Mộng mơ nào thức giữa trang thơ

Cái tên Trần Quang Đạo, nguyên Tổng biên tập Báo Kim Đồng nổi tiếng trong làng báo, làng thơ đã lâu. Biết anh làm thơ, cũng đã xuất bản đôi ba tập, nhưng thú thực chưa bao giờ ngồi với nhau để nói chuyện về thơ ca hay công việc.

Có lẽ đó lại là điều hay, mà nhờ vậy, tôi giữ cho mình sự khách quan khi đến với những sáng tác của anh. Năm 2019, Trần Quang Đạo xuất bản tập thơ "Bay trong mơ" và được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Mừng cho nhà thơ Trần Quang Đạo và cũng là một động lực để tôi đọc lại anh một cách cẩn thận hơn.

"Bay trong mơ" là một tập thơ dày dặn, công phu, ít ra người ta có thể nhận thấy ngay ở số trang và các ấn bản minh họa (do chính tác giả vẽ, trình bày, 168 trang không kể bìa) được chia làm 8 phần: Đường nắng-Ngược sáng-Cất cánh-Cháy-Khúc ru-Khúc vọng-Gọi giữa thinh không-Nhặt. Mỗi phần có thể xem là một mảnh ghép của trạng thái cảm xúc, nhịp điệu tinh thần và cấu trúc tư duy của Trần Quang Đạo. Cũng cần nói ngay là, không phải bài nào, mảnh ghép nào cũng hoàn hảo và hắt lên ánh sáng của thi ca một cách lôi cuốn người đọc. Điều đó là bất khả, với hầu hết các thi tập xưa nay. Thế nên, đọc và kiếm tìm là hành trình nhặt lượm những mảnh ngọc châu vương trên vạt áo thi nhân trong cơn mơ không đoán định. Như hạt bụi quý mà Paustovsky đã gợi lên thuở nào, việc kiếm tìm đó đủ để làm chúng ta hân hoan.

Cảm giác đầu tiên khi tiếp cận "Bay trong mơ" chính là sự thành thực. Cái thành thực của một tấm lòng “trẻ thơ” có lẽ anh đã gắng gượng mà giữ lấy giữa cơn xoáy lốc của cuộc đời. Điều đó thật khó biết bao. Tuổi thơ chính là thiên đường của nhân loại, chúng ta dần lớn lên và đánh mất tuổi thơ, nghĩa là vĩnh viễn rời xa thiên đường của mình. Cuộc đời tựa như vệt diêm sinh, đốt cháy thân ta cho những lần đam mê, theo đuổi. Vẫn biết chẳng thể nào khác được, Trần Quang Đạo rón rén dành những khoảnh khắc sáng ấy cho cha mẹ, căn bếp ấm và cho con trẻ. Rỗng cả phận mình, nhưng đâu phải đã thành vô nghĩa, đâu đó trong lòng chiếc hộp diêm quạnh vắng kia còn giữ tiếng dế vọng từ thơ dại: Một que nối nhang trên bàn thờ cha mẹ/ Một que châm bếp lửa ấm nhà mình/ Một que thắp đèn cho trẻ nhỏ/ Còn lại vỏ bao đựng tiếng dế năm nào (Ba que diêm). Tôi nghĩ rằng, chính tiếng dế thơ dại kia đã giữ Trần Quang Đạo ở lại, hay đúng hơn là đã luôn nhắc nhở con người trong mỗi bước tha hương về một thiên đường đã mất.

Trẻ thơ nhưng không phải là trẻ dại, là non nớt ngây ngơ. Trong ký ức dày lên thành cảm xúc, trong suy tư khắc khoải về sự tồn tại của con người, Trần Quang Đạo giữ lấy ở phần trang trọng nhất những dấu ấn dịu lành, ấm áp của mùi cơm mới, màu vàng rộm của nắng trời thấm vào hạt thóc, hơi ấm ngọn lửa trong bếp nhà reo vui sớm tối, và dáng mẹ cha sàng sảy tảo tần: Ơn trời đất có hột mưa đổ xuống/ hạt lúa non vàng rộm nắng trời/ ôm lượm lúa đầu mùa cha đạp/ mẹ sẩy sàng hạt gạo trắng trên tay/ Quyện trong gió mùi thơm cơm mới/ ngọn lửa cười làm bếp reo vui/ rồi than ủ cho hạt cơm chín tới/ tháng năm trôi tở mở đến chân trời (Cơm mới). Thơ ca vốn là nhịp điệu của cảm xúc, suy tư, là trạng thái trữ tình trong khoảnh khắc-nhưng là khoảnh khắc dồn chứa cái rộng dài, sâu thẳm của đời sống chủ thể. Bởi vậy, mùi cơm thơm hay màu nắng vàng, hơi lửa reo cười trong bếp ấm là sự lắng đọng sau nhiều năm tháng, đã sống và có lẽ đã rời xa mà không sao quên được. Trần Quang Đạo vẫn đi về những miền không gian thơ ấu ấy để nuôi dưỡng lấy phần rưng rưng thơ non trong tâm hồn mình: Giờ mẹ đã già và con đã xa quê/ tiếng gọi ấy vẫn vọng vang nơi đáy ngực (Gọi tên).

Trần Quang Đạo mang một bản diện khác trong những câu thơ trĩu đầy suy tư thế sự. Phần ấy, một ngày khác chúng ta sẽ bàn đến. Ở đây, trong ấn tượng về những mộng mơ kết dệt nên thơ, người ta thấy một Trần Quang Đạo với phẩm tính của một thi sĩ điển hình (theo quan niệm). Ấy là một tâm hồn bay bổng, một nguồn xúc cảm dồi dào và sự nhạy cảm với đời sống. Vẫn là những ký ức thôn làng, vẫn là mảnh trời thơ dại đã từng gắn bó, trái tim thi sĩ bay lên theo ngọn khói lam chiều: Lòng tôi theo ngọn khói bay/ tự do vỗ cánh mà say chân trời (Ru khói). Có lẽ, chính những ký ức thôn làng thời bé dại ấy đã làm nên một không gian thơ rất đáng quý của Trần Quang Đạo. Và thực tình, ký ức đó đã trở thành niềm mơ mộng, trở thành nỗi hoài niệm khôn nguôi. Ký ức thức giữa cơn mơ đằng đẵng, bao bọc và “bảo trì” lại hồn người giữa những xác xơ, chai bạc của tháng năm bươn bả. Trần Quang Đạo tỏ ra tinh và nhạy khi nhận ra điều đó. Cũng bởi, người ta trong kiếp phận thi sĩ, chính là đứa trẻ luôn mộng mơ một thiên đường đã mất: Xin trả thực về cho mơ/ bao nhiêu kỷ niệm mang hơ lửa nồng/…/ Trả gì, ơi hỡi thẳm sâu/ Tóc thương ngày ấy, bạc đầu hôm nay/ Cúi cầu xin ngọn cỏ may/ Trả em tôi lại cái ngày biết yêu (Trả).

"Bay trong mơ" là một tập thơ ẩn chứa nhiều vấn đề, nhiều mạch cảm xúc, suy tư trong cấu trúc nghệ thuật. Đọc tập thơ, người ta hẳn sẽ thêm yêu quý con người này, trong cái cách mà thi sĩ thể hiện. Chỉ là một mảnh nhỏ trong bức tranh tổng thể của "Bay trong mơ", Trần Quang Đạo hiện lên thành thực và thơ non giữa miền mộng mơ bé dại. Mộng mơ ấy sinh hạ những bài thơ, câu thơ, làm tươi non trở lại những úa tàn hay xơ xác của phận người xiêu bạt. Điều đó, trong sứ mệnh của thi ca nghệ thuật, chẳng phải là đáng quý vô cùng hay sao?

Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mong-mo-nao-thuc-giua-trang-tho-612717