Móng Cái: Chủ động với phương châm '4 tại chỗ'

Để chủ động trong công tác PCTT&TKCN, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Móng Cái đã xây dựng phương án phòng tránh, ứng phó với thiên tai năm 2020 và triển khai các phương án cụ thể với phương châm

Phương án PCTT&TKCN năm 2020, TP Móng Cái đã xác định cụ thể các vùng trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai. Hiện nay, toàn thành phố có 71,52km đê, trong đó có 5km đê sông và 66,52km đê biển. Tuy nhiên, mới chỉ có 42km đê được nâng cấp chống chịu được bão cấp 9 kết hợp triều cường tần suất 5%, còn lại hầu hết các tuyến đê chỉ chịu được bão dưới cấp 8, trong đó có nhiều tuyến đê đã bị xuống cấp không đảm bảo chống chịu trong điều kiện có bão. Toàn thành phố có 767 nhà tạm, nhà yếu; 1.471 tàu thuyền khai thác thủy sản; 300 tàu đò hoạt động vận tải trên sông Ka Long, Bắc Luân; 426 lồng, bè nuôi trồng thủy sản ven biển; khoảng 1.800ha ao, đầm nuôi trồng thủy sản và khoảng 3.000ha diện tích đất trồng trọt có khả năng bị ngập úng khi mưa bão kết hợp triều cường. Bên cạnh đó, thành phố có một số tuyến giao thông có nguy cơ bị chia cắt khi xảy ra mưa bão, như: Tuyến vận tải thủy từ bến Mũi Ngọc ra đảo Vĩnh Thực, khi có gió từ cấp 6 trở lên; tuyến Quốc lộ 18C từ trung tâm thành phố đi xã Bắc Sơn, Hải Sơn, gồm nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ; khu vực Bản Nga Bát, Mai Dọc thuộc xã Quảng Nghĩa có một số vị trí ngầm, tràn nguy cơ bị ngập, giao thông chia cắt trong mùa mưa lũ; cầu phao tạm km3+4 phường Hải Yên kết nối với Bến Biên mậu Đông Hưng - Trung Quốc không thể đi lại khi xảy ra lũ trên sông Ka Long và một số kho, bến, bãi, chợ, cơ sở sản xuất có nguy cơ bị ngập úng.

Người dân phường Hải Hòa sơ tán về trú ẩn tại Đồn Biên phòng Hải Hòa trong cơn bão số 3 năm 2019.

Người dân phường Hải Hòa sơ tán về trú ẩn tại Đồn Biên phòng Hải Hòa trong cơn bão số 3 năm 2019.

Trước mùa mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đã chủ động kiểm tra, đánh giá toàn bộ chất lượng công trình đê điều, hồ đập, các cống dưới đê để phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời các vị trí xung yếu, vị trí có nguy cơ sạt lở; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình tu bổ, nâng cấp đê biển, đê sông, các công trình hồ, đập, hệ thống tiêu thoát lũ để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn thành phố có 20 công trình, khu vực nguy hiểm có nguy cơ xảy ra mất an toàn khi có thiên tai, trong đó có 2 công trình kè sông, kè bảo vệ sông biên giới; 4 công trình đê, kè biển; 2 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở gây chia cắt về giao thông; 10 công trình hồ, đầm nuôi trồng thủy sản, bến tàu, cột phát sóng... có nguy cơ bị ảnh hưởng khi bão lũ xảy ra. Thành phố cũng đã xây dựng phương án di dân đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt. Trên cơ sở phương châm lực lượng tại chỗ, trong đó lấy lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn và dân quân tự vệ, lực lượng thanh niên làm nòng cốt. Thành đội, các đơn vị Bộ đội Biên phòng và các lực lượng vũ trang trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch và phương án PCTT&TKCN sát với tình hình thực tế.

Đảm bảo an toàn cho các tàu, thuyền trên sông Ka Long là một trong những nội dung quan trọng trong phương án PCTT&TKCN của TP Móng Cái.

Đồng chí Đỗ Xuân Điệp, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: Thành phố đã xây dựng phương án xử lý đối với các vị trí trọng điểm trong công tác PCTT&TKCN năm nay, trong đó tập trung vào các công trình kè sông, kè bảo vệ biên giới; các công trình đê, kè biển; các điểm có nguy cơ sạt lở gây chia cắt giao thông; các công trình thủy lợi, tàu thuyền, nhà bè trên biển, đầm nuôi trồng thủy sản... Thành phố cũng đã chỉ đạo các phường Hòa Lạc, Ka Long, Ninh Dương, Trần Phú xây dựng phương án di dân thuộc địa bàn quản lý, trong đó yêu cầu di chuyển các hộ dân sinh sống ở hai bên bờ sông trước 12 giờ khi có bão, lũ. Chỉ đạo các xã, phường, Đài thông tin duyên hải, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia, Đồn Biên phòng Trà Cổ tổ chức kêu gọi tàu, thuyền di chuyển vào nơi tránh trú an toàn khi có bão; Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái phối hợp cùng công an đường thủy tổ chức yêu cầu các chủ tàu, đò trên sông di chuyển tàu, đò về khu vực an toàn khi có bão, lũ. Đối với các xã, phường có diện tích nuôi trồng thủy sản, chỉ đạo các hộ thu hoạch trước khi bão đổ bộ; điều tiết nước trong ao, đầm đảm bảo an toàn; di chuyển lồng bè về khu vực an toàn trước khi có bão. Các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Quảng Nghĩa thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” yêu cầu nhân dân không di chuyển khỏi địa phương khi có bão... Đặc biệt, hiện nay khi cầu phao tạm Km3+4 phường Hải Yên đi vào hoạt động, để đảm bảo an toàn cho cầu phao và các phương tiện tàu, đò vận chuyển hàng hóa trên sông Ka Long, Bắc Luân, TP Móng Cái đã chỉ đạo Công ty CP Thành Đạt lắp đặt các cọc tiêu để gia cố, chằng chống cầu phao, đảm bảo công tác vận hành cầu khi có lũ trên sông Ka Long để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Với phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đã chỉ đạo các xã, phường và các đơn vị luôn sẵn sàng về lực lượng, thường trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện sớm, ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra. Đến nay, mọi phương tiện, vật tư cho công tác PCTT&TKCN đã được chuẩn bị đầy đủ với hơn 50 tàu, xuồng máy; hơn 15.000 bao tải; hơn 500 rọ sắt; hàng nghìn cọc tre, hơn 1.000 phao cứu hộ; hơn 350 ô tô; gần 40 máy xúc, máy gạt; hàng chục nhà bạt và các vật tư thiết yếu khác đã được tập kết tại các địa phương, đặc biệt là các địa điểm xung yếu như các tuyến đê và các công trình hồ đập, đảm bảo phương tiện, vật tư cho công tác phòng chống thiên tai.

Hữu Việt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202006/mong-cai-chu-dong-voi-phuong-cham-4-tai-cho-2487965/