Monsanto cam kết canh tác với phát thải carbon trung tính

Thông tin từ WBCSD cho biết, các doanh nghiệp nông thực phẩm hàng đầu thế giới cùng thảo luận giải pháp ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu tại COP21 nhằm tăng 50% lương thực và giảm 50% khí thải nông nghiệp vào năm 2030.

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất cho nông nghiệp, đồng thời cũng là một trong những áp lực lớn nhất mà loài người đang phải gánh chịu. Theo đó, các công ty nông thực phẩm hàng đầu thế giới gồm PepsiCo, Monsanto, Olam và Kellogg hợp tác nhằm tăng 50% sản lượng thực phẩm toàn cầu đi kèm với nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm tối thiểu 50% khí thải nông nghiệp.

Nông nghiệp đang góp phần làm giảm phát thải nhà kính

Đại diện Tập đoàn Monsanto khẳng định, cây trồng có thể được canh tác để giảm ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, chính vì vậy, đơn vị này cam kết mở rộng quy mô chương trình canh tác với phát thải carbon trung tính trong mọi hoạt động đến năm 2021.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp và nông dân toàn cầu đang nỗ lực hạn chế và thích nghi với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, hôm nay, Tập đoàn Monsanto đã công bố kế hoạch thực hiện chương trình canh tác với phát thải carbon trung tính trong mọi hoạt động đến năm 2021, thông qua chương trình bao gồm các giải pháp giống và bảo vệ thực vật, cũng như hợp tác với nông dân.

Ông Hugh Grant, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Monsanto, cho biết: “Chúng tôi cam kết thực hiện trách nhiệm doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân và cộng đồng. Trong khi chúng ta đã đạt được một số thành tựu trong giảm thiểu phát thải carbon nông nghiệp, chúng ta cần chung tay để đạt được những tiến triển lớn hơn nữa nhằm hiện thực hóa mục tiêu cung cấp nguồn lương thực bền vững cho một thế giới đang ngày càng đông đúc – một thế giới dự kiến với hơn 9,6 tỉ dân vào năm 2050. Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, và chúng tôi hy vọng rằng cơ quan chức năng sẽ ghi nhận vai trò của nông nghiệp, nông dân và khoa học cây trồng trong nỗ lực giảm phát thải carbon.”

Theo đó, Monsanto sẽ hiện thực hóa mục tiêu canh tác với phát thải carbon trung tính bằng cách tối ưu hóa danh mục sản phẩm đa dạng và các giải pháp nông học như lai tạo giống, công nghệ sinh học, dữ liệu khoa học, các hệ thống bảo tồn lớp đất trồng trọt và hệ thống che phủ cây trồng, với mục tiêu giảm thiểu khí thải carbon trong tất cả các ngành nói trên. Hợp tác với các chuyên gia trong việc xây dựng dữ liệu khoa học cho mô hình mở rộng này, Monsanto đã chứng minh được rằng, tận dụng các phương pháp tiên tiến và các sáng kiến công nghệ có thể giúp đất giữ lượng khí thải nhà kính sau khi gieo trồng ngô và đậu tương ít nhất bằng hoặc nhiều hơn lượng khí thải từ cây trồng đó ra ngoài môi trường – một lần nữa khẳng định vai trò đặc biệt của nông nghiệp trong hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Tập đoàn sẽ hợp tác với nông dân nhằm tuyên truyền và tăng khả năng ứng dụng phương pháp trồng trọt có lượng khí thải carbon trung tính nêu trên.

Những nương ngô xanh ngút ngàn ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Bên cạnh đó, Tập đoàn này cũng đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp cung cấp giải pháp bảo vệ thực vật có lượng khí thải carbon trung tính đến năm 2021. Trước đây, Monsanto đã công bố mục tiêu giảm khí thải nhà kính bằng hành động bảo vệ thực vật, cam kết này vẫn đang được tiến hành rất khả quan. Đồng thời, để cân bằng với lượng khí phát thải ra từ các hoạt động khác, Monsanto đang xây dựng một dự án tưởng thưởng cho các khách hàng nông dân tham gia ứng dụng phương pháp bảo vệ thực vật có lượng khí thải carbon trung tính – tương ứng với lượng carbon mà họ góp phần giảm thiểu. Tổng hòa các sáng kiến và hành động đó sẽ góp phần tạo ra sự cân bằng các hoạt động có thải khí carbon khác của Monsanto.

Với sự giúp đỡ của những chuyên gia, Monsanto đã phát triển mô hình canh tác có khí thải carbon trung tính. Thông tin dữ liệu và hiệu quả ứng dụng sẽ được chia sẻ rộng rãi trong ngành, các mô hình mẫu về khí hậu và cộng đồng khác nhằm thúc đẩy áp dụng kỹ thuật cao đồng thời củng cố vai trò của khoa học cây trồng trong việc giảm thiểu phát thải. Đến nay, những mô hình này chủ yếu tập trung tại “vành đai bắp” ở Mỹ, khu vực có những dữ liệu chính xác nhất về năng suất cây trồng, loại đất, kỹ thuật luân canh và kinh nghiệm quản lý tốt nhất. Những mô hình này cho thấy việc trồng ngô và đậu tương, chỉ tính riêng ở Mỹ, có khả năng giảm khí thải trồng trọt tương đương 100 triệu mét tấn khí CO2 - tương ứng với giảm đến 233 triệu thùng xăng mỗi năm.

Nông dân trồng ngô đang góp phần tăng thu nhập và giảm lượng khí thải nhà kính

Điểm cốt lõi để đạt được mục tiêu một cách thực tiễn về Canh tác với Phát thải Carbon trung tính là dựa trên những tiến bộ về ứng dụng dữ liệu trong nông nghiệp. Những phát minh từ của Liên đoàn Khí hậu - một đơn vị trực thuộc Monsanto, và những nhà khoa học về dữ liệu khác đã giúp nông dân đưa ra những quyết định chính xác hơn, từ đó kết hợp với những kỹ thuật nông nghiệp tốt nhất để trồng các giống cây có khí thải carbon trung tính.

“Nông nghiệp và nông dân đóng vai trò quan trọng nhằm triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu một cách khác biệt. Bằng cách áp dụng công nghệ và tập quán canh tác tiên tiến như hạn chế cày xới đất trước khi gieo trồng, nông dân khắp thế giới đã chung tay làm nên những bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu khí thải nhà kính và hạn chế sử dụng tài nguyên. Nhờ đó, cộng đồng nông nghiệp toàn cầu có thể tận dụng nguồn lực để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời vẫn đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng”, ông Hugh Grant chia sẻ.

“Hiện nay, cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người phải chịu tình trạng đói kinh niên và hơn 1 tỉ người trên toàn cầu bị suy dinh dưỡng. Đảm bảo đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu của dân số thế giới với hơn 9 tỉ người đến năm 2050, chúng ta cần phải tăng ít nhất 50% lượng lượng thực hiện có. Những tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho thách thức này càng khó khăn hơn. Điều quan trọng là, cộng đồng nông nghiệp toàn cầu cần đoàn kết và cùng nhau nhân rộng các sáng kiến giúp nâng cao khả năng thích nghi của hệ thống nông nghiệp toàn cầu và hỗ trợ những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu”, ông Peter Bakker, Chủ tịch kiêm CEO WBCSD cho biết.

Theo Tiến sĩ Chuck Rice, Giáo sư danh dự, Đại học Kansas State kiêm tác giả của báo cáo Biến đổi khí hậu (IPCC): “Chương trình này là một bước tiến cần thiết trong nỗ lực hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Báo cáo Ủy ban Liên chính phủ về IPCC gần đây cho thấy nông nghiệp là một hướng tiếp cận quan trọng trong việc giảm khí thải nhà kính. Tương tự như các chương trình đền bù carbon và tái tạo năng lượng khác, các tổ chức đã bắt đầu đầu tư vào các dự án đề bù carbon từ hoạt động nông nghiệp.”

WBCSD (World Business Council for Sustainable Development) - Hội đồng Doanh nghiệp thế giới về phát triển bền vững là một tổ chức giám đốc điều hành lãnh đạo của các công ty trên thế giới. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP20, WBCSD đã giới thiệu Sáng kiến Hợp tác công nghệ giảm hàm lượng carbon (LCTPi) trước đại diện đến từ Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững (SDSN) và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA). Được sự ủng hộ của Tổng thống Pháp, LCTPi là một phần trong Chương trình hành động Lima-Paris. LCTPi được tạo ra với mục tiêu mang đến hàng loạt kế hoạch hành động mạnh mẽ được trình bày tại COP21 hướng đến phát triển trên diện rộng và quá trình triển khai công nghệ giảm hàm lượng cacbon. Hơn 140 doanh nghiệp và 47 đối tác đã tham gia đề xuất này nhằm đạt được các chỉ tiêu giảm lượng khí thải.

Quang Minh

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/monsanto-cam-k%C3%A9t-canh-tac-v%C3%B3i-phat-th%E1%BA%A3i-carbon-trung-tinh-post3948.html