Mong một 'gợi ý' thành chính sách!

Việc Chính quyền TP HCM chủ động tiếp xúc, gặp gỡ để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của những người làm nghề 'lao công' phần nào cho thấy sự cầu thị của đội ngũ cán bộ nơi đây.

Tại Hội nghị Gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố với cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ với chủ đề “Xây dựng môi trường lao động an toàn, hiệu quả đối với nữ công nhân, lao động vệ sinh” diễn ra ngày 21/10 vừa qua, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nêu lên một gợi ý được cho là làm “mát lòng mát dạ”, nhận được sự đồng tình cao của dư luận nói chung và những người làm nghề “lao công” nói riêng.

Rằng, “nên để nữ công nhân vệ sinh làm việc thu dọn rác đến 40 tuổi thôi, sau đó huấn luyện nghề nghiệp chuyên chăm sóc cây kiểng cho một số nơi có nhu cầu lớn, đặc biệt là nghề giúp việc gia đình”- Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói.

Theo một con số thống kê, hiện nay toàn TP có khoảng 7.000 công nhân vệ sinh công lập (có 25% là nữ), thực hiện thu gom khoảng 40% lượng rác sinh hoạt toàn TP. Và 60% còn lại do hệ thống rác dân lập thu gom, chưa thống kê được số lượng công nhân vệ sinh dân lập.

Nhiều công nhân vệ sinh cho rằng, công việc đang làm có tính chất đặc thù, hay làm đêm, lại thường xuyên làm ở môi trường nguy hiểm, đối mặt với những nguy cơ tai nạn… nên ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý. Vì thế, ngoài việc quan tâm, hỗ trợ về tiền lương thì cũng cần có những chương trình để đời sống tinh thần phụ nữ được nâng cao, yên tâm cống hiến.

Thực tế, bên cạnh sự nguy hiểm, nỗi nhọc nhằn, cơ cực thì nghề rác là nghề mà không nhiều người muốn “chọn”, xã hội còn xem nhẹ. Nhiều người trong nghề vẫn cảm thấy buồn, tủi hổ với việc làm công nhân quét rác. “Chúng tôi rất khổ tâm bởi chọn cái nghề bị xã hội không tôn trọng. Con đi học không dám nói với bạn bè mẹ làm công nhân quét rác. Nhưng thử hỏi, nếu ai cũng chọn nghề mát mẻ sạch sẽ, thơm tho thì nghề này ai sẽ làm? Nghề nào cũng vậy, chúng tôi làm việc để mưu sinh, tìm con chữ cho con, nên mong nhận được sự cảm thông của cộng đồng” – một công nhân vệ sinh nói.

Vâng! Mỗi con người, ai cũng có một thời để học hành và nuôi dưỡng những ước mơ cho tương lai của mình, nhưng có một điều chắc chắn rằng không ai mơ ước sau này mình sẽ trở thành người công nhân “quét rác”. Bởi trong sâu thẳm suy nghĩ của mỗi người, đều cho đó là công việc khó khăn, vất vả, phải chịu nhiều thiệt thòi.

Có một điều xin được chia sẻ với những người “lao công”: Công việc mà các anh/chị đã và đang làm suy cho cùng đó là sự phân công của xã hội. Mà khi đã theo một nghề nó là cái nghiệp. Bất cứ nghề nào lương thiện giúp ích cho đời này cũng đều đáng để tự hào.

Khách quan mà nói, hàng ngày trên địa bàn TP vẫn có hàng trăm công nhân vệ sinh môi trường vượt qua những thị phi đời thường để làm việc và chính công việc thầm lặng của họ đã phần nào giúp cho TP có được bộ mặt sạch sẽ, văn minh, góp phần xây dựng TP ngày một văn minh hiện đại.

Cán bộ suy cho cùng cũng là con người. Con người có hai tai để nghe, một miệng để nói. Tạo hóa sinh cho con người hai cái tai để người đời nghe nhiều hơn nói, để nghe bằng hai tai, biết phân định rạch ròi phải trái. Nghe để biết điều hơn lẽ phải để sửa mình. Nói cách khác, phàm đã là người thì phải biết nghe, chịu nghe... Là cán bộ lại càng phải biết nghe hơn người thường ấy mới phải, mới là thuận với lẽ đời.

Việc Chính quyền TP HCM chủ động tiếp xúc, gặp gỡ để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của những người làm nghề “quét rác” phần nào cho thấy sự cầu thị của đội ngũ cán bộ nơi đây.

Chỉ mong rằng, lời “gợi ý” của Bí thư Thành ủy sẽ thành chính sách cụ thể. Vì đó là một làm mang tính nhân văn và trong tầm khả năng của Chính quyền!

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/mong-mot-goi-y-thanh-chinh-sach-138311.html