Mộng vẫn bình thường…

Cậu tôi, ông Nguiễn Ngu Í, một nhà thơ, nhà báo có tiếng khoảng thập niên 60 ở Sài Gòn với những bài phỏng vấn văn nghệ sĩ trên các báo thời đó, nhưng ông còn nổi tiếng hơn với lối chữ viết không giống ai và chứng bệnh điên kinh niên của ông khiến ông phải thường xuyên vào ra các bệnh viện Chợ Quán, Biên Hòa.

Có lần đi dọc biển với ông về quê Hàm Tân, lúc nằm nghỉ dưới mấy bụi dứa gai ở Nước Nhỉ, nơi ngày xưa ông và các bạn đã đào một cái giếng lấy tên là giếng Nguồn Chung cho khách bộ hành qua lại có nước uống mà bây giờ chỉ còn trơ lại mấy viên gạch vụn, ông làm một bài thơ dài, tôi chỉ còn nhớ mấy câu:

Nằm đây mà ngó lên trời

Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa

Nằm đây mà nhớ mơ hồ

Những xanh tóc ấy bây giờ về đâu…

Thơ ông dễ thương vậy mà căn bệnh điên cứ tái phát hoài. Có lần nằm dài hạn ở Dưỡng trí viện Biên Hòa, ông leo rào trốn thoát, bắt đom đóm túm vào khăn tay làm đèn đi lang thang trong rừng cao su giữa giờ giới nghiêm, rồi nằm lăn kềnh ngay giữa xa lộ chờ xe tới cán. Xe thắng kịp, mang ông vào viện!

Thời đó, ông cùng các bạn thơ ở Dưỡng trí viện in một tập thơ lấy tên là “Thơ Điên… thứ thiệt”, do ông chủ biên, trong đó có cả thơ Bùi Giáng và nhiều người khác. Hỏi tại sao “thứ thiệt”, ông nói vì có nhiều người giả điên quá, nhưng chỉ có ông và các bạn ông mới xứng đáng là… thứ thiệt. Nhiều đêm, giữa khuya, ông đập cửa nhà tôi để vào nói chuyện cho tới sáng. Thôi đủ thứ chuyện trên đời. Có lần ông đọc cho nghe một bài thơ dài, tôi còn nhớ vài câu:

Ta đi lang thang

Ta nói tàng tàng

Ta cười nghinh ngang

Ta chửi đàng hoàng…

Tôi phải “dụ” ông tắm rửa, kiếm chút gì đó cho ông ăn, gạt ông uống mấy viên thuốc ngủ rồi ngồi chịu trận cho thuốc ngấm. Yên ổn đâu đó rồi sáng ra mới bàn giao cho mợ tôi. Mỗi lần sắp lên cơn điên, ông đều mất ngủ mấy đêm liền, nên cũng dễ nhận biết, có điều ông trốn ra khỏi nhà lẹ quá, không kịp trở tay.

Ảnh minh họa.

Mất ngủ có thể dẫn người ta đến “điên” không? Các nhà chuyên môn bảo rằng có thể. Mất ngủ nhiều ngày sẽ làm giảm chức năng tâm trí, người uể oải, lờ đờ, tư duy chậm chạp, không nhạy bén, dễ bẳn gắt, có thể dẫn đến những hành vi bất thường. Mất ngủ kéo dài gây rối loạn tâm thần nặng. Trên thực nghiệm, súc vật bị cắt bỏ các nhân gây ngủ ở vùng gian não có thể mất ngủ đến kiệt sức mà chết.

Ngủ do đó rất cần thiết cho sức khỏe. Trong giấc ngủ, hoạt tính phó giao cảm tăng cao nên huyết áp hạ, mạch chậm, giãn mạch da, cơ xương được thư giãn và chuyển hóa cơ bản (métabolisme basal) giảm đến 30%, nhờ đó mà năng lượng được tích lũy, giúp cơ thể phục hồi như ta “sạc pin” vậy. Các nghiên cứu sinh lý học về giấc ngủ cho thấy giấc ngủ không đến chỉ vì cơ thể quá mệt mỏi, mà thực ra ngủ có vai trò tích cực trong chu kỳ thức – ngủ, cần thiết cho sự sống. Ta cũng thấy khi quá mệt, quá căng thẳng, lo lắng ta càng khó ngủ.

Về sinh lý học, có hai loại giấc ngủ: giấc ngủ vì mệt mỏi, ngủ vùi, khó đánh thức gọi là “ngủ sóng chậm” vì trên điện não đồ thể hiện các sóng chậm, còn giấc ngủ bình thường, ngủ sinh lý, gọi là giấc ngủ REM (rapid eyes movements) thì khác, tác động trực tiếp lên chính hệ thần kinh và toàn thân giúp cơ thể phục hồi nhanh, có lợi cho sức khỏe. Mỗi đêm ta ngủ khoảng 7 tiếng thì cứ mỗi 90 phút có một giấc ngủ sinh lý xen kẽ, kéo dài từ 5-30 phút. Khi khỏe khoắn, thảnh thơi thì giấc ngủ sinh lý kéo dài hơn. Khi mệt mỏi, căng thẳng thì ngắn hơn.

Giấc ngủ REM thường có mộng, và khi tỉnh thức vẫn còn nhớ được. Trong giấc ngủ sinh lý này, mặc dù không có ý thức, não vẫn hoạt động, chuyển hóa não tăng đến 20%. Não vẫn “xử lý thông tin” và nhờ đó ta thấy thỉnh thoảng gặp một vấn đề nan giải, bế tắc, sau một giấc ngủ ngon lành, mọi thứ như “sáng” ra, giải quyết nhanh chóng, chính xác. Cho nên người càng làm việc đầu óc càng cần… ngủ là vậy.

Nhiều người cho rằng ngủ mất nhiều thì giờ quá, mỗi ngày mất 6-7 tiếng để ngủ thật là lãng phí nên tranh thủ… thức, thậm chí dùng thuốc kích thích, trà đặc, cà phê đậm, rít thuốc lá liên tục để thức mà làm việc. Chỉ thấy người cứ “mụ” dần đi, không còn nhạy bén, sáng suốt nữa, cho đến một hôm thấy “ta đi lang thang… ta nói tàng tàng” lúc nào không hay!

Càng nhỏ tuổi càng cần phải ngủ. Trong giấc ngủ say, kích thích tố tăng trưởng được hình thành, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển tốt. Phụ huynh mà thương con, trong dịp nghỉ hè chắc sẽ cho con ngủ… hè càng nhiều càng tốt, thay vì bắt nó dậy sớm để đi học… hè! Càng về già, người ta càng ngủ ít đi. Cả đêm lục đục, rậy mọ, tằng hắng, đi qua đi lại để giúp cho cơ thể mau… teo tóp, nhăn nheo, như trái cây chín dần.

Thế nhưng những người trẻ cứ muốn tự mình “giú ép” cho mau chín thì thầy thuốc cũng đành chịu. Cho nên, càng trẻ, càng bận rộn, càng nhớ ru mình: Ngủ đi, mộng vẫn bình thường. À ơi có tiếng thùy dương mấy bờ… (Huy Cận).

BS Đỗ Hồng Ngọc

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/mong-van-binh-thuong-16976.html