Mong WB tiếp tục hỗ trợ mô hình TIMES trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp

Đây là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo tham vấn 'Kết quả nghiên cứu xây dựng mô hình TIMES cho Việt Nam để triển khai Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp', sáng 1/8.

Hội thảo do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) và Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ trưởng Nguyễn Thị Lâm Giang đã cảm ơn sự hỗ trợ hết sức kịp thời của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện mô hình TIMES phục vụ tính toán, triển khai kế hoạch thực hiện NDCs của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước, các Cục, Vụ, Viện nghiên cứu trong quá trình thu thập số liệu, tham vấn hoàn thiện mô hình TIMES.

Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, xây dựng và thực hiện NDCs trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp là vấn đề còn rất mới và khó trong điều kiện của Việt Nam. Mới về kiến thức, khái niệm và phương pháp luận, Khó về nguồn lực tài chính, con người, lực lượng chuyên gia, các cơ chế chính sách chưa đầy đủ. Do đó, quá trình nghiên cứu nội dung, phương pháp luận và lựa chọn mô hình tính toán đã được Bộ Công Thương tiến hành một cách cẩn trọng.

Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Nguyễn Thị Lâm Giang chia sẻ tại Hội thảo.

Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Nguyễn Thị Lâm Giang chia sẻ tại Hội thảo.

Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, từ tháng 8/2018, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo về dự kiến nội dung, phương pháp luận để tính toán NDCs lĩnh vực năng lượng và công nghiệp và sau gần một năm qua, với nền tảng kiến thức ban đầu và sự lựa chọn mô hình TIMES để phát triển, đến nay, báo cáo kết quả xây dựng mô hình TIMES đã được các chuyên gia hoàn chỉnh.

Theo tính toán các kịch bản NDCs Việt Nam từ phiên bản thứ nhất đã trình Ban Thư ký Công ước khí hậu tại COP21 đến nay là các phiên bản đang được cập nhật, hoàn chỉnh, tổng lượng phát thải khí nhà kính từ quá trình sản xuất, khai thác và sử dụng năng lượng luôn chiếm tỷ lệ lớn khoảng trên 80% đến năm 2030. Điều này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn triển khai thực hiện từ 2021-2030, đặc biệt là từ giai đoạn chuẩn bị hiện nay đến chu kỳ thứ nhất của NDCs đến 2025.

“Do đó, Bộ Công Thương rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ TNMT và các bộ ngành có liên quan, giúp cho quá trình triển khai NDCs lĩnh vực năng lượng và công nghiệp đạt được những kết quả như mong muốn, góp phần thực hiện tốt cam kết của Việt Nam đối với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”, bà Giang nói.

Đức Tân

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/mong-wb-tiep-tuc-ho-tro-mo-hinh-times-trong-linh-vuc-nang-luong-cong-nghiep-5838.html