Morgan Stanley chấp nhận phí 'bèo' với thương vụ bán 9% cổ phần Vinamilk

Để chào bán cổ phần trị giá 800 triệu USD, Vinamilk trả cho Morgan Stanley khoản phí trị giá 25.000 USD.

Morgan Stanley đã chấp nhận khoản phí 25.000 USD cho giao dịch chào bán cổ phiếu của CTCP Sữa Việt nam (Vinamilk) trị giá hơn 800 triệu USD. Đây là con số khá nhỏ so với khoản phí kỷ lục 120 triệu USD họ vừa nhận được sau khi tư vấn cho thương vụ sáp nhập trị giá 66 tỷ USD giữa Monsanto và Bayer.

Không chỉ Morgan Stanley, có ít nhất một ngân hàng đầu tư toàn cầu khác sẵn sàng chấp nhận mức phí này trong thương vụ với Vinamilk. Đây là ví dụ điển hình cho những khó khăn các ngân hàng đang gặp phải tại khu vực châu Á – nơi có truyền thống chi trả ít cho dịch vụ tư vấn.

Cụ thể, Morgan Stanley sẽ tham gia việc bán 9% cổ phần tại Vinamilk với giá trị thị trường hiện nay đạt 823 triệu USD. Mặc dù chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước của chính phủ nhưng các ngân hàng vẫn luôn theo sát những động thái của thương vụ này.

Những ngân hàng không góp mặt trong thỏa thuận với Vinamilk lần này đều tỏ ra rất ngạc nhiên với khoản phí trả trước thấp Morgan Stanley được nhận tuy nhiên Morgan Stanley từ chối bình luận về điều này.

Theo một nguồn tin của Financial Times, Morgan Stanley gần như không nhận được gì từ phía Vinamilk. Trước đó, ngân hàng của Mỹ hoàn toàn dự kiến được khoản phí thấp này bởi họ nhận thấy nguồn thu tiềm năng từ chi phí môi giới.

Nguồn tin của Financial Times cho biết chính phủ hiện nắm giữ 45% cổ phần tại Vinamilk, do đó vẫn còn nhiều cơ hội sau thương vụ bán 9% lần này.

Theo Dealogic, Morgan Stanley đang đứng đầu châu Á về các thương vụ giao dịch với tổng phí thu được đạt 119 triệu USD, không tính trên thị trường Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong 9 tháng đầu năm, khu vực châu Á – Thái Bình Dương là nơi duy nhất có lệ phí ngân hàng đầu tư tăng trên toàn cầu. Tuy nhiên, con số tăng 13% do Thomson Reuters đưa ra không thể bù đắp việc chi phí tại khu vực này còn quá thấp so với mức lệ phí tại Mỹ và châu Âu.

Với những thách thức đang gặp phải trên thị trường này, một số ngân hàng đầu tư như Barclays, RBS và Deutsche Bank quyết định cắt giảm nguồn lực. Mới đây, Goldman Sachs cho biết họ đã cắt giảm 15% nhân lực tại các chi nhánh châu Á.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho các ngân hàng bởi chính phủ đang chuẩn bị bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước để tăng ngân sách và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh. Hai công ty Sabeco và Habeco hiện đang dẫn đầu làn sóng này và dự kiến lên sàn vào quý I/2017.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/morgan-stanley-chap-nhan-phi-beo-voi-thuong-vu-ban-9-co-phan-vinamilk-20161024024949650p4c146.news