MONG 'HIỆN TƯỢNG' THÀNH ĐẠI TRÀ

Giải thưởng Cánh diều Vàng năm 2020 đã công bố danh sách tác phẩm tranh tài, trong đó có nhiều hiện tượng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, như: 'Về nhà đi con', 'Những cô gái trong thành phố', 'Hai Phượng', 'Mắt biếc'…

Không ít người cho rằng điện ảnh Việt đã khởi sắc sang trang. Song, nếu bình tĩnh nhìn nhận thì tình trạng chưa thực sự quá khả quan. Thử hỏi, có bao nhiêu phim truyền hình Việt Nam được xuất khẩu? Ngoài thể loại phim hài, tâm lý tình cảm, nền điện ảnh của chúng ta có nhiều phim trinh thám, hình sự, hành động… xuất sắc hay chưa? Đáp án cho những câu hỏi trên có thể minh chứng phần nào về một nền điện ảnh phát triển toàn diện và chuyên nghiệp. Đáng tiếc điện ảnh Việt Nam chưa đạt đến trình độ như mong muốn ấy.

 Lễ trao giải Cánh diều 2017. Ảnh minh họa: VOV.

Lễ trao giải Cánh diều 2017. Ảnh minh họa: VOV.

Năm qua, “Hai Phượng” thu đến 200 tỷ đồng, “Mắt biếc” ra mắt dịp Giáng sinh “đánh bật” các phim nước ngoài cùng thời điểm. Cứ theo đà phát triển, lẽ ra tháng nào điện ảnh Việt cũng có phim “bom tấn” ra rạp nhưng đáng tiếc số lượng phim hay là quá ít, chủ yếu vẫn là phim chất lượng chưa cao, khó cạnh tranh với phim ngoại. Thắc mắc với sự phát triển chậm chạp của điện ảnh Việt, nhiều lần gõ cửa, trò chuyện cùng một số nhà sản xuất phim thì chỉ nghe những lời than thở đại loại: Ai chẳng muốn sản xuất nhiều phim hay nhưng làm gì có vốn, thêm nữa là thiếu hụt nguồn nhân lực. Đơn cử về việc viết kịch bản phim. Một nền điện ảnh chuyên nghiệp luôn sản sinh đội ngũ làm nghề gối tiếp, xen kẽ nhau. Viết kịch bản phim trong điện ảnh Việt Nam thì tre đã già nhưng măng chưa thấy đâu! Nước ta có hàng nghìn người viết văn, nhưng người viết kịch bản phim tốt thì "như lá mùa thu", người viết được kịch bản dựng phim ra rạp thành công càng hiếm hơn. Đã đến lúc phải xem lại chất lượng đào tạo đội ngũ biên kịch trong nước.

Vẫn biết làm phim cần kinh phí lớn, không ai dám bảo đảm phim nào làm ra cũng đều có lãi. Sự non trẻ, chứa đựng rủi ro khiến nguồn lực xã hội, nhất là từ các cá nhân, tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn... chưa mạnh dạn rót vốn vào điện ảnh. Các hãng phim tư nhân Việt Nam đều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vài ba công ty chung vốn sản xuất theo kiểu lời chia, lỗ chịu, chưa có đơn vị nào trở thành tập đoàn giải trí hùng mạnh. Các ông, bà chủ hãng phim phải chạy vạy khắp nơi, bạc cả tóc huy động vốn mỗi khi có dự án làm phim. Khó khăn bủa vây khiến họ chấp nhận con đường phải làm nhiều chương trình giải trí, tích cóp để lấy ngắn nuôi dài, "giật gấu vá vai".

Hiện nay, các hãng phim tư nhân đang "đóng vai" trụ cột nền điện ảnh nước nhà, đang một tay làm mấy việc trong điều kiện không mấy thuận lợi. Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển điện ảnh như Hàn Quốc có thể thấy, vai trò của các bên liên quan được phân công rõ ràng, không giẫm chân nhau, cản trở nhau, tất cả cùng có lợi: Nhà nước cởi mở, kiến tạo chính sách tối đa cho điện ảnh phát triển; tập đoàn kinh tế như Samsung, Hyundai, SKC... chống lưng, chấp nhận rủi ro cho nghệ sĩ làm phim.

Điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa tỷ đô, hình thành thương hiệu, tạo nên “sức mạnh mềm” của quốc gia. Điện ảnh Việt có lợi thế với thị trường gần 100 triệu dân, khán giả luôn ủng hộ những bộ phim có chất lượng, hấp dẫn do người Việt sản xuất. Tiềm năng là thế nhưng vẫn chưa được phát huy nên điện ảnh Việt Nam dù đã có gần 20 năm phát triển theo xu hướng thương mại hóa mà vẫn chưa xứng tầm với bề dày văn hóa lịch sử của đất nước. Chậm chân trong thời buổi toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng thì cơ hội trở thành một nền điện ảnh thành công trong nước và tầm cỡ trong khu vực sẽ càng khó khăn hơn. Chỉ có chung tay thì những tên tuổi điện ảnh Việt mới được xướng lên tại các lễ trao giải uy tín. Lúc ấy những "hiện tượng" sẽ trở thành đại trà trong nền điện ảnh.

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/mong-hien-tuong-thanh-dai-tra-614915