Mong kết thúc có hậu cho vụ trao nhầm con 6 năm ở Hà Nội

Gần đây, dư luận rất quan tâm tới vụ anh Phùng Giang Sơn (sinh năm 1990, trú tại Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) tố Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con cho gia đình sau khi sinh và bệnh viện này cũng đã thừa nhận sự cố. Dư luận mong muốn một kết thúc có hậu của hai bên gia đình và bệnh viện.

Anh Phùng Giang Sơn, chị Phùng Thị Thu Hiền cùng người con anh chị đã nuôi 6 năm qua. Ảnh. HT

Bi kịch trao nhầm con!

Thông tin báo Lao Động có được, sau khi xác định sự việc trên, bệnh viện đã tiến hành họp và xác định trách nhiệm thuộc về 2 nữ hộ sinh trong ca trực ngày 1.11.2012. Hiện tại, hai nữ hộ sinh này đã bị tạm dừng công tác chuyên môn là đỡ đẻ và tắm cho trẻ sơ sinh, đồng thời điều chuyển sang làm các công việc hành chính. Khi có kết luận của cơ quan chức năng, ban lãnh đạo bệnh viện sẽ xử lý theo quy định.

Sự việc hy hữu này khiến hai gia đình rơi vào tình cảnh trớ trêu. Về phía gia đình, sau nhiều ngày im lặng, chị Vũ Thị Hương đã lên tiếng. Chị Hương cho biết, chị rất sốc khi biết cháu Đ.N.M (con trai chị đang nuôi 6 năm nay) là con của vợ chồng anh Phùng Giang Sơn và Phùng Thị Thu Hiền. "Tôi suy sụp khi anh Sơn thông báo Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì trao nhầm con. Hai bên gia đình đã bàn bạc và đi đến thống nhất làm xét nghiệm DNA, để xác định con của hai gia đình. Hoàn tất các thủ tục xét nghiệm, hai bên đã xác định cháu Phùng Thanh H (con anh Sơn, chị Hiền đang nuôi) là con tôi và cháu Đoàn Nhật M là con của vợ chồng anh Sơn, chị Hiền”, chị Hương nói.

Chị Hương chia sẻ, sở dĩ đến thời điểm này, hai bên gia đình chưa đổi lại con ruột của mình bởi chị muốn cháu M tiếp xúc dần với gia đình anh Sơn và ngược lại. "Thời gian đầu, tôi và con vẫn đi lại bình thường rồi sẽ tách dần để con hòa nhập với gia đình anh Sơn", chị Hương nói, đồng thời cho biết: "Giao con vào lúc này, tôi sợ cả hai cháu không chấp nhận gia đình mới. Có lần M từng nói "con không đi đâu cả, con ở mãi với mẹ, nếu ép, con sẽ bỏ đi", chị H nói thêm.

Tuy nhiên, đến ngày 15.7, chị Vũ Thị Hương đã đưa cháu Đ.N.M về quê ở Ba Vì. Hai bên gia đình đã tổ chức bữa ăn thân mật để hai con gặp nhau. Người phụ nữ này bộc bạch: “Hai bên gia đình sắp xếp buổi để 2 con có cảm giác gần gũi, thân quen. Điều khiến chúng tôi ấm lòng, hai cháu cũng gọi nhau là anh em, rất thân thiết” chị Hương cho biết.

Trước thông tin nói chị chưa trao nhận con vì chưa thỏa thuận được số tiền đền bù với bệnh viện, chị Hương khẳng định thông tin này không chính xác. "Tôi không đòi cũng không yêu cầu bệnh viện phải trả bao nhiêu tiền. Sắp tới tôi cũng sẽ cho hai cháu về học chung một trường để gia đình hai bên tiện chăm sóc”, chị Hương nói.

Trả lời báo Lao Động, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc BV đa khoa Ba Vì cho biết, bệnh viện và gia đình cố gắng giải quyết vụ việc càng sớm càng tốt. Các bên đều thống nhất vụ việc cần được giải quyết trên tinh thần nhanh chóng, êm thấm, không làm ảnh hưởng đến các bên để các gia đình yên tâm ổn định cuộc sống, 2 bé sớm hòa nhập với gia đình. Bệnh viện, mặc dù rất khó khăn nhưng đã cố gắng để cân bằng các khoản, giải quyết dứt điểm theo sự chỉ đạo của cấp trên. Ai cũng muốn có một kết thúc có hậu trong sự việc này.

Còn ông Nguyễn Ngọc Vinh - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, sau khi đã thỏa thuận đền bù cho hai bên gia đình xong xuôi mới tính đến việc làm việc với 2 nữ hộ sinh đã mắc lỗi trong quá trình trao trả con. Bệnh viện không ép buộc 2 nữ hộ sinh trả số tiền bao nhiêu mà sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận với nhau.

Trao nhầm con ở bệnh viện có hy hữu?

Sự việc trao nhầm con xảy ra, không những gia đình người trong cuộc mà ngay cả dư luận cũng đặc biệt quan tâm, bởi hệ lụy của nó là quá lớn. Đối với gia đình chị Vũ Thị Hương đã xảy ra nhiều mâu thuẫn, vì vụ việc mà chị Hương và chồng phải ly hôn. Ngoài ra, vụ việc còn gây nhiều xáo trộn trong cuộc sống, tổn thương, mất mát về tinh thần cho 2 gia đình và nhất là vấn đề tâm lý cho 2 đứa trẻ khi phải thay đổi cha mẹ, gia đình, môi trường sống sau khi phát hiện sự thật.

Chia sẻ với chúng tôi, Th.S Nguyễn Thị Nga, Giám đốc trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền cho biết, đa phần những ca phân tích ADN nhằm mục đích tìm lại, xác định nhân thân gia đình, bố mẹ con ruột. 15 năm qua, trung tâm đã tiếp nhận khoảng 10 ca là do sơ suất, trao nhầm con từ phía bệnh viện.

Người đứng đầu trung tâm xét nghiệm ADN này kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện hy hữu nhưng cũng đầy chua xót. Trong đó, đáng nhớ và nổi tiếng nhất là câu chuyện tìm thấy con ruột sau 42 năm trao nhầm ở nhà hộ sinh. Theo đó, ngày 10.10.1974, bà Nguyễn Mai Hạnh (ở Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) sinh con gái thứ ba tại nhà hộ sinh Ba Đình. Hơn một tiếng sau sinh, con gái được nằm trong vòng tay mẹ. Khi nhận con từ bác sĩ, thấy chân con là số 32, bà Hạnh và gia đình nghi ngờ vì không khớp với số 33 ở tay bà. Tuy nhiên, lúc đó bác sĩ giải thích do đưa con đi tắm nên số đã bị mờ và khẳng định đứa trẻ có số 32 đúng là con của bà.

Đưa con gái về nuôi, thấy con càng lớn đều không giống bố, mẹ, nghĩ về sự việc năm ấy, bà Hạnh linh cảm đó không phải là con mình. Năm 1994, khi chị Tạ Thu Trang (người con bà Hạnh nuôi nhầm) được 20 tuổi, bà Hạnh đã cùng con gái đi làm xét nghiệm ADN thì cả hai lần đều cho kết quả chị Trang không phải là con ruột của bà Hạnh.

Sau nhiều năm nhờ các phương tiện truyền thông và cộng đồng tìm kiếm, năm 2017, bà Nguyễn Mai Hạnh vô cùng hạnh phúc vì đã tìm thấy người con gái suốt mấy chục năm chưa từng được bồng bế. Còn chị Tạ Thu Trang đã tìm được cha mẹ của mình sau 43 năm thất lạc.

Trường hợp của anh Trần Quốc Hậu (38 tuổi ở quận Ba Đình, TP. Hà Nội) cũng là một trường hợp tương tự. Theo đó, 4 năm trước, do là người hợp tuổi nhất với đứa con sắp chào đời tại một bệnh viện (BV) ở Hà Nội nên anh đi đón con. Anh Hậu háo hức chờ sẵn ngoài cửa phòng sinh. Cửa mở, cô y tá bế bé ra thông báo: Con trai, 3,2kg. "Tôi giật mình vì nhiều lần siêu âm trước khi sinh là con gái nên nhờ cô y tá kiểm tra lại. Cô ấy vội bế bé trai vào và bế một bé gái ra cho tôi xem tay, mặt. Lúc ấy, nếu là một bé gái thì không loại trừ tôi cũng là nạn nhân của vụ nhận nhầm con" - anh Hậu kể.

Đánh giá của giới chuyên môn, với quy trình tiếp xúc, đánh số cho mẹ và con như hiện nay, việc giao nhầm con ở cơ sở y tế chỉ là chuyện hy hữu. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, nguyên trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trước đây, quy trình trao con ở các bệnh viện sản được thực hiện - các em bé sau khi sinh ra sẽ được y tá chăm sóc sức khỏe, được đánh dấu định danh bằng mực khó xóa với cách ghi tên mẹ, tên con trên đùi.

Gần đây, các bệnh viện sử dụng vòng định danh của mẹ và bé, thực hiện đeo vòng trước mặt người mẹ đó. Ngay sau khi định danh, nếu đẻ thường, trẻ sẽ được nằm cạnh mẹ, nếu bé được đẻ mổ hoặc cần chăm sóc sẽ được chuyển đến nơi chăm nom và nhân viên y tế có trách nhiệm chăm sóc bé theo vòng định danh và hồ sơ của trẻ.

Còn khi nhân viên y tế nhận trẻ từ mẹ, cần phải thông báo cho sản phụ biết lý do đón trẻ tách mẹ như: Cho đi tắm, tiêm hoặc điều trị bệnh lý. Đồng thời, đối chiếu hồ sơ bệnh án tên mẹ, tên con, mã số con và số mẹ đeo khớp với bệnh án sơ sinh...

Chia sẻ với Lao Động, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, TPHCM cho biết, cách đây 5 năm, Bệnh viện Từ Dũ có 3 bước đánh dấu trẻ mới chào đời để biết con của ai. Cụ thể, khi trẻ sinh ra, phải cho người mẹ coi giới tính, rồi dán một miếng băng keo lên ngực cháu. Sau công việc này, cháu bé mới chuyển đến bàn làm rốn để lau khô. Sau đó là vẽ mực lên đùi cháu bé để nhận dạng với các thông tin như tên tuổi mẹ, số nhập viện, giới tính... Cuối cùng là đeo một cái lắc tay hoặc lắc chân có ghi thông tin tương tự như dán miếng băng keo vào ngực trẻ. Những cách làm trên gọi là quy trình chống nhầm lẫn con.

Hiện nay, các bệnh viện đã có chương trình chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu (tức là tất cả trẻ nhỏ sinh ra đều cho nằm trên ngực mẹ), đối với trẻ sinh thường thì có 100% trẻ sẽ nằm trên ngực mẹ khi chưa thực hiện cắt rốn. Đến khoảng 2 phút sau, bệnh viện mới thực hiện cắt rốn (thời điểm này sẽ thực hiện thủ thuật như vẽ lên đùi, đeo lắc, dán miếng keo trên người trẻ... "Riêng đánh dấu bằng mực vẽ có ưu điểm tồn tại lâu từ 48 - 72 giờ và đến khi trẻ tắm nhiều lần, mực mới mờ dần", bác sĩ Nhi nói.

Về việc tránh trao nhầm con, có ý kiến cho rằng giải pháp tốt nhất là lắp đặt hệ thống camera tại các phòng sinh đẻ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nhi thì cho rằng giải pháp không thực sự khả thi. "Gắn camera không thể hình dung ra khuôn mặt trẻ như thế nào và ra sao... mà chỉ nắm được quy trình thực hiện. Tôi chưa mường tượng ra, camera có thể thay đổi tốt để tránh trao nhầm con”, bác sĩ Nhi chia sẻ.

cường ngô

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/mong-ket-thuc-co-hau-cho-vu-trao-nham-con-6-nam-o-ha-noi-619808.ldo