Mong chờ chính sách dành cho người không chuyên trách khóm, ấp

Theo quy định hiện nay, ở cấp xã có cán bộ, công chức chuyên trách và người hoạt động không chuyên trách. Người hoạt động không chuyên trách bao gồm lực lượng ở cấp xã, khóm, ấp và tổ dân phố. Họ phải phụ trách rất nhiều mảng, nhưng thu nhập lại thấp, gần như không thể trang trải cuộc sống. Áp lực công việc, áp lực gia đình đè nặng đôi vai, nên đã có rất nhiều ý kiến đề nghị sớm 'bàn cho ra' vấn đề này.

Chế độ trợ cấp chưa đảm bảo

Trợ cấp đối với trưởng ban công tác mặt trận khóm, ấp là 1,0 (tương đương 100.000 đồng/ngày), chi hội trưởng các đoàn thể là 0,6 (tương đương 62.000 đồng/ngày). Nhiều ý kiến cho rằng, thu nhập này so mặt bằng chung là rất thấp. Chưa đảm bảo mức sống cho chính họ, dẫn đến việc khó toàn tâm toàn ý với chức trách, nhiệm vụ được giao. Hầu như mỗi lần tiếp xúc với đại biểu dân cử, cử tri toàn tỉnh đều đề nghị có chế độ chính sách, hoặc nâng hệ số lên cho cán bộ bán chuyên trách và người không chuyên trách, để mức sống của họ được đảm bảo hơn, yên tâm công tác hơn.

Quy định mới nhất nằm ở Khoản 6, Điều 33, Nghị định 33/2023/NĐ-CP, ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, quy định: Trưởng ban công tác mặt trận là một trong các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm, cùng với bí thư chi bộ, trưởng ấp, khóm được nhận trợ cấp hàng tháng. Chi hội trưởng của các đoàn thể, phó trưởng ấp, khóm là người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khóm không được nhận trợ cấp hàng tháng, mà được hưởng hỗ trợ hàng tháng.

Khoản 2, Điều 34 quy định: “Ngân sách Trung ương khoán quỹ phụ cấp để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố. Đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới, hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở. Trường hợp thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã thì được giữ mức khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở. Đối với các thôn, tổ dân phố không thuộc quy định này, được khoán quỹ phụ cấp bằng 4,5 lần mức lương cơ sở…”. Về chế độ, chính sách của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tại Điểm c, Khoản 3, Điều 34 quy định: “Mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố bảo đảm tương quan hợp lý với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo, nhằm khuyến khích người hoạt động không chuyên trách học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”.

HĐND tỉnh biểu quyết số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

Tại An Giang, mức trợ cấp hàng tháng của người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm và mức hỗ trợ hàng tháng của người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khóm được thực hiện theo Nghị quyết 12/2020/NQ-HĐND, ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh. Những người tốt nghiệp đại học được nhận trợ cấp hàng tháng tương đương 2,34 lần mức lương cơ sở, đúng quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 34, Nghị định 33/2023/NĐ-CP.

Tuy nhiên, Nghị quyết 12/2020/NQ-HĐND đã “lỗi thời”, không còn đáp ứng tình hình thực tiễn. Vì vậy, Thông báo 16/TB-HĐND, ngày 1/8/2024 của HĐND tỉnh kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026), giao Sở Nội vụ sớm tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định chức danh, việc kiêm nhiệm các chức danh; chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khóm trên địa bàn tỉnh. Sở Nội vụ khẩn trương, phối hợp với cơ quan, ban, ngành và địa phương căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, theo quy định Trung ương để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành văn bản thay thế Nghị quyết 12/2020/NQ-HĐND.

Mong chờ áp dụng Nghị định 33/2023/NĐ-CP

Nghị định 33/2023/NĐ-CP được mong chờ đi vào cuộc sống, bởi nhiều quy định mới, sát thực tiễn. Quan trọng nhất là tăng mức khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở mỗi đơn vị hành chính cấp xã; mức phụ cấp của từng chức danh; mức hỗ trợ hàng tháng… Tuy nhiên, dù có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023, đến nay nghị định vẫn chưa chính thức áp dụng tại tỉnh, vì còn chờ các văn bản, nghị quyết liên quan.

Gửi gắm ý kiến đến HĐND, UBND tỉnh, cử tri huyện An Phú đề nghị sớm tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 33/2023/NĐ-CP; đặt vấn đề khi triển khai nghị định này, thì các đối tượng áp dụng có được truy lãnh phần chênh lệch giữa quy định cũ và quy định mới hay không? Theo UBND tỉnh, để thực hiện Nghị định 33/2023/NĐ-CP, địa phương đã ban hành Công văn 920/UBND-TH, ngày 24/7/2023 về việc triển khai thực hiện. Theo đó, “Trong thời gian chờ xây dựng, ban hành các văn bản cụ thể hóa những nội dung quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP thay thế các văn bản ở địa phương, việc áp dụng quy định liên quan đến cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách được thực hiện theo nguyên tắc: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”, đúng theo Điều 156, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015”. Ghi nhận ý kiến cử tri, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tham mưu đề xuất UBND tỉnh.

Đóng góp ý kiến dự thảo nghị quyết về người hoạt động không chuyên trách

Đóng góp ý kiến dự thảo nghị quyết về người hoạt động không chuyên trách

Kỳ họp thứ 20 (giữa năm 2024) HĐND tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026) biểu quyết thông qua Nghị quyết 35/NQ-HĐND, ngày 18/7/2024 quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã thuộc từng đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh năm 2024; Nghị quyết 36/NQ-HĐND, ngày 18/7/2024 quyết định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc từng đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh năm 2024, theo hướng tăng số lượng các nhóm đối tượng (từ 257 - 385 người).

“Nhằm đảm bảo công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật đúng quy định, phù hợp tình hình thực tế của địa phương; tránh tình trạng quy định của địa phương vừa ban hành phải đình chỉ hiệu lực thi hành một phần hoặc bãi bỏ toàn bộ quy định do trái với hướng dẫn và quy định của Trung ương, Sở Nội vụ có Công văn 1109/SNV-CCHC&CDCQ, ngày 11/6/2024, yêu cầu UBND cấp huyện thống kê thực trạng số lượng, chất lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp; khảo sát việc kiêm nhiệm chức danh; mức phụ cấp, trợ cấp của từng chức danh… để chủ động xây dựng các dự thảo nghị quyết tiếp theo” - Giám đốc Sở Nội vụ Lê Nguyên Châu thông tin.

Theo Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, gần đây, đơn vị đề nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chức danh, chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp rộng rãi trong Ủy viên Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, các tổ chức thành viên, ban thường trực UBMTTQVN cấp huyện. Qua đó, nhận được ý kiến đóng góp của 29 cơ quan, tổ chức. Cuối tháng 9/2024, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo nghị quyết này. Đại diện sở, ban, ngành liên quan thống nhất việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết; đề xuất, góp ý một số nội dung phù hợp thực tế.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đinh Thị Việt Huỳnh cho biết: “Việc triển khai thực hiện Nghị định 33/2023/NĐ-CP chậm trên địa bàn tỉnh là do ngành chuyên môn chờ thông tư, hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, HĐND tỉnh đã đưa nội dung này chất vấn tại kỳ họp 20 HĐND tỉnh (tháng 6/2024), đề nghị cơ quan tham mưu phải dự thảo chính sách theo thẩm quyền của chính quyền địa phương. Dự kiến, UBND tỉnh sẽ đưa dự thảo nghị quyết liên quan ra trình tại kỳ họp cuối năm 2024. Chúng tôi ghi nhận đầy đủ ý kiến cử tri để tiếp tục bàn thảo, cân nhắc trong quá trình ban hành nghị quyết, đảm bảo phù hợp thực tiễn”.

Chất vấn ngành chuyên môn về chậm triển khai Nghị định 33/2023/NĐ-CP

Chất vấn ngành chuyên môn về chậm triển khai Nghị định 33/2023/NĐ-CP

Ông Võ Văn Dùm (ngụ xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành) bức xúc: “Từ năm 2024, dừng chi ngân sách Nhà nước hỗ trợ 3 nhóm chức danh ở khóm, ấp đóng bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH), gồm: Trưởng ấp, phó trưởng ấp, trưởng ban công tác mặt trận. Đa phần anh em làm công tác này đời sống gặp nhiều khó khăn. Đề nghị các cấp thẩm quyền quan tâm, xem xét hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT, BHXH như trước đây, nhằm động viên, tạo động lực cho lực lượng này làm nhiệm vụ hết mình, hiệu quả, phục vụ Nhân dân lâu dài hơn”. Cử tri huyện Chợ Mới cũng đề nghị cơ quan thẩm quyền tổ chức triển khai; đảm bảo chế độ, chính sách hỗ trợ về mức phụ cấp, BHYT, BHXH đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, khóm, ấp.

Giải trình vấn đề này, UBND tỉnh cho biết, theo Điểm i, Khoản 1, Điều 2, Luật BHXH năm 2014: “Đối tượng áp dụng: Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn...”. Khoản 2, Điều 35, Nghị định 33/2023/NĐ-CP cũng chỉ quy định: “Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thực hiện chế độ BHXH bắt buộc và BHYT theo quy định của pháp luật”. Như vậy, đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở khóm, ấp theo quy định của pháp luật chưa phải là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHYT theo quy định của pháp luật. Ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, khi Trung ương lấy ý kiến quy định điều chỉnh chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở khóm, ấp, địa phương sẽ tham gia kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung chế độ bảo hiểm.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/mong-cho-chinh-sach-danh-cho-nguoi-khong-chuyen-trach-khom-ap-a407105.html