Mong một tờ giấy xác nhận, mở ra cơ hội hồi sinh

Những làn sóng của dịch Covid-19 khiến lĩnh vực du lịch đang trong tình trạng 'sống dở chết dở'. Nhiều DN lữ hành cho rằng hộ chiếu vắc xin là cơ hội để cứu vãn ngành này.

Nguyên Thảo và em gái đồng sở hữu một công ty lữ hành có văn phòng tại TP. Hà Nội. Lúc cao điểm, công ty có khoảng 100 cộng tác viên kinh doanh tham gia chào bán các sản phẩm dịch vụ du lịch.

Làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 ập đến, ngành du lịch lập tức chịu tác động, rơi vào tình trạng đóng băng. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử. Thảo phải chuyển sang bán bảo hiểm trong khi em gái kinh doanh thêm mặt hàng chăn, ga, gối, đệm để nuôi doanh nghiệp du lịch. “Chi phí mặt bằng, lương nhân viên rồi các khoản khác, dù không có doanh thu nhưng chúng tôi vẫn phải trả, chờ ngày du lịch mở cửa trở lại”, Thảo nói.

DN “đuối” sức lo giữ chân người lao động

Cũng trong tình cảnh tương tự như công ty của Thảo, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Giám đốc Công ty Golden Smile Travel, nhiều lần phải cảm thán khi nói về thực trạng ngành dịch vụ không khói hiện nay.

 Băng chuyền hành lý tại sân bay vắng khách mùa dịch

Băng chuyền hành lý tại sân bay vắng khách mùa dịch

“Chúng tôi gần như kiệt quệ, mệt mỏi bởi việc làm xong đến đợt dịch lại nghỉ, nghỉ xong lại làm. Không gì có thể kiểm soát một cách triệt để và ai cũng lo sợ câu chuyện gãy gánh giữa đường khi đang triển khai các hoạt động lữ hành”, ông Phương chia sẻ.

Sau khi trải qua các đợt dịch trước, kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi lại vào cao điểm nghỉ lễ dịp 30/4-1/5, công ty của ông Phương đã mời nhân sự về để đẩy mạnh hoạt động. Đáng tiếc, mọi kế hoạch không thành khi đợt dịch thứ tư bùng phát.

Nhân viên đặt niềm tin vào công ty lúc khó khăn nên công ty không thể buông tay người lao động. Do vậy, Golden Smile Travel đưa ra chính sách để giữ chân người lao động, chờ ngày du lịch mở cửa.

Trên thực tế, các đơn vị kinh doanh lữ hành bị kẹt trong thế buộc phải trả lương, giữ chân người lao động khi không có nguồn thu. Với đặc thù chất xám của người lao động lĩnh vực du lịch rất khó đào tạo, tài sản của doanh nghiệp chính là người lao động.

“Các doanh nghiệp dù cố kiểu gì cũng phải dần ‘thải’ người lao động. Đây là quãng thời gian đau xót khi hàng chục nghìn lao động có kinh nghiệm, có chất xám bị đẩy ra đường”, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ phản ánh thực trạng nhân sự du lịch tại một buổi hội nghị với lãnh đạo TP.HCM.

Một tour du lịch nội địa trước thời điểm làn sóng dịch thứ 4

Cũng theo ông Kỳ, số người lao động của doanh nghiệp làm việc hiện chỉ còn 50/1.750 người, còn lại ở nhà. Trong bối cảnh đó, các gói hỗ trợ của Chính phủ lại khó tiếp cận. Bởi bản chất các doanh nghiệp lữ hành không thể mang chất xám nhân sự đi thế chấp được khi không có tài sản đảm bảo. Ngân hàng - bên cho vay cũng là doanh nghiệp nên cần có tài sản thế chấp, trong khi các doanh nghiệp lữ hành không có tài sản thế chấp lâu dài, không đủ tài sản để vay.

Khó tiếp cận vốn qua hệ thống ngân hàng, kể cả với ngân hàng chính sách xã hội, dẫn đến việc doanh nghiệp du lịch đóng cửa gần hết.

“Đa phần các gói hỗ trợ tiếp cận qua tivi là nhanh nhất”, đại diện Vietravel chua xót.

Hộ chiếu vắc xin là cứu cánh?

Giám đốc Golden Smile Travel cho rằng, cơ hội cuối cùng để cứu vãn tình thế cho du lịch là phải có hộ chiếu vắc xin.

Dù hộ chiếu đó dành cho người Việt Nam hay người nước ngoài thì đều cần thiết. Bởi nếu du lịch hoạt động trở lại thì cũng phải dựa vào hộ chiếu vắc xin, giấy chứng nhận cụ thể chứ không thể nói bằng miệng với nhau là tình hình dịch đã được kiểm soát.

Doanh nghiệp lữ hành hy vọng các cơ quan liên quan ban hành một bộ quy chế chuẩn, như thế nào là hộ chiếu vắc xin, để các doanh nghiệp du lịch dựa vào đó áp dụng trong quá trình vận hành và điều hành tour cho khách hàng.

Số liệu vận tải hành khách và hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

“Làm sao chúng tôi đủ tự tin khi không biết khách hàng là ai? Và khách hàng cũng sao biết được nhân viên chúng tôi an toàn hay chưa? Doanh nghiệp du lịch chỉ cần giấy xác nhận nhân viên du lịch đã được tiêm. Chúng tôi hy vọng, hộ chiếu vắc xin được áp dụng thí điểm trong thời gian tới đây, càng sớm càng tốt”, ông Phương chia sẻ.

Hộ chiếu vắc xin thực chất là giấy chứng nhận cho một người đã tiêm đủ số mũi vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý nhà nước, thông thường là 2 mũi. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và triển khai mạnh mẽ chính sách “hộ chiếu vắc xin” để nhanh chóng phục hồi các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế.

Bà Cao Thị Tuyết Lan - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch và Sự kiện Việt - Viettours - thông tin, một số quốc gia đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho khoảng 60-70% dân số ở mũi thứ nhất và một số nước có 50% dân số tiêm đủ liệu trình 2 mũi. Thời điểm hiện nay, vắc xin chính là điều kiện cứu cánh các doanh nghiệp.

“Hộ chiếu vắc xin chứng tỏ quốc gia đó là an toàn khi đa số người dân đã được tiêm và miễn dịch cộng đồng. Đây là tiêu chí quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế”, bà Lan nói.

Còn theo ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam, áp dụng hộ chiếu vắc xin đồng nghĩa việc đưa khai báo vào hệ thống của thế giới, với các thủ tục khai báo quốc tế. Từ đó dễ cho quá trình quản lý, kiểm soát cũng như các vấn đề liên quan đến dữ liệu khác.

Tuy nhiên, các thủ tục làm hộ chiếu vắc xin cần có cơ sở khoa học, khai báo chi tiết. Khi cần áp dụng hộ chiếu vắc xin, các dữ liệu về du khách sẽ được minh bạch.

Việc công khai và chuẩn hóa các cơ quan, tổ chức được chỉ định xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin không chỉ có lợi cho du lịch mà còn có ý nghĩa đối với lĩnh vực y tế của Việt Nam, khẳng định sự công nhận, hòa nhập với thế giới về chuẩn mực y tế toàn cầu.

Quảng Định

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/du-lich/ho-chieu-vac-xin-lien-tuc-dut-gay-nguy-co-pha-san-mong-to-giay-xac-nhan-su-hoi-sinh-753932.html