Mong manh số phận 'Ông ba mươi'

Việt Nam đếm từng ngày trong nỗ lực bảo vệ hổ trong thiên nhiên hoang dã.

Ảnh: Shutterstock.com

Ảnh: Shutterstock.com

“Mua một con hổ dễ như mua tủ lạnh”, Thạc sĩ Hoàng Trung Thành, giảng viên Khoa Sinh học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cảm thán khi kể về chuyện một quan chức cấp quận đổi 3 con hổ (nhồi bông) trong vòng một tuần, cho đến khi vừa ý với phòng khách của ông ta. Việc mua bán dễ dàng có lẽ một phần nhờ hổ được nuôi nhiều trong các trang trại.

Nhưng trong tự nhiên là một câu chuyện khác. Liên minh Bảo tồn Tự nhiên Quốc tế (IUCN) ước tính chỉ còn 5 cá thể, thậm chí là không còn hổ trong tự nhiên tại Việt Nam. Chỉ trong một thế kỷ, loài hổ đã biến mất khỏi hầu hết các khu vực và chỉ còn diện tích phân bố trên toàn thế giới dưới 6% so với trước đây, với số lượng sụt giảm đến 97%, chỉ còn khoảng 3.200 cá thể hổ trong tự nhiên.

Lần gần nhất ghi nhận sự xuất hiện của loài hổ Đông Dương tại Việt Nam, cũng sinh sống ở Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Tây Nam Trung Quốc, là từ năm 1997 qua các bẫy ảnh. Đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, loài này đang được IUCN xếp loại “Cực kỳ nguy cấp”. Mất sinh cảnh, mất nguồn thức ăn tự nhiên, bị săn bắt ráo riết là những mối đe dọa với chúng. “Tại những khu rừng ở Tam giác Đông Dương, người ta tìm thấy một ngàn chiếc bẫy mỗi ngày”, ông Thành nói, “chỉ cần phát hiện một dấu chân cũng được trả 1 chỉ vàng”. Không giống như sư tử sống theo bầy, hổ sống đơn độc trừ khi hổ mẹ nuôi con nhỏ. Sau khi thai nghén trong 3 tháng, hổ mẹ sẽ sinh 2-3 hổ con. Những chú hổ con mới sinh với đôi mắt dính chặt, yếu ớt đến không thể di chuyển sẽ được hổ mẹ nuôi nấng trong vòng 2 năm cho đến khi chúng trưởng thành và có thể sống độc lập, với trọng lượng gấp 100 lần khi vừa sinh ra.

Loài “mèo lớn” với bộ lông vằn vện họa tiết khác nhau trên từng cá thể, như vân tay ở người, đã được bảo tồn thành công ở Ấn Độ từ những năm 1970, sau này thêm Indonesia. Được tôn kính theo văn hóa của các quốc gia châu Á, điều này giải thích cho việc Ấn Độ thành công trong việc bảo tồn hổ, nhưng cũng gây khó hiểu khi tại những quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Lào và Việt Nam, hổ bị khai thác làm mất đi giá trị thực sự của chúng. Tại những quốc gia này, có hàng ngàn con hổ nuôi nhốt, không phải vì mục đích bảo tồn mà vì các bộ phận giá trị trên cơ thể chúng và mục đích giải trí.

Một thành viên của tổ chức phi chính phủ chuyên cứu hộ động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn còn tiếc nuối khi nhớ về cô hổ họ đã cứu hộ thành công vài năm trước. Sau khi phục hồi sức khỏe, cô hổ được họ chuyển đến một khu vườn quốc gia ở Đồng Nai, nơi mà họ phát hiện một dấu chân hổ khác đến thăm viếng cô hổ trong vài tuần sau đó. Chưa kịp mừng về việc ghép đôi có thể sẽ diễn ra trong tự nhiên, cô hổ bị chuyển ra một vườn thú tư nhân trên đảo, để rồi chết sau đó vài tháng.

Năm 2010, tại Hội nghị Bảo tồn hổ Quốc tế St. Petersburg, cùng với 12 quốc gia có vùng sinh cảnh của hổ, Việt Nam cam kết sẽ tăng gấp đôi số lượng hổ ngoài tự nhiên vào năm 2022. “Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực nhằm bảo tồn loài này nhưng nguồn lực hạn chế, việc đầu tư chưa đủ khiến việc bảo tồn trên thực địa còn chưa thực chất”, các chuyên gia hội họp trong Ngày Quốc tế Bảo tồn hổ 29.7.2019 vừa qua cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng của loài này trong tự nhiên tại Việt Nam.

Việc thực thi pháp luật chưa đủ chặt chẽ để xóa bỏ nạn buôn bán động vật hoang dã, bao gồm hổ, trong lúc sinh cảnh sống của các loài bị tàn phá gây khó khăn cho công tác bảo tồn cũng như triển vọng tái thả hổ vào tự nhiên. “Mặc dù chưa có số liệu thống kê số lượng hổ trong tự nhiên đến giai đoạn hiện tại, các số liệu đã phần nào cho thấy thách thức khó vượt qua đối với Việt Nam trong việc thực hiện cam kết toàn cầu này”, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature, nhận định.

Một khảo sát của Traffic tiến hành năm 2017 tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cho thấy cứ 100 người khảo sát thì có 6 người đã từng mua hoặc sử dụng các sản phẩm từ hổ, trong đó 83% mua cao hổ cốt. Trên các trang mạng xã hội và các trang thương mại điện tử, có đến 187 quảng cáo trực tuyến buôn bán hàng ngàn sản phẩm từ hổ. “Có bệnh thì vái tứ phương”, tâm lý này đôi khi khiến những người có nhận thức đầy đủ cũng sử dụng các sản phẩm bị cấm như những phương thuốc cuối cùng.

Việc ký kết hiệp định thương mại mới nhất với EU, EVFTA tiếp thêm sức mạnh cho công tác bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam. Theo ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, EVFTA bao gồm Chương về Thương mại và Phát triển Bền vững, trong đó bao gồm những cam kết về môi trường, mà quản lý bền vững nguồn tài nguyên biển và rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được bao hàm trong đó.

Trong Ngày của Hổ 29.7, Dự án Hợp tác chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã đã được khởi động, được tài trợ bởi Liên minh châu Âu. Vận hành bởi Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) cùng PanNature, dự án nhằm hỗ trợ và thúc đẩy nỗ lực của chính phủ tại 6 nước Đông Nam Á cùng Trung Quốc. Hy vọng sẽ không quá trễ để hổ trở thành loài tê giác thứ 2, biến mất trong thiên nhiên hoang dã tại Việt Nam.

Theo Hằng Nguyễn (Nhịp cầu đầu tư)

Nguồn Kiểm Sát: https://kiemsat.vn/mong-manh-so-phan-ong-ba-muoi-54128.html