'Mong xã hội cảm thông, chia sẻ với giáo viên dạy trẻ khuyết tật'

Ông Đặng Xuân Hữu, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Trực Ninh (Nam Định) đưa ra lời đề nghị trên khi thông tin với PV Đại đoàn kết Online về sự cố giáo dục xảy ra ở địa phương.

Trường Mầm non B, xã Trực Đại, huyện Trực Ninh (Nam Định), nơi xảy ra sự việc.

Những ngày qua, dư luận ồn ào xung quanh bức ảnh chụp một học sinh của Trường Mầm non B, xã Trực Đại, huyện Trực Ninh (Nam Định) trong tình trạng bị buộc dây vào người và cột vào cửa sổ.

Trưa ngày 30/11, tìm về Trường Mầm non B, xã Trực Đại, nơi xảy ra sự việc, PV Đại đoàn kết Online ghi nhận đây là ngôi trường có cơ sở vật chất khang trang, khuôn viên rộng rãi, sạch đẹp, đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Tại thời điểm PV có mặt, trường đang trong giờ nghỉ trưa. Tại các lớp học, các giáo viên đang tập trung cho các em học sinh ăn trưa, sân trường không một bóng học sinh.

Đang quan sát cảnh quan nhà trường, bất chợt chúng tôi thấy một học sinh nam từ hành lang một lớp học nằm gần cổng trường chạy vù xuống sân trường, băng qua khoảng sân trống, nhảy qua hàng hoa phân cách rồi chạy tung tăng nô đùa một mình trong vườn cỏ, nơi có nhiều dụng cụ vui chơi của trẻ em. Phía sau, một cô giáo vai đeo tạp dề chạy đuổi theo.

Cô giáo luôn phải theo sát P..

Sau khi nô đùa ngoài vườn, em học sinh tiếp tục chạy vào một lớp học. Tại đây, PV quan sát thấy sau giờ ăn tất cả các học sinh trong lớp đều đang nằm nghỉ, ngay ngắn theo hàng lối. Riêng nam học sinh trên không nằm ngủ mà tiếp tục nô đùa một mình, bốc những tờ giấy hình bưu thiếp ném tung tóe khắp phòng.

Thông tin với PV, bà Bùi Thị Thúy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết học sinh trên là em Nguyễn Tài P., lớp 4 tuổi A3 của trường và chính là người trong tấm hình lan truyền trên mạng xã hội và báo chí trong mấy ngày qua.

Bà Bùi Thị Thúy cho biết thêm, em P. vào học tại trường từ năm 3 tuổi. Hoàn cảnh của P. rất đặc biệt, khó khăn: bố đã mất, mẹ bỏ đi, P. sống với bà nội. Bản thân em P. bị vừa bị câm vừa bị điếc, có giấy chứng nhận của Bệnh viện Nhi Trung ương về việc bị rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ.

Theo bà Thúy, đối chiếu với các quy định, em P. phải được học tại trường chuyên biệt dành cho trẻ em khuyết tật, tự kỷ. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Trực Ninh không có trường chuyên biệt.

“Khi đó, bà nội cháu thiết tha mong nhà trường giúp đỡ, tiếp nhận vì hoàn cảnh khó khăn. Đối với chúng tôi tình làng nghĩa xóm rất quan trọng, vả lại nếu không tiếp nhận cháu P sẽ rất thiệt thòi, không được học tập, hòa nhập cùng các bạn nên vẫn tiếp nhận cháu vào học”, bà Bùi Thị Thúy cho biết.

Hiệu trưởng nhà trường cũng cho hay, sau khi tiếp nhận, nhà trường đã phân công giáo viên phụ trách em P..

Bà Bùi Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Mầm non B thông tin với PV.

“Lúc mới vào trường P. rất hiền, không có nhiều biểu hiện khác thường. Tuy nhiên, lên lớp 4 tuổi P. bắt đầu có những biểu hiện tăng động, đặc biệt là vào buổi trưa. Khoảng 1 tháng trở lại đây các biểu hiện tăng động của P. càng rõ, thường xuyên hú, chạy nhảy, phá phách, dẫm vào người các bạn cùng lớp, cắn vào tay các bạn và cô giáo, đập đầu vào tường...”, vị Hiệu trưởng thông tin.

Việc hai giáo viên phụ trách lớp em P. là cô Lưu Thị T. và cô Phạm Thị Thanh H. dùng dây buộc vào người em P. rồi cột vào cửa sổ phòng học, theo bà Bùi Thị Thúy là hoàn toàn có thật.

“Trước việc P. có nhiều biểu hiện tăng động, để đảm bảo an toàn cho em P. và cho các học sinh cùng lớp, hai cô phụ trách đã tách, đưa P. vào phòng riêng. Tuy nhiên, tại phòng riêng P. vẫn chạy nhảy, phá phách. Trong khi chưa biết xử lý thế nào, các cô đã bột phát dùng dây buộc vào áo em P. và cột vào cửa sổ phòng”, bà Bùi Thị Thúy lý giải nguyên nhân.

Nhấn mạnh việc hai cô giáo T. và H. dùng dây buộc vào áo em P. và cột vào cửa sổ phòng chỉ có mục đích bảo vệ chính em P. và các bạn cùng lớp của P.. Tuy nhiên, bà Bùi Thị Thúy vẫn nhìn nhận đây là hành vi phản cảm, sai về phương pháp sư phạm.

Ông Đặng Xuân Hữu, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Trực Ninh thông tin với PV.

Cùng ngày, thông tin với PV, ông Đặng Xuân Hữu, Trưởng Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Trực Ninh cho biết, sau khi xác minh, nắm được sự việc, Phòng đã tạm thời để hai cô giáo nghỉ việc trong ít ngày để làm kiểm điểm.

“Các cô không có ác ý gì nhưng cách làm của hai cô giáo thể hiện nhận thức hạn chế, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm với trẻ khuyết tật nên đã có hành vi không đúng, không chuẩn mực đối với em P., gây phản cảm”, ông Đặng Xuân Hữu nhìn nhận.

Ông Đặng Xuân Hữu cũng cho biết, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện nghiêm túc nhận trách nhiệm của mình đồng thời đã yêu cầu Ban giám hiệu Trường Mầm non B, xã Trực Đại, giáo viên sai phạm kiểm điểm và thực hiện quy trình xử lý kỷ luật theo quy định; yêu cầu nhà trường duy trì các hoạt động bình thường.

Cũng theo ông Đặng Xuân Hữu, Phòng đã chỉ đạo thực hiện rà soát, thống kê tất cả các trường hợp học sinh tương tự như em P. để có giải pháp chung.

Về giải pháp lâu dài, theo ông Đặng Xuân Hữu, Phòng sẽ đề nghị gia đình thực hiện đưa cháu P. đi khám, điều trị bệnh. “Chúng tôi sẽ phát động trong toàn ngành ủng hộ, giúp đỡ gia đình cháu P. trong việc khám, điều trị”, ông cho biết.

“Đây là bài học sâu sắc đối với ngành giáo dục địa phương chúng tôi. Rất mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với giáo viên mầm non, nhất là đối với giáo viên dạy trẻ khuyết tật”, ông Đặng Xuân Hữu chia sẻ.

Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/mong-xa-hoi-cam-thong-chia-se-voi-giao-vien-day-tre-khuyet-tat-tintuc424058