dịch giải phóng Mosul “trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Quan hệ giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng kể từ cuối năm ngoái khi Ankara triển khai binh sĩ đến vùng Bashiqa, Đông Bắc thành phố Mosul - vốn bị IS chiếm giữ từ hồi tháng 6/2014.

Baghdad coi đây là “sự xâm phạm rõ ràng” chủ quyền của Iraq và đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ rút quân. Tuy nhiên, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định việc các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện ở Iraq là một phần của sứ mệnh quốc tế nhằm đào tạo và trang bị cho các lực lượng Iraq chiến đấu chống IS.

Nhiều cam kết hỗ trợ

Ngay trong ngày đầu tiên của chiến dịch giải phóng Mosul, Iraq cũng nhận được cam kết hỗ trợ từ nhiều quốc gia khác. Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố nước này cam kết hỗ trợ chính quyền Iraq trong chiến dịch giải phóng Mosul.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi nêu rõ Iran sẽ hỗ trợ bất kỳ chiến dịch nào do chính quyền Baghdad tiến hành chống lại các phần tử khủng bố để đánh bật chúng ra khỏi đất nước.

Ông tuyên bố: “Chúng tôi sẽ ủng hộ chính quyền và nhân dân Iraq cho đến Iraq hoàn toàn giải phóng và thiết lập ổn định”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh Iran không có ý định can thiệp vào các công việc nội bộ của Iraq.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cũng thông báo, Canberra sẽ cung cấp 7,5 triệu USD cho Iraq để hỗ trợ nhân đạo trong suốt chiến dịch quân sự của liên quân nhằm quét sạch các tay súng IS tại Mosul.

Theo Ngoại trưởng Bishop, Australia đã hỗ trợ cho Iraq tổng cộng 45 triệu USD để đảm bảo an toàn cho người dân Iraq trong các cuộc giao tranh ác liệt. Số tiền viện trợ 7,5 triệu USD mới sẽ bao gồm lương thực khẩn cấp, hỗ trợ y tế, nơi ở tạm thời cũng như hỗ trợ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em gái.

Ngoài ra, ông Bishop nhận định việc chính thức bắt đầu chiến dịch đánh bật IS ra khỏi Mosul nói riêng và Trung Đông nói chung là “bước ngoặt quan trọng” trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố này.

Chính phủ New Zealand cũng có động thái tương tự khi tuyên bố viện trợ 1 triệu NZD (khoảng 718.600 USD) cho những người tị nạn từ thành phố Mosul của Iraq.

Theo Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully, số tiền viện trợ này sẽ được dùng cho những nhu cầu nhân đạo của những người bị ảnh hưởng từ chiến dịch giải phóng thành trì cuối cùng của IS tại Iraq và sẽ được cung cấp thông qua Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM).

Cuộc chiến khó khăn

Mosul là thành phố lớn thứ hai của Iraq, cách thủ đô Baghdad khoảng 400km và có vị trí địa lý chiến lược hết sức quan trọng, kết nối phía Bắc Iraq và phía Đông Syria.

Từ khi bị IS kiểm soát vào tháng 6/2014 đến nay, Mosul trở thành thành trì chủ chốt của lực lượng này tại Iraq. Tại Mosul hiện có khoảng 3.500 đến 5.000 phiến quân IS, gồm cả người Iraq và người nước ngoài.

Dù tổ chức khủng bố này đã đánh mất nhiều khu vực lãnh thổ trong thời gian qua nhưng chúng vẫn giữ chặt quyền kiểm soát thành phố Mosul.

Một quan chức cấp cao Iraq từng khẳng định, muốn làm suy yếu và tiến tới tiêu diệt hoàn toàn IS tại Iraq và Syria, việc đầu tiên quân đội Iraq và liên quân quốc tế cần tiến hành là đánh chiếm Mosul, bởi đây không chỉ là một thành phố lớn mà còn có ý nghĩa về tinh thần rất lớn đối với cả Chính phủ Iraq lẫn lực lượng khủng bố.

Từ tháng 7/2015 đến nay, Mosul là mặt trận được mở ra cuối cùng sau khi lực lượng liên quân tiến hành hàng loạt chiến dịch tái chiếm nhiều thành phố chủ chốt như Fallujah, Ramadi… mà IS từng chiếm đóng trên lãnh thổ Iraq và Syria. Nhiều tháng nay, các lực lượng đồng minh và quân đội Iraq đã siết chặt vòng vây tại Mosul.

Dự kiến, lực lượng tham chiến khoảng 30.000 binh sĩ, nòng cốt là quân đội Iraq và chiến binh người Kurd; Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ thông qua các cuộc không kích.

Trung tâm điều hành giải phóng Nineveh đã được lập với nhiều cố vấn quân sự Mỹ và Anh để điều phối các hoạt động tấn công. Chính phủ Iraq mong muốn kết thúc chiến dịch trong vòng một tuần nhưng cũng đã chuẩn bị tinh thần cho cuộc tổng tấn công có thể sẽ kéo dài nhiều tháng.

Các nhà phân tích cho rằng, chiến dịch tái chiếm Mosul sẽ là một trận quyết chiến. Dự kiến, đây sẽ là cuộc chiến lớn nhất tại Iraq kể từ năm 2003, thời điểm Mỹ tấn công quốc gia Trung Đông này.

Nếu giành lại được Mosul, lực lượng chính phủ Iraq có thể thu hồi một nửa diện tích mà IS đã chiếm giữ ở miền Bắc nước này, từ đó có thể chặn đứng tuyến đường di chuyển của các tay súng và vận tải vũ khí giữa các nước.

Quan trọng hơn, đánh bại IS tại Mosul sẽ là thắng lợi lớn đối với chính quyền của Thủ tướng al-Abadi trong bối cảnh phải đấu tranh để giành lấy sự tín nhiệm của người dân. Kết thúc sự thống trị của IS ở Mosul cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ Iraq lấy lại được một khu vực giàu tiềm năng dầu mỏ.

Tuy nhiên, Điều phối viên Nhân đạo của Liên Hợp quốc (LHQ) tại Iraq Lise Grande cảnh báo cuộc tổng tấn công nhằm giành lại Mosul từ IS có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Báo cáo của LHQ cho biết có tới 1,5 triệu người vẫn đang mắc kẹt tại Mosul và giao tranh có thể khiến 1 triệu người phải đi sơ tán. Do đó, các nhu cầu thiết yếu như lương thực, nước uống, quần áo và nơi trú ẩn sẽ rất lớn.

Điều phối viên LHQ Grande nêu rõ các tổ chức nhân đạo đang khẩn trương hỗ trợ người dân Iraq nhằm đáp ứng các nhu cầu tối thiểu. Tuy nhiên, trong kịch bản xấu nhất, LHQ dự kiến một hoạt động cứu trợ nhân đạo quy mô lớn nhất và phức tạp nhất trên thế giới trong năm 2016.

Cơ quan tị nạn LHQ cho biết đã xây dựng 5 trại tị nạn có thể đảm bảo nơi trú ẩn cho 45.000 người và có kế hoạch xây dựng thêm 6 trại nữa trong vài tuần tới với sức chứa lên tới 120.000 người. Mosul sẽ chứng kiến trận quyết chiến của quân đội Iraq và lực lượng IS.

Tái chiếm được “thành trì cuối cùng” này, quân đội Iraq sẽ đặt dấu chấm hết cho IS tại quốc gia này. Nhưng ngược lại, nếu chiến dịch giải phóng Mosul thất bại, những thành quả trước đó mà quân chính phủ giành được rất dễ trở nên vô nghĩa và IS sẽ có thể lại đánh chiếm Ramadi và nhiều thành phố có ý nghĩa chiến lược khác.

Khi đó, người dân Iraq sẽ là những người gánh chịu nhiều đau khổ nhất và các mối đe dọa khủng bố sẽ tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới.

Với quyết tâm lớn của quân đội Iraq, không chỉ quốc gia này mà cả cộng đồng quốc tế cũng mong chờ một thắng lợi của Baghdad ở Mosul để tạo một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống IS trên toàn cầu

Thiều Quang - Thanh Lâm

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/mosul--cu-dam-tong-luc-cua-quan-doi-iraq-d27497.html