Móng Cái: Chú trọng chất lượng nguồn nhân lực

Xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua TP Móng Cái đặc biệt chú trọng công tác này.

Với lợi thế là thành phố biên giới, có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại; nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung”, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, cầu nối quan trọng của hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc. Do đó, thời gian qua, TP Móng Cái đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược (phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực), trong đó thành phố xác định nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tính đến hết tháng 9/2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn TP Móng Cái đạt 73,5%. Ảnh: Lao động làm việc tại bộ phận sợi, Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Long (KCN Hải Yên, TP Móng Cái).

Tính đến hết tháng 9/2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn TP Móng Cái đạt 73,5%. Ảnh: Lao động làm việc tại bộ phận sợi, Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Long (KCN Hải Yên, TP Móng Cái).

Qua đó, Móng Cái đã và đang thực hiện có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Quan tâm công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; công tác đào tạo; thu hút lao động vào làm việc trong khu công nghiệp; đầu tư phát triển nhà ở xã hội để thu hút lao động…

Tính trong 9 tháng năm 2020, Móng Cái phối hợp với sàn giao dịch việc làm, Trung tâm việc làm tỉnh triển khai 7 phiên giao dịch việc làm với 205 người tham gia, trong đó có 83 người được tuyển dụng; thường xuyên thông tin tuyển dụng lao động, tư vấn việc làm cho lao động nông thôn. Phối hợp tổ chức mở 11 lớp dạy nghề cho 335 lao động nông thôn, trong đó có 6 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 175 học viên và 5 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho 160 học viên; giải quyết việc làm cho 1.000 lao động, trong đó tạo việc làm mới là 500 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%.

Hằng năm, thành phố đều xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức các chủ trương, chính sách, pháp luật về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là các chính sách khuyến khích hỗ trợ của Nhà nước cho đào tạo nghề, cho người học nghề nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của toàn xã hội về việc học nghề là điều kiện để tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho người lao động tích cực tham gia học nghề.

Đồng thời, Ngành GD&ĐT thành phố đã tích cực tiếp cận các chương trình đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT để học sinh có nhận thức đúng đắn về học nghề, nhất là số học sinh có học lực trung bình, không có khả năng tiếp tục theo học THPT, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học để chủ động lựa chọn loại hình học nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX thành phố đã mở 25 lớp trung cấp nghề cho 1.003 học sinh THPT; 18 lớp tin học, ngoại ngữ cho 740 học sinh; 22 lớp ngoại ngữ cho 600 lao động và nhân dân trên địa bàn thành phố. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, thành phố có 53/54 trường học kiên cố hóa (đạt 98,15%), 47/54 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 87,04%, tăng 1 trường so với cùng kỳ năm 2019).

Đào tạo nghề lái xe tại Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam - Phân hiệu Móng Cái.

Đi cùng với đó, TP Móng Cái cũng luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách thu hút nguồn lực chất lượng cao theo chủ trương của tỉnh. Quan tâm, ưu tiên thu hút trí thức có trình độ thạc sĩ về công tác tại các phòng, ban chuyên môn của thành phố. Đồng thời, tạo điều kiện tiếp nhận cán bộ (ngoài địa phương) và sinh viên có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp về công tác tại các cơ quan, đơn vị, trường học của thành phố; lựa chọn, đưa cán bộ trẻ, có trình độ về tăng cường cho các xã, phường. Thành phố luôn khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động tham gia hỗ trợ hoạt động đào tạo nhân lực chất lượng cao, tự đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu công việc; đa dạng hóa nguồn lực đào tạo, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động tham gia, gắn kết với các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài nước. Thành phố hiện có 71 thạc sĩ, 13 bác sĩ chuyên khoa cấp I, cán bộ lãnh đạo, quản lý trên 95% có trình độ đại học, trên đại học; khả năng sử dụng tin học ứng dụng vào trong công việc được nâng lên; đội ngũ cán bộ xã, phường cơ bản đạt chuẩn theo quy định, tỷ lệ có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên đạt trên 50% và cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã đạt trên 80%.

Thái Cảnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202010/mong-cai-chu-trong-chat-luong-nguon-nhan-luc-2503517/