Mong manh lợi nhuận doanh nghiệp ngành nhựa

Một loạt doanh nghiệp (DN) ngành nhựa tổ chức đại hội cổ đông thường niên trong tháng 4/2023 và điểm gây chú ý là mục tiêu lợi nhuận được ví như 'cài số lùi'. Nhất là khi ngành này vẫn còn nhiều khó khăn về đầu ra, cạnh tranh để giành thị phần ngày càng gay gắt, chưa kể lợi nhuận có sự phân hóa cao với lợi thế thuộc về những DN có dòng tiền mạnh của khối ngoại và chiếm thị phần lớn…

Trong tài liệu chuẩn bị cho đại hội cổ đông thường niên dự kiến diễn ra vào ngày 28/4, CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP) đưa ra kế hoạch kinh doanh 2023 với mục tiêu doanh thu đạt 5.875 tỷ đồng (tăng 3% so với năm 2022), nhưng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế lại giảm 5%, với 535 tỷ đồng.

Mục tiêu lợi nhuận “cài số lùi”

Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT NTP cho biết, mục tiêu nêu trên căn cứ tình hình thực tế của thị trường, xu hướng phát triển, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của công ty.

Các DN ngành nhựa vẫn cònphụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, từ 60-80%.

Theo ông Dũng, thời gian tới, công ty sẽ kiên định với chiến lược kinh doanh phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh, vận dụng linh hoạt chính sách để giành thị phần, doanh số và thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng, đối tác. Tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua việc cải tiến, tối ưu sản phẩm.

Trong khi đó, nhân việc CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) vừa công bố tài liệu phục vụ đại hội cổ đông thường niên dự kiến vào gần cuối tháng 4, cuối tuần qua, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán BVSC dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 của BMP sẽ giảm 4,9% so với năm trước, xuống 660,3 tỷ đồng (khá sát với mục tiêu của công ty này là 651,0 tỷ đồng, giảm 6,5%), doanh thu thuần dự báo đạt 5.683 tỷ đồng (giảm 2,1%).

Theo BVSC, BMP vẫn duy trì vị thế hưởng lợi từ sự hợp nhất đang diễn ra của ngành, nơi mà các “ông lớn” với lợi thế tài chính và vận hành đang chiếm ưu thế so với các DN nhỏ, và giành được thêm nhiều thị phần hơn.

Bên cạnh đó, qua cập nhật thông tin mới nhất trên Bloomberg, giá hạt nhựa PVC duy trì ổn định trong 6 tháng qua (từ tháng 9/2022), giao dịch trong biên độ hẹp từ 800-900 USD/tấn (tương đương mức trước dịch Covid-19). Điều thuận lợi là mức giá này thấp hơn lần lượt 42,5% và 31,5% so với giá trung bình trong quý I/2022 và năm 2022, báo hiệu triển vọng mở rộng biên lợi nhuận của BMP, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2023, khi giá nguyên liệu đầu vào đang giảm nhanh hơn giá bán.

Còn theo ông Chaowalit Treejak, Chủ tịch HĐQT BMP, công ty kiên định với định hướng ưu tiên phát triển thị phần và vận dụng linh hoạt các chính sách để phát triển thị phần.

Ông Treejak cho rằng trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu đang rất chú trọng đến các đòi hỏi về những khái niệm và mô hình mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thì công ty phải thực hiện những bước chuyển đổi để giữ vị thế DN dẫn đầu.

Lo lợi thế thuộc về “ông lớn” có dòng tiền mạnh

Riêng với CTCP Tập đoàn nhựa Đông Á (DAG), tại đại hội cổ đông thường niên 2023 diễn ra vào thượng tuần tháng 4 đã thông qua chỉ tiêu lợi nhuận năm nay chỉ đạt 22 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu doanh thu hợp nhất là 2.248 tỷ đồng.

DAG nhận định hoạt động của các DN ngành nhựa năm nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt mục tiêu đặt ra thì trong sản xuất kinh doanh, công ty cần khai thác hiệu quả các nhà máy sau quá trình đầu tư nhằm gia tăng năng lực sản xuất, củng cố lợi thế cạnh tranh về chi phí.

Không chỉ vậy, DAG sẽ tăng cường dự báo thị trường để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu, triển khai sản xuất, bán hàng, và vận chuyển hàng hóa.

Xét về những thách thức ảnh hưởng đến lợi nhuận của các DN ngành nhựa trong thời gian qua, có thể thấy có những thời điểm biến động về tỷ giá USD/VND dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào tăng. Chưa kể chi phí vận chuyển, lưu kho bãi cũng tăng. Trong khi đó, DN khó tiếp cận và huy động nguồn vốn, lãi suất tăng kéo theo chi phí vay tăng, làm cho biên lợi nhuận của các DN giảm.

Giới chuyên gia cho rằng lợi nhuận của các DN ngành nhựa trong năm nay sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh. Theo đó, lợi thế sẽ thuộc về những DN có dòng tiền mạnh từ khối ngoại và chiếm thị phần lớn.

Điều này có thể thấy rõ như BMP hồi năm ngoái đã lãi kỷ lục với gần 700 tỷ đồng sau 5 năm thuộc về Nawaplastic Industries Co., Ltd (thành viên của Tập đoàn SCG Thái Lan). Hiện, Nawaplastic Industries vẫn nắm quyền chi phối Nhựa Bình Minh, hồi tháng 2/2023 đã nâng sở hữu từ 54,47% lên 54,99% vốn điều lệ.

Tuy vậy, trong năm nay, giới phân tích vẫn tỏ ra thận trọng về lợi nhuận của BMP. Thậm chí cách đây 2 tháng, bộ phận phân tích của một công ty chứng khoán còn dự phóng lợi nhuận của công ty này có thể chỉ đạt 528,4 tỷ đồng, tức là giảm đến 24,2% so với năm trước.

Đáng chú ý, dù giá PVC điều chỉnh mạnh, BMP vẫn duy trì giá bán ở mức cố định khi giá bán thường do các DN lớn trong nước quyết định (như BMP và NTP, khác với thép khi giá bán chịu ảnh hưởng bởi cung cầu quốc tế).

Thế nhưng, giới phân tích lưu ý việc giữ nguyên giá bán ở mức cao tác động tích cực đến biên lợi nhuận của DN, tuy nhiên đồng thời cũng sẽ làm giảm sức cạnh tranh so với các DN cùng ngành nhựa có giá bán tốt và chiết khấu tốt hơn.

Nhìn chung, khi lợi nhuận của các DN ngành nhựa trở nên mỏng manh (nhất là các DN nhỏ), điều cần làm trong lúc này là tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (phải nhập từ 60-80%) để không phải bị động, chịu tác động tiêu cực trong những thời điểm biến động về tỷ giá.

Song song đó, các DN Việt cần tối ưu hóa chi phí, điều chỉnh chính sách kinh doanh nhằm tạo lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Đặc biệt là cần linh hoạt để thực hiện kế hoạch sản lượng của năm và tăng thị phần trong dài hạn.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/mong-manh-loi-nhuan-doanh-nghiep-nganh-nhua-1092015.html