Mong Huế thành kinh đô áo dài!

Chính quyền đã nỗ lực tổ chức nhiều hội thảo, chương trình hành động nhưng thương hiệu kinh đô áo dài với TP Huế bao giờ là hiện thực thì vẫn còn quá xa vời

Hôm nay, 29-7, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, chủ trì để nghe các sở, ngành báo cáo đề án Không gian áo dài tại cung An Định (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Giá trị văn hóa độc đáo

Trước đó, giữa tháng 7, nhân dịp húy kỵ chúa Nguyễn Phúc Khoát - người được xem là "ông tổ" của áo dài Việt Nam, địa phương này cũng tổ chức chương trình tri ân tiền nhân. Đây là một trong những nội dung quan trọng của đề án "Ngày hội áo dài Huế" mà địa phương này thực hiện.

Tại hội thảo "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam" tổ chức nhân dịp nói trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng cần khẳng định áo dài Huế là một giá trị văn hóa độc đáo trong Di sản văn hóa Huế. Vì vậy, ông Hoa đề nghị phải quyết tâm xây dựng thương hiệu "Áo dài Huế" như một tài sản trí tuệ "độc", sáng của vùng đất cố đô.

Mẫu áo dài cho nữ và nam được sử dụng tại chương trình Tri ân tiền nhân

Mẫu áo dài cho nữ và nam được sử dụng tại chương trình Tri ân tiền nhân

Theo ông Hoa, ngoài nỗ lực tiếp tục mở rộng các phương thức hướng dẫn nữ sinh, vận động phụ nữ thường xuyên mặc áo dài thì Thừa Thiên - Huế cần tổ chức thêm các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của loại trang phục này. Bên cạnh đó, cần khuyến khích xây dựng các sô trình diễn, nâng chất lượng, gắn lễ hội áo dài ở mỗi kỳ Festival Huế với một không gian độc đáo của Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Đây không phải lần đầu Huế tổ chức hội thảo về áo dài và cũng không phải lần đầu nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đưa ra những lời tâm huyết của mình nhằm phục hồi, xây dựng thương hiệu cho áo dài Huế.

"Áo dài phục sinh trên đất Huế chính là để làm giàu thêm cho Huế, bao gồm các giá trị văn hóa và kinh tế dựa trên dịch vụ áo dài phát triển" - ông Hoa nhấn mạnh và đề nghị địa phương cần xúc tiến thành lập Hiệp hội Nghề may áo dài và kinh doanh áo dài Huế. Trong đó, cần hình thành phố kinh doanh, các tiệm may áo phục vụ du khách có đẳng cấp cao; tạo mối liên kết giữa các cơ sở du lịch với người làm dịch vụ may và kinh doanh áo dài; tìm kiếm thị trường ngoại tỉnh cho các sản phẩm bộ áo dài Huế đã may sẵn...

Sản phẩm du lịch thú vị

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, đề xuất với các tư liệu, hiện vật, căn cứ khoa học từ công trình nghiên cứu... cần sớm thành lập Bảo tàng Áo dài Việt Nam. Đây sẽ là sản phẩm du lịch khá thú vị cho du khách khi đến Huế.

"Huế cần hình thành đội ngũ nghệ nhân lành nghề có tên tuổi. Chúng tôi cho rằng đây là yếu tố quan trọng, then chốt trong việc hình thành, phát triển và bảo lưu thương hiệu Huế - Kinh đô áo dài Việt" - ông Bình phân tích.

Ông Phan Ngọc Thọ khẳng định hội thảo lần này góp phần tạo tiền đề để xây dựng hồ sơ công nhận áo dài truyền thống Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiếp đến là đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cái nôi áo dài Việt

Năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục. Chiếc áo dài được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa.

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/mong-hue-thanh-kinh-do-ao-dai-20200728210316599.htm