Mong manh định chế 'Dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm'

Thật đáng buồn, định chế 'dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm' trở nên mong manh trước định chế 'cán bộ chỉ được làm những gì luật pháp cho phép'.

LTS:Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.

Cán bộ khó lường

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội vừa qua, nhân dân cả nước đã thấy Quốc hội vất vả như thế nào để vượt qua ở phút cuối cùng trong cuộc bỏ phiếu thông qua một điều luật cấm, đó là “Đã uống bia rượu thì không lái xe”.

Một trong những điểm thuyết phục được số đông đại biểu Quốc hội trong cuộc bỏ phiếu này là số người bị tử thương từ tai nạn sau “vô lăng” đã quá cao, không thể không bấm nút để chặn lại. Những thứ bị cấm trong các luật do Quốc hội ban hành rõ ràng là được xem xét rất cẩn trọng, được biểu quyết đầy trách nhiệm trước cử tri.

Tuy nhiên, công sức trên đây của Quốc hội dường như bị hao tổn bởi trong đời sống kinh tế-xã hội không ngừng xẩy ra những nghịch cảnh, ở đó người dân đã không được làm nhiều thứ mà luật pháp không cấm; ngược lại, cán bộ lại tự làm nhiều thứ mà luật pháp không cho phép.

Ở nghịch cảnh này, Nhà nước vừa tốn công tốn của nuôi đội ngũ cán bộ tự tung tự tác, tìm cách ngăn chặn người dân khi họ làm những việc mà luật pháp không cấm; đồng thời lại tốn công tốn của đi thanh tra, kiểm tra, giám sát, phê bình, rút kinh nghiệm đối với những cán bộ tự tung tự tác. Số cán bộ này thậm chí đã nhiều tới mức khiến vị phó Thủ tướng trong nhiệm kỳ đã qua đã phải thốt lên rằng “nếu xử lý hết thì lấy ai làm việc”.

Người dân được làm những gì luật pháp không cấm; còn người nhà nước, mà đại diện là cán bộ nhà nước, chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Sự khác biệt giữa hai người này đồng thời cũng là một trong những đặc điểm của Nhà nước pháp quyền mà Việt Nam theo đuổi từ khi khởi động công cuộc Đổi Mới.

Với dân, luật pháp chỉ cần ban hành danh mục những gì cần cấm, thế là đủ. Căn cứ vào danh mục này, người dân không làm, thế là xong. Nhà nước và người dân không ai bị phiền vì ai, bởi ai. Bộ máy và nhân sự nhà nước sẽ gọn nhẹ, hoạt động không có gì dư thừa, vô bổ. Còn với người dân, không có gì phải lăn tăn giữa mong manh có thể và không thể làm.

Thế nhưng, cuộc sống thường ngày lại không thênh thênh như vậy. Theo qui định, cán bộ chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Đúng quá, nhưng tìm mãi không thấy danh mục “cho phép” này. Những gì cấm dân không được làm thì đã có, và đã công khai minh bạch, dễ nhớ; còn những gì cán bộ được phép làm thì biến hóa vô cùng, người dân không biết đâu mà lường.

Định chế ‘Dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm’ nhìn từ vụ Thủ Thiêm.

Định chế ‘Dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm’ nhìn từ vụ Thủ Thiêm.

Trăm hoa đua nở

Cả nước có 22 Bộ và cơ quan bộ, 63 tỉnh và thành phố, gần 700 huyện và quận, hơn 10 nghìn xã và phường, tổng cộng hơn 1 triệu người ăn lương nhà nước, tức 100 người dân có 1 công bộc phục vụ.

Cả hệ thống bộ máy và nhân sự đó chỉ được làm những gì, người dân muốn biết cụ thể, nhưng chỉ thấy những qui định chung về “nhà nước quản lý” hoặc “quản lý nhà nước”.

Về qui định này, tuy có sự phân công trong từng cấp, có sự phân cấp giữa cấp trên với các cấp dưới, nhưng nội bộ hệ thống đó còn chưa hiểu hết về nhau huống gì là người dân.

Với những gì tai nghe mắt thấy, người dân nhận ra rằng cán bộ đã và đang làm cả những việc mà luật pháp chưa hình dung ra. Theo đó, việc dễ thì ai cũng làm (thí dụ như nhận đút lót), việc khó thì đùn đẩy từ người này sang người khác (thí dụ như tiếp dân), việc đòi hỏi trách nhiệm cao thì cấp dưới kính chuyển lên cấp trên, để rồi cấp trên lại trả về cấp dưới (thí dụ như khiếu nại, tố cáo).

Lại nữa, cùng một việc, ngành này cho làm, ngành khác lại bảo sai, cấm làm, thí dụ như xây nhà cao tầng trong phố cổ, phố cũ trong các đô thị.

Đặc biệt, những việc có liên quan tới nhiều khâu như qui hoạch sử dụng đất, qui hoạch chung xây dựng, qui hoạch 1/2000, qui hoạch 1/500, sổ đỏ về quyền sử dụng đất, kế hoạch đầu tư, chứng nhận vốn tự có, xác nhận an toàn môi trường…, tuy tất cả đều đã được cán bộ từng khâu xét duyệt, nhưng chỉ cần một khâu bị coi là sai thì các khâu khác đều trở thành công cốc.

Rất đáng chú ý là trong khi cán bộ tại khâu làm sai chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm thì việc ‘được làm’ của người dân lại bị đình hoãn, thậm chí không còn cơ hội thực hiện.

Thật đáng buồn, định chế “dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm” trở nên mong manh trước định chế “cán bộ chỉ được làm những gì luật pháp cho phép”.

Trạng thái mong manh này không chỉ tạo môi trường phát sinh bọn “nội xâm tham nhũng”, mà còn dung dưỡng một đội ngũ “cản đường phát triển”, cả hai đã tạo một hợp lực kìm hãm đất nước cất cánh lên hùng cường.

Bộ máy hành chính đã hàng chục năm tốn không biết bao nhiên công sức để phát hiện và thực hiện việc xóa bỏ giấy phép, hết giấy phép cha đến giấy phép con, giấy phép cháu, chắt, chíu, chít…, nay vẫn còn nguyên là một vấn nạn.

Việc này cho thấy giải pháp từ những nhiệm kỳ của hai Thủ tướng trước đây về xóa bỏ thực trạng “có quá nhiều giấy phép”, nay đã đến lúc cần được chuyển sang một hướng khác, đó là xóa bỏ thực trạng “có quá nhiều nhà nước” trong một nhà nước pháp quyền.

Nhà nước chỉ một

Trước hết, không có nhà nước Bộ, nhà nước Tỉnh, nhà nước Huyện, nhà nước Xã.

Được nhân danh Nhà nước chỉ có thể là Quốc hội với quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề lớn của đất nước; là Chính phủ với quyền hành pháp; Là Tòa án với quyền tư pháp.

Những cơ quan Bộ, Tỉnh, Huyện, Xã chỉ là những cơ quan hành pháp với chức năng là tổ chức việc thi hành hiến pháp, luật pháp. Ngay cả cơ quan hành chính nhà nước cao nhất là Chính phủ cũng không được phân quyền hoặc ủy quyền gì của Quốc hội trong việc ban hành các qui định lập pháp.

Những gì cấm dân, những gì cán bộ được làm đều do Quốc hội qui định. Thậm chí việc Chính phủ cụ thể hóa những qui định về cấm làm và được làm trên đây cũng chỉ được tiến hành khi được Quốc hội giao trong từng luật.

Đây là ranh giới đỏ, bất cứ cán bộ hành pháp nào vượt qua đều bị coi là lạm quyền, phải dừng lại, thậm chí bị trừng phạt. Trong những đối tượng vượt ranh giới đỏ, ở hàng đầu, phải kể tới là các thế hệ giấy phép cha, con, cháu, chắt, chút, chít đã có lâu nay.

Một Ủy ban của Quốc hội cần được giao nhiệm vụ ngăn chặn những giấy phép lạm quyền này từ các cơ quan hành pháp. Nhiệm vụ này không một cơ quan nào của Chính phủ thực hiện được như tất cả những gì đã diễn ra những năm qua, bởi rất hiếm có người tự lấy đá ghè chân mình.

Trụ cột tư pháp

Thứ hai, tổ chức lại Tòa hành chính, Tòa kinh tế trong hệ thống Tòa án để thực sự là nơi phán xử đúng-sai giữa người dân với cán bộ hoặc tổ chức của Bộ, Tỉnh, Huyện, Xã (và các cấp tương đương ở đô thị).

Lâu nay, tín nhiệm của hai loại tòa này luôn đạt thấp bởi xử cho dân thua chiếm đa phần, xử cán bộ thua là rất hiếm. Đối với những gì “dân được làm theo luật” nhưng bị cán bộ lạm quyền chuyển thành “không được làm”, người dân đã không chọn phân xử của Tòa án, và chỉ có một con đường duy nhất, đó là khiếu nại lên cấp trên của cán bộ lạm quyền, trong đó cao nhất là gửi khiếu nại lên các cơ quan Trung ương.

Trên thực tế, các khiếu nại của dân luôn tồn đọng trong ngăn kéo, hoặc chuyển lòng vòng hết nơi này sang nơi khác trong hệ thống hành chính với thời gian tính bằng cả quí, thậm chí nhiều năm, rồi đa phần rơi vào im lặng nếu không có ai đó khơi lại, điển hình là vụ Thủ Thiêm đã kéo dài tới 20 năm mà chưa kết thúc.

Thực trạng này làm cho cán bộ lạm quyền được che chắn, không kịp thời bị xử lý trước pháp luật, nên lại tiếp tục “cấm dân” bằng các đối pháp phi lý khó lường.

Tinh giản bộ máy

Thứ ba, thực hiện đồng bộ việc thu gọn đầu mối, tinh giản bộ máy và biên chế của hệ thống chính trị, trước hết là hệ thống hành chính nhà nước.

Về vấn đề này, đã có Nghị quyết của Đảng. Mong rằng sẽ có Đề án của Chính phủ trình Quốc hội càng sớm càng tốt.

Ý kiến nhân dân và chuyên gia cho tới nay cũng đã nhiều, giúp Chính phủ xem xét, cân nhắc các mặt để xây dựng vài ba phương án đưa ra lựa chọn trong thời gian chuẩn bị Đại hội Đảng đang tới.

Nếu hệ thống hành chính quốc gia được thu gọn, trong đó sáp nhập vài ba bộ lại với nhau như đã từng nhập trước đây; nếu số lượng đơn vị tỉnh, huyện, xã được gọn lại như đã từng có trước đây; nếu Hội đồng nhân dân không nhất thiết phải lập tại tất cả các cấp địa phương như đã từng thí điểm tại 10 tỉnh và thành phố trước đây…thì vấn nạn “hành dân”, “cấm dân” sẽ được giảm thiểu, đạt kỳ vọng của tất cả các cuộc vận động cải cách hành chính đã được đặt ra từ trước tới nay.

Có thật “Cán bộ chỉ được làm những gì luật pháp cho phép”?

Nhìn từ Bộ Giao thông Vận tải

Vừa qua, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã báo cáo tại Ủy ban kinh tế của Quốc hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn Đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Trước mắt, đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km với số vốn trên 118 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn Ngân sách nhà nước 55 nghìn tỷ đồng bố trí cho 3 dự án, 8 dự án còn lại đầu tư trên 63 nghìn tỷ đồng bằng vốn ngoài nhà nước.

Thứ trưởng cho biết: cái khó của 8 dự án huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước hiện nay là các nhà đầu tư tư nhân trong nước không đủ năng lực tham gia, còn các nhà đầu tư nước ngoài lại không mặn mà, chỉ có nhiều nhà thầu Trung Quốc quan tâm.

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã trình Chính phủ dự án xây dựng Đường sắt cao tốc Bắc Nam với tổng đầu tư trên 58 tỷ USD, trong đó 80% là vốn Ngân sách nhà nước, 20% là vốn tư nhân. Còn cách đây vài năm, dự án Sân bay Long Thành cũng đã được trình Quốc hội với tổng đầu tư 18 tỷ USD, doanh nghiệp tư nhân trong nước xin làm mà chưa được.

Như vậy, Bộ GTVT đã và đang đứng trước một thách thức lớn, đó là phải đưa ra những giải pháp khả thi để trong giai đoạn sắp tới triển khai được 3 dự án lớn chưa từng có, đó là Đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, Đường sắt cao tốc Bắc Nam, và Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cả 3 dự án này tới nay đều chưa được khởi công với khó khăn chủ đạo là sự lúng túng của Bộ GTVT.

Sự lúng túng của Bộ GTVT về 3 dự án trên đây là một tất yếu, bởi Bộ này là một cơ quan thành viên hính phủ, có chức năng quản lý hành chính nhà nước đối với ngành GTVT, trong khi 3 dự án đó cũng chịu sự quản lý hành chính nhà nước của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài Chính, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Ngoại giao, và UBND các tỉnh, thành phố có địa bàn thuộc dự án.

Với hệ thống quản lý hành chính nhà nước dầy đặc như vậy thì Bộ GTVT làm sao khẳng định được: Doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực, Nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà, chỉ nhiều nhà thầu Trung Quốc quan tâm!

Đặc biệt, Bộ GTVT trong phần lớn quá trình phát triển của mình đều tập trung làm cơ quan chủ quản đối với các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành, và quản lý các dự án đầu tư từ Ngân sách nhà nước. Cũng cần nhấn mạnh rằng, rất nhiều doanh nghiệp, dự án thuộc Bộ GTVT đã bị thất bại, rơi vào đại án trong vài thập kỷ qua.

Để 3 dự án đường bộ, đường sắt cao tốc, cảng hàng không quốc tế trên đây nói riêng và các dự án giao thông khác nói chung khiến Bộ GTVT phải lúng túng ngay từ khi xây dựng dự án đến khi triển khai thực hiện dự án như vừa qua, không chỉ đòi hỏi phải tổ chức lại Bộ GTVT, mà còn phải tổ chức lại hệ thống hành chính nhà nước.

Những ý kiến trong bài viết này về “được làm” đối với người dân, “chỉ được làm” đối với người nhà nước xin được bày tỏ rằng: Bộ GTVT sẽ thất bại nếu không huy động được các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tham gia tích cực vào việc thực hiện các dự án, nhất là các đại dự án trên đây.

Tiến sỹ Đinh Đức Sinh

Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: tuanvietnam@vietnamnet.vn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/mong-manh-dinh-che-dan-duoc-lam-tat-ca-nhung-gi-luat-phap-khong-cam-546259.html