Moscow vẫn để dành thị trường EU cho LNG Mỹ

Công ty năng lượng Nga không giành hết thị phần năng lượng châu Âu cho mình mà để lại phần cho Mỹ.

Sau khi tiến hành hai công trình đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream-2) và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream -2) đổ khí đốt từ Nga vào châu Âu theo hai hướng, Nga đang khẳng định rằng, họ không hề độc quyền cung cấp năng lượng cho châu Âu.

Phó Chủ tịch HDDQT Tổng Công ty Năng lượng Gazprom Alexander Medvedev

Trong một tuyên bố Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Năng lượng Gazprom (Nga) Alexander Medvedev cho biết, Nga không giành mục tiêu cung cấp toàn bộ nhu cầu khí đốt của châu Âu.

Do đó, thị trường châu Âu vẫn còn để đón chào khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG) của Mỹ hay các nguồn cung khác.

"Chúng tôi ở Nga sẵn sàng cung cấp nhiều khí đốt cho châu Âu hơn. Nhưng chúng tôi không nhằm mục đích đạt 100% lượng nhập khẩu bổ sung để đáp ứng nhu cầu này. Đó sẽ vẫn còn chỗ cho LNG của Mỹ, cũng như các loại khí khác từ các nguồn cung khác" - ông Alexander Medvedev nhấn mạnh.

Vị đại diện Gazprom khẳng định rằng, Công ty có ý định đóng góp đáng kể vào sự an toàn của nguồn cung cấp khí tự nhiên của châu Âu chứ không phải sự độc quyền cung cấp mọi nhu cầu.

Tuyên bố của ông Medvedev đưa ra khi Gazprom mới tuần trước công bố đã tăng xuất khẩu khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU) để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các thành viên nội khối.

Thị phần năng lượng Nga tại Liên minh châu Âu đã tăng dần lên những năm qua.

Thị phần của gã khổng lồ Gazprom vào năm ngoái đạt 35% trong Liên minh châu Âu. Ở Đức, khí đốt của Nga chiếm 60% lượng tiêu thụ quốc gia.

Trong năm 2017, châu Âu nhập khẩu 423,4bcm, trong đó 189,3bcm từ Liên bang Nga (45%), 109,2bcm từ Na Uy (25%), 43,3bcm từ Hà Lan (chỉ hơn 10%), 33bcm từ Algeria (gần 8%) , 10,8bcm từ Anh (2,5%) và số lượng nhỏ hơn đến từ Azerbaijan, Libya và Iran.

Trong năm nay, biện pháp hóa giải vòng xoáy cuộc đối đầu thương mại thuế quan giữa Mỹ và châu Âu là EU sẽ tăng cường mua khí đốt hóa lỏng từ Mỹ và giao hạn ngạch cho một số quốc gia.

Sự xuất hiện của LNG Mỹ được cho là ít cạnh tranh hơn ở châu Âu bởi giá đắt và việc vận chuyển tốn kém.

Trong bối cảnh Mỹ tăng cường xuất khẩu năng lượng sang EU, châu Âu vẫn có xu hướng lựa chọn nhà cung cấp truyền thống là Nga nhiều hơn.

Lời tuyên bố của vị Phó Chủ tịch HĐQT Gazprom nói trên đã thể hiện rõ phần nào lợi thế của Nga ở châu Âu. Gazprom hoàn toàn có khả năng đáp ứng đủ hết 100% nhu cầu khí đốt châu Âu trong khi Mỹ thì không có nguồn lực để làm điều tương tự.

Khi Washington tìm cách rao giảng về mối nguy an ninh năng lượng của châu Âu, cảnh báo châu Âu về sự phụ thuộc khí đốt Nga sẽ mang tới những bài học về chính trị, thì Gazprom lập tức đáp ứng phần nào mối lo đó. Tuyên bố về khả năng sẵn sàng cung cấp 100% năng lượng cho EU nhưng không làm điều đó là cách Gazprom phản pháo và ủng hộ quan điểm từ những quốc gia phản đối Nga xây dựng dự án Nord Stream-2.

Đáng nói rằng, thay vì tin tưởng vào những mối nguy an ninh năng lượng thực sự, châu Âu và Nga đang tìm kiếm sự hợp tác tin tưởng và chặt chẽ hơn.

Nga có đủ nguồn nhưng sẽ không cấp 100% nhu cầu năng lượng cho EU.

Gazprom từng không loại trừ việc xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream-3 trong tương lai.

Alexander Medvedev hồi đầu tháng 4/2018 đã tuyên bố, nếu châu Âu yêu cầu một lượng khí đốt cao hơn, Gazprom có thể làm thêm dự án mới.

“Chúng tôi đã chứng minh trữ lượng, chúng tôi có phương tiện đi lại, chúng tôi đang xây dựng các tuyến giao thông mới. Nếu Châu Âu bày tỏ nhu cầu của mình và sẵn sàng ký hợp đồng cần thiết, tôi sẽ không loại trừ các dự án vận chuyển khí mới như Nord Stream-3" - ông Medvedev cho biết.

Khi đó, khó có thể thấy được phản ứng từ phía Mỹ và các quốc gia không còn nhận được khí đốt quá cảnh từ Nga sẽ còn phản ứng mãnh liệt thế nào?

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/moscow-van-de-danh-thi-truong-eu-cho-lng-my-3368791/