Mong manh hy vọng cứu vãn 'lá chắn hạt nhân' INF

Cho dù các bên liên quan đều đang có những nỗ lực để tiếp tục duy trì Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), song hy vọng cứu vãn hiệp ước được xem là tấm 'lá chắn hạt nhân' trong suốt hơn 30 năm qua ngày càng trở nên mong manh.

Phái đoàn Nga (phải) do Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nikolai Patrushev dẫn đầu cùng phái đoàn Mỹ (trái) do Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton dẫn đầu đàm phán về vấn đề thay thế INF

Phái đoàn Nga (phải) do Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nikolai Patrushev dẫn đầu cùng phái đoàn Mỹ (trái) do Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton dẫn đầu đàm phán về vấn đề thay thế INF

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 13-2 cho biết, ông sẽ có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về Hiệp ước INF trong tuần này bên lề Hội nghị An ninh Munich khi hai ông cùng tham dự hội nghị diễn ra tại Đức từ ngày 15-2 này. Đây được xem như một phần trong nỗ lực của các bên liên quan nhằm cứu vãn Hiệp ước INF được cho đang trên đà sụp đổ do mâu thuẫn giữa Mỹ và Nga.

Bất đồng giữa Mỹ và Nga bắt đầu bùng nổ ngày 21-10-2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ lên tiếng cáo buộc Nga vi phạm INF ký kết giữa hai nước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729” và bóng gió về khả năng Mỹ rút khỏi hiệp ước này. Tiếp đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 4-12 lại tuyên bố, Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước ước này nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày.

Để cứu vãn Hiệp ước INF, Nga và Mỹ thời gian qua đã tiến hành nhiều vòng đàm phán song đều không tìm được tiếng nói chung. Thậm chí, Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán một hiệp ước mới về kiểm soát vũ khí để thay thế cho INF nhưng vẫn chưa khiến phía Mỹ thay đổi lập trường về việc rút khỏi tấm “lá chắn hạt nhân” giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân cũng như chạy đua vũ khí hủy diệt hàng loạt giữa hai cường quốc quân sự hùng mạnh nhất thế giới là Mỹ và Nga.

Hiệp ước INF được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng thống Liên Xô trước đây (Nga kế thừa hiện nay) Mikhail Gorbachev ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500 km).

Trong suốt hơn 30 năm qua, cùng với các hiệp ước kiểm soát vũ khí khác như Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START), INF đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, giúp kiểm soát chạy đua vũ trang. Nay tấm “lá chắn hạt nhân” này sẽ mất hiệu lực khi Mỹ rút khỏi hiệp ước và nguy cơ này càng hiện hữu hơn khi Mỹ tuyên bố ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ INF với Nga từ ngày 2-2 vừa qua và Nga ngay lập tức đáp trả bằng quyết định tương tự cùng ngày.

Lý do chính mà chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố để rút khỏi INF là Nga vi phạm hiệp ước, triển khai các tổ hợp tên lửa “Novator 9M729”. Tuy nhiên, Matxcơva khẳng định Nga luôn tuân thủ INF và phía Mỹ cho đến nay vẫn chưa thể cung cấp bằng chứng về việc Nga vi phạm hiệp ước, như chứng minh được tầm bắn của tên lửa “Novator 9M729” nằm trong phạm vi bị cấm từ 500-5.500 km.

Tổng thư ký NATO và Ngoại trưởng Nga sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị An ninh Munich trong nỗ lực tiếp theo nhằm cứu vãn INF song nhìn vào lập trường trên đây của Washington và Matxcơva, có thể thấy hai ông Stoltenberg và Lavrov khó tìm được tiếng nói chung. Bởi NATO cũng như Washington vẫn giữ quan điểm để tấm “lá chắn hạt nhân” INF không tan vỡ, Nga từ bỏ một hệ thống tên lửa mới và quay lại thực thi đầy đủ hiệp ước INF, điều mà Matxcơva cho đến nay vẫn không chấp nhận.

HOÀNG HÀ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/mong-manh-hy-vong-cuu-van-la-chan-hat-nhan-inf/799207.antd