'Mong manh' bám biển

Hiện nay, đang trong giai đoạn cao điểm thời kỳ thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường. Thế nhưng, ở một số cửa biển trong tỉnh Cà Mau, ngư dân vẫn sử dụng các loại phương tiện nhỏ, trang bị thô sơ để hoạt động đánh bắt khai thác thủy sản trên biển. Trong những năm qua, mỗi khi có dông lốc bất ngờ xảy ra trên biển, đã có hàng chục phương tiện bị nhấn chìm, thậm chí gây chết người.

Mỗi khi biển động, cửa biển Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây và cửa biển Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc có hàng trăm phương tiện nhỏ neo đậu tránh sóng. Ảnh: Lê Khoa

Tại cửa biển Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, hiện có trên 100 phương tiện đang hoạt động nghề đánh bắt khai thác thủy sản, trong đó, đa số phương tiện làm nghề lưới rê, lưới ghẹ, đặt lú bát quái và câu mực mé. Các phương tiện này có công suất vừa và nhỏ, đánh bắt gần bờ để kiếm sống qua ngày. Theo quan sát của chúng tôi, các phương tiện này chỉ có trọng tải từ 1 - 2 tấn, gắn máy D6 của Trung Quốc, hoặc máy Honda loại nhỏ từ 6-12CV. Trên phương tiện đi biển thường có 2 đến 3 người, nhưng không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, họ chỉ có áo phao cá nhân loại nhỏ, máy thông tin liên lạc được sử dụng bằng điện thoại di động. Do tự phát và nhỏ nên những phương tiện không được đăng ký, đăng kiểm.

Là ngư dân đánh bắt có thâm niên, nhưng tàu cá anh Lê Văn Nữa (ngụ ở ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây) vẫn chưa có giấy tờ đăng ký phương tiện. Với trọng tải nhỏ và gắn máy dưới 90CV, nhưng khi ra biển, tàu anh Nữa vẫn hoạt động cách bờ từ 20 đến 30 hải lí. Do vậy, khi có dông, lốc, thời tiết xấu rất nguy hiểm. Dù không thuộc diện quản lí, nhưng vì trách nhiệm, hàng ngày, cán bộ Trạm Kiểm soát BP Đá Bạc vẫn đến nhắc nhở anh Nữa và bà con trang bị đủ các loại phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc khi làm ăn trên biển.

Cùng hoạt động khai thác gần bờ nhiều năm nay, gia đình anh Trần Văn Út, cùng ngụ xã Khánh Bình Tây, cũng sử dụng phương tiện thô sơ, cũ kỹ, không trang bị bất cứ một dụng cụ và trang thiết bị an toàn nào. Vì cuộc sống mưu sinh mà anh Út và hàng chục ngư dân ở vùng biển này hàng ngày vẫn ra biển thả lưới, giăng câu để kiếm được từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng để nuôi sống gia đình. Thời tiết xấu thì đánh gần, mé thì không có cá, ra xa thì sợ sóng to, gió lớn. “Biết là sai quy định của pháp luật, là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vì cuộc sống mà đành liều” - Anh Út chia sẻ.

Ông Châu Phương Hùng, ấp Mũi Trầm B, xã Khánh Bình Tây, vốn là nông dân quanh năm bám đồng ruộng, nhưng sản lượng thu hoạch mùa màng ngày càng thấp, cuộc sống gia đình khó khăn nên ông Hùng học theo người dân trong vùng mua phương tiện cũ rồi lắp máy D của Trung Quốc ra biển làm nghề đặt lú bát quái. Ông Hùng cho biết, mặc dù kinh nghiệm đi biển và kỹ thuật đánh bắt không có, nhưng để kiếm sống cho gia đình, ông đi theo anh em ở địa phương, dần rồi cũng quen. Biết mưa bão, dông lốc rất nguy hiểm đến tính mạng, tài sản, nhưng vì mưu sinh mà làm liều. Ông cũng biết mình đang hoạt động nghề trái phép, không giấy tờ thủ tục, không đảm bảo trang thiết bị an toàn và “trốn” ra biển. Chuyển đổi nghề đánh bắt thì phải có vốn đầu tư và tay nghề, còn bỏ nghề biển thì chỉ còn cách về các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đi làm thuê, làm mướn mà thôi.

Ông Dương Văn Tường, Bí thư Chi bộ ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây cho biết: “Hiện nay, do nguồn lợi thủy sản thiên nhiên cạn kiệt, ngư dân Đá Bạc gặp nhiều khó khăn, đa số dân làm nghề lưới và lú bát quái gần bờ, nhưng họ hoạt động tự phát, không được đăng ký, đăng kiểm. Chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước có những chính sách đầu tư để giúp đỡ người dân chuyển đổi ngành nghề khai thác, đánh bắt xa bờ để có thu nhập, đồng thời, góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

Thiếu tá Trương Bảo Xuyên, Đồn trưởng Đồn BP Sông Đốc cho biết: “Chúng tôi cũng đang gặp khó khăn về công tác quản lý đối với những phương tiện nhỏ này. Nếu cho họ ra biển làm nghề thì vô tình chúng tôi tạo điều kiện cho họ vi phạm pháp luật và nguy hiểm đến tính mạng khi gặp thời tiết xấu trên biển. Nếu không cho ra thì bà con lại cho rằng gây khó khăn cho họ. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên phối hợp và tham mưu cho chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, nhắc nhở bà con đảm bảo các điều kiện an toàn khi ra biển làm ăn, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Khi ra biển, bà con phải thông báo kịp thời những diễn biến phức tạp trên khu vực đánh bắt, không ra quá xa bờ hoặc phải đánh bắt theo từng nhóm để hỗ trợ nhau. Cán bộ, chiến sĩ cũng thường xuyên canh trực để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra trên biển đối với bà con”.

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mong-manh-bam-bien/