'Mong giải pháp sớm được triển khai vì người được hưởng lợi chính là học sinh'

Đưa đón an toàn, quản lý khoa học, chính là nội dung của Giải pháp Quản lý học sinh thông minh - SBUS của nhóm tác giả Công ty CP Phát triển Giáo dục Kidscode Hạ Long (TP Hạ Long). Giải pháp được các nhà chuyên môn đánh giá cao, được trao giải Ba ở Vòng chung kết Cuộc thi ý tưởng sáng tạo Khởi nghiệp tháng 12/2020 do Tỉnh đoàn và các sở, ngành liên quan tổ chức.

Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh có buổi trò chuyện với ông Phan Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Công ty về đặc điểm và khả năng ứng dụng thực tế của ứng dụng thông minh.

- Xin chúc mừng anh và nhóm tác giả đã đoạt giải trong Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo 2020. Anh có thể chia sẻ cảm xúc và giới thiệu sơ bộ về giải pháp này?

+ Quả thật, chúng tôi rất vui khi thành quả nghiên cứu, giải pháp thông minh ấp ủ bấy lâu nay đạt được thành quả và được công nhận qua cuộc thi. Về SBUS, đây là giải pháp thông minh, tên viết tắt Tiếng Anh của School Bus. SBUS bao gồm những thiết bị thông minh được gắn trên xe bus, tích hợp vào thẻ học sinh thành dạng thẻ thông minh, phần mềm quản lý cho nhà trường và được tích hợp ngay trên điện thoại thông minh, thiết bị cầm tay của cha mẹ học sinh.

Mỗi thiết bị, phần mềm lại có chức năng, nhiệm vụ cụ thể nhằm tạo thói quen công nghệ, kĩ năng sống và sinh hoạt tập thể, quản lý thời gian, thói quen đúng giờ cho học sinh. Cùng với đó nâng cao trách nhiệm giám sát của nhà trường, cha mẹ học sinh và đơn vị vận chuyển.

Có thể nói, giải pháp phù hợp với xu thế công nghệ 4.0, với việc xây dựng thành phố thông minh ở Hạ Long.

- Từ đâu mà anh và các đồng sự lại có ý tưởng đi tới giải pháp sáng tạo này?

+ Đến với giải pháp này quả thật rất tình cờ. Chúng tôi là những người có nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, có cộng sự công tác trong ngành và đồng thời cũng là những phụ huynh hay phải đưa đón con cái đi học. Ai đã là phụ huynh đều dễ thấy thực trạng giao thông đô thị phát triển nhanh như Hạ Long, việc đưa đón rất vất vả ở các cổng trường.

Phan Nguyễn Việt Hưng và các đồng sự nhận giải thưởng trong Cuộc thi ý tưởng sáng tạo Khởi nghiệp tháng 12/2020.

Phan Nguyễn Việt Hưng và các đồng sự nhận giải thưởng trong Cuộc thi ý tưởng sáng tạo Khởi nghiệp tháng 12/2020.

Nhìn ra các bài học về phát triển giao thông ở Hải Phòng, Hà Nội... đã cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của phương tiện giao thông công cộng phục vụ học sinh, giải tỏa được bao lo lắng cho phụ huynh, góp phần làm giảm ùn tắc cổng trường, tuyến đường ngay trong giờ cao điểm. Vì thế, theo đánh giá của cá nhân tôi, nhu cầu của phụ huynh học sinh về việc đưa, đón học sinh là khá cao.

Hiện thực tế cho thấy, một số trường dân lập xây dựng và phát triển mạng lưới đưa đón khá tốt. Trong khi phần nhiều các trường công lập việc này còn rất hạn chế, có thể do vấn đề cơ chế tài chính, hoặc do nguồn nhân sự... Với các trường dân lập, họ coi đưa đón học sinh là một dịch vụ thể hiện ưu điểm, nâng cao tính hấp dẫn với phụ huynh học sinh.

Cũng thời điểm này, giữa năm 2018 xảy ra một loạt sự việc đáng tiếc về quản lý xe đưa đón học sinh, bỏ quên học sinh... khiến phụ huynh học sinh vô cùng lo lắng. Trước những yêu cầu thiết thực như vậy thì đòi hỏi phải có một giải pháp quản lý, đưa đón học sinh được triển khai thuận lợi, đảm bảo an toàn cho học sinh. SBUS được chúng tôi nghiên cứu và phát triển để góp phần đảm bảo an toàn cho học sinh, yên tâm, dễ dàng và khoa học trong quản lý với cha mẹ học sinh, đơn vị vận hành dịch vụ.

- Anh có thể chia sẻ về quy trình vận hành của SBUS, một ngày làm việc cụ thể của SBUS...

+ Giải pháp mà chúng tôi sáng tạo ra là chu trình khép kín để kiểm soát việc đón học sinh giữa nhà trường, đơn vị vận chuyển, cùng với sự tham gia của cha mẹ học sinh.

Cụ thể, trước hết là việc triển khai lắp đặt thiết bị, phần mềm ở nhà trường, trên xe bus, trên điện thoại của cha mẹ học sinh và cung cấp đầy đủ thẻ thông minh đến tay học sinh. Những thẻ này có thể thay thế thẻ học sinh đối với cả những học sinh không tham gia dịch vụ. Đây là loại thẻ có gắn chíp thông minh hoặc mã QR, chứa thông tin cơ bản của học sinh (họ tên, lớp, số điện thoại cha mẹ), được làm từ nhựa, thời gian sử dụng có thể lên tới 4- 5 năm.

Quy trình vận hành sử dụng SBUS được tiến hành hết sức đơn giản: Khi học sinh lên, xuống phương tiện đưa đón sẽ quét thẻ học sinh của mình trên thiết bị thông minh gắn trên xe bus. Công nghệ sóng RFID được tích hợp trên hai thiết bị này xác nhận thông tin học sinh lên xe.

Lái xe hoặc nhân viên quản lý học sinh xác nhận điểm danh nhanh học sinh ngay khi việc quét thẻ nhận diện kết thúc (thời gian quét

Khi học sinh đến trường việc quét thẻ được thực hiện ngay trạm cổng trường. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển học sinh đến và ra về an toàn. Tình trạng học sinh đã lên xe, vắng mặt vì bất kì lý do gì sẽ được cập nhật liên tục theo thực tế.

Giải pháp sẽ giúp việc đưa đón học sinh tới trường bằng xe bus an toàn, tiện lợi, chính xác và khoa học.

Ngoài ra chúng tôi còn thiết kế thêm những chức năng khác cho phầm mềm quản lý dịch vụ BUS thông minh tại nhà trường như liên tục cập nhật thông tin từ thiết bị gắn trên xe bus, tổng hợp thông tin, cung cấp biểu mẫu báo cáo, cung cấp thông tin cho cha mẹ học sinh và tiếp nhận ý kiến phản hồi từ phụ huynh học sinh, thanh toán trực tuyến.

Song song với đó, phần mềm quản lý trên thiết bị thông minh cho cha mẹ học sinh cũng được tích hợp đầy đủ những tiện ích như ở phần mềm quản lý nhà trường, giúp phụ huynh học sinh hoàn toàn yên tâm khi cho con tham gia sử dụng phương tiện công cộng trong lộ trình đến trường và ngược lại.

- Tính khả thi của giải pháp là gì, thưa anh?

+ Đó cũng là điều chúng tôi quan tâm. Trên thực tế, giải pháp được "phôi thai" ý tưởng từ 2015. Cho tới 2019, sau khi được kiểm nghiệm thực tế trong quá trình xây dựng giải pháp và tiếp tục được thử nghiệm ở một số môi trường giáo dục.

Ưu điểm giải pháp là: Làm tăng khả năng quản lý học sinh của nhà trường, cùng với cha mẹ học sinh khi các em di chuyển từ nhà đến trường và ngược lại, rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân, đơn vị, tiết kiệm thời gian, minh bạch thu khi sử dụng những ứng dụng thanh toán trực tuyến. Điều đó giúp giải pháp có khả năng ứng dụng và hoạt động ngay trong thực tế.

Cụ thể, SBUS không chỉ giúp lộ trình đến trường và trở về nhà của các em đúng giờ, an toàn nhất mà còn hỗ trợ nhiều công cụ trực tuyến tiện lợi cho người dùng. Đó là, việc đăng ký sử dụng, hệ thống giúp tính toán chi phí theo quãng đường, việc thanh toán có thể thực hiện trực tuyến ngay trên ứng dụng, thao tác đơn giản.

Giải pháp cũng tính tới lấp những lỗ hổng như học sinh quên hay cho mượn thẻ, hệ thống nhắc nhở khi học sinh chưa xuống xe... Hơn nữa, khi giải pháp thu hút càng đông học sinh, mức phí càng phù hợp với cha mẹ học sinh. Với hạ tầng các điểm đón có thể lựa chọn các nhà văn hóa khu dân cư và điểm đến là cổng trường sẽ giúp các trường học dễ triển khai mà không phải điều chỉnh nhiều.

- Anh và các cộng sự có thể chia sẻ dự định trong tương lai?

+ Chúng tôi mong muốn giải pháp này sớm được triển khai trong thực tế vì người được hưởng lợi ích khi SBUS được áp dụng chính là các em học sinh. Cùng với đó, chúng tôi hy vọng các cơ quan chức năng có chủ trương nhất quán lựa chọn thí điểm SBUS ở một vài trường đặc thù, tạo sức lan tỏa cũng như tránh rủi ro cho các nhà đầu tư.

Trong quá trình triển khai thực tế chắc chắn sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh. Vì thế, cần có sự phối hợp của các đơn vị quản lý, người sử dụng để hệ thống được vận hành liền mạch, thông suốt. Ví dụ như ở một số cơ sở giáo dục trường học đang xây mới hoặc sửa chữa có thể thêm mô hình trạm đón xe ngay tại cổng trường để tạo điều kiện cho học sinh tham gia dịch vụ đưa đón bằng phương tiện công cộng.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Tạ Quân (thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202101/mong-giai-phap-som-duoc-trien-khai-vi-nguoi-duoc-huong-loi-chinh-la-hoc-sinh-2518596/