Mong chờ những quyết sách mới

Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền Trung và tạo tiền đề để đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.'Quan điểm về phát triển CN trong thời gian đến là phải tăng tỷ trọng các ngành CN công nghệ cao; đẩy mạnh thu hút, phát triển CN hỗ trợ, CN ngoài dầu.Vì vậy, cần tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng KKT Dung Quất, các khu, cụm CN, nhất là nguồn lực của các nhà đầu tư, kinh doanh hạ tầng. Phối hợp với Bộ, ngành Trung ương xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia trên địa bàn KKT Dung Quất; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các dự án điện khí tại KKT Dung Quất...'Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra chỉ tiêu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 7 - 8%/năm; năng suất lao động tăng bình quân 6 - 8%/năm. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người khoảng 4.200 - 4.400 USD; thu nhập bình quân đầu người (giá hiện hành) tăng bình quân 7 - 10%/năm; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GRDP khoảng 69 - 70%; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 35%. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn trong 5 năm đạt ít nhất 150.000 tỷ đồng. Phấn đấu thu ngân sách hằng năm vượt mức chỉ tiêu trung ương giao trên 5%.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, nhất là các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, Đảng bộ tỉnh đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ đột phá, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện.

Nhận diện những “điểm nghẽn”

Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN) Quảng Ngãi đang là đầu tàu trong phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là phát triển công nghiệp (CN) và đang từng bước khẳng định rõ vai trò hạt nhân tăng trưởng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tại đây, hiện có 218 dự án đi vào hoạt động (chiếm 61% dự án được cấp phép), giải quyết việc làm cho khoảng 52.400 lao động; đóng góp vào nguồn thu ngân sách (giai đoạn 2015 - 2020) bình quân khoảng 13 nghìn tỷ đồng/năm.

Nhờ lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất, KKT Dung Quất thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn và đang trở thành hạt nhân tăng trưởng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong ảnh: Doosan Vina xuất khẩu sản phẩm cơ khí ra nước ngoài.

Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện, thì KKT Dung Quất và các KCN tỉnh phát triển chưa đạt như kỳ vọng. Năm lợi thế chính của KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi là: Cơ chế, chính sách ưu đãi; hệ thống cảng biển nước sâu; giao thông kết nối; quỹ đất phát triển CN, thương mại - dịch vụ và nguồn nhân lực tại chỗ đã tạo điều kiện thuận lợi cho nơi đây phát triển vượt bậc. Song, trong tương lai nếu không có giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì các lợi thế này chắc chắn sẽ không còn.

Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi Nguyễn Minh Tài cho rằng: Có 6 “nút thắt” cần phải tập trung tháo gỡ trong đầu tư, phát triển KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi. Đó là về cơ chế, chính sách; quy hoạch; nguồn nhân lực; thời gian, chi phí tiếp cận đất đai; hệ thống hạ tầng kỹ thuật xã hội; thẩm quyền của Ban Quản lý và sự phối hợp của các sở, ngành.

“Qua thực hiện cho thấy, một số chính sách pháp luật của nhà nước còn chồng chéo, bất cập. Điều này đã tạo tâm lý, sợ sai trong quá trình áp dụng, dẫn tới lúng túng khi thực hiện, nên phải xin ý kiến các bộ, ngành trung ương. Dù vậy, các bộ, ngành lại trả lời rất chung chung. Bên cạnh đó, việc phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý chưa được đầy đủ, nên không thể thực hiện cơ chế giải quyết thủ tục “Một cửa, tại chỗ” tại Ban Quản lý, dẫn đến nhà đầu tư phải đi đến nhiều đầu mối khác nhau để giải quyết các thủ tục liên quan”, ông Nguyễn Minh Tài cho biết. Cũng theo ông Nguyễn Minh Tài, 6 “nút thắt” trên, nếu cứ trông chờ, thụ động mà không dám hành động, sợ sai và không vì sự phát triển chung thì cơ hội phát triển sẽ bị bỏ lỡ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là phải xác định được những “điểm nghẽn” còn tồn tại trong quá trình phát triển. Rà soát toàn diện các cơ chế, chính sách; xem xét đổi mới tư duy, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, cải tổ mạnh mẽ mô hình hoạt động của KKT Dung Quất; dành đầy đủ nguồn lực để phát triển KKT Dung Quất trở thành một trung tâm CN, thành phố CN của miền Trung.

Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái cho hay: Lực lượng doanh nghiệp (DN) giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh. Do đó, để phát huy nội lực nền kinh tế cần tăng cường hoạt động hỗ trợ DN, vì đa phần DN của Quảng Ngãi là DN nhỏ và vừa (DNNVV). “Phải thấy nguyên nhân cản trở sự phát triển, tháo gỡ những nút thắt, khơi thông nguồn lực của khối DNNVV mới có thể phát huy hơn nữa vai trò, tiềm năng của khối DN này”, bà Trần Thị Mỹ Ái nhìn nhận. Hiện nay, khối DNNVV đang đóng góp gần 30% GRDP của tỉnh, thu ngân sách từ DNNVV chiếm khoảng 27% tổng thu từ khối DN, tạo việc làm cho gần 52.000 lao động, chiếm 67% lao động trong các DN. Tuy nhiên, so với các địa phương trong khu vực và cả nước, thì DNNVV của tỉnh còn nhiều hạn chế về quy mô, mức độ đóng góp và chưa phát huy hết tiềm năng.

Chủ tịch UBND tỉnh ĐẶNG VĂN MINH

Ưu tiên cho 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá

Các nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị. Cải cách hành chính; nâng cao thứ hạng các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi.

Phát triển công nghiệp tiếp tục sẽ là nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong ảnh: Công nhân vận hành sản xuất tại Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất.

Còn 3 nhiệm vụ đột phá là: Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển CN. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ nêu trên, sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Tỉnh ủy cần ban hành các nghị quyết, kết luận chuyên đề; đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp cụ thể hóa bằng các chương trình hành động để triển khai thực hiện. Song, một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy; khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Tập trung phát triển kinh tế cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu, bền vững làm hướng chủ đạo. Phát triển đa dạng các thành phần kinh tế và các loại hình DN, coi DN là trung tâm và lực lượng phát triển chủ yếu.

Kế thừa, phát huy những kết quả của việc thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ tỉnh tiếp tục đề ra: “Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại” là nhiệm vụ đột phá. Đây là một chủ trương đúng đắn, bởi muốn nền kinh tế phát triển bền vững trước hết phải có một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn.

Theo lãnh đạo Sở GTVT, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đột phá nói trên, cần sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước và các nguồn lực khác để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: PHẠM DANH

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202010/mong-cho-nhung-quyet-sach-moi-3027126/