Món vay nhỏ, lợi ích lớn

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Gia đình ông Thào A Thái, dân tộc Mông ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa từng thuộc diện hộ nghèo. Năm 2008, ông được vay 15 triệu từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư nuôi bò. Cho đến giờ ông Thào A Thái vẫn không thể quên khoản tiền ấy bởi với ông đó là bước ngoặt lớn để gia đình thoát khỏi cái nghèo.

Man vay nhỏ đã mang lại hiệu quả cao cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: NHCSXH

Man vay nhỏ đã mang lại hiệu quả cao cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: NHCSXH

Ông Thào A Thái ôn tồn kể: "Qua sinh hoạt với Hội nông dân của thôn, gia đình tôi rất vui mừng khi được biết đến nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Khi ấy tôi nghĩ đây sẽ là ngân hàng giúp tôi thoát khỏi cảnh nghèo khó."

Sau 3 năm cần mẫn, số tiền 15 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự như chiếc phao cứu sinh cho gia đình khi cặp bò ông nuôi đã sinh sản. Điều đó đã giúp gia đình trả nợ được ngân hàng, trang trải chi phí cho các con ăn học.

Không dừng lại ở đó, nhận thấy mô hình kinh tế của gia đình còn nhỏ lẻ, manh mún, năm 2011 ông Thào A Thái tiếp tục vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư thêm trâu, bò sinh sản và kết hợp trồng rừng.
Hiện tại, gia đình ông đã có 1ha rừng xoan, 5 con trâu, 4 con bò và nuôi thêm dê, gà, lợn. Nhờ đó gia đình ông Thào A Thái đã thoát nghèo và có thu nhập 15-20 triệu đồng mỗi tháng.

"Nhờ nguồn vốn này tôi đã yên tâm làm ăn và vươn lên làm giàu. Cũng nhờ đồng vốn ủy thác qua Hội nông dân xã, hàng tháng tôi được sinh hoạt trong tổ tiết kiệm vay vốn, đây cũng là nơi tôi học hỏi được kinh nghiệm làm kinh tế.

Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách Xã hội hàng tháng còn tổ chức các điểm giao dịch tại xã đã giúp hàng trăm hộ vay vốn không phải mất công đi lại, điều này vô cùng thuận lợi với người dân vùng sâu, vùng xa", ông Thào A Thái nói.

Với gia đình chị Vi Thị Sơn, dân tộc Thái ở thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nguồn vốn tín dụng chính sách như một "bà đỡ" trong lúc cái nghèo bủa vây.

Từ nguồn vốn này, hai con gái chị Sơn được đi học và đã có việc làm ổn định. Năm 2015, chị Sơn tiếp tục vay chương trình hộ cận nghèo 30 triệu đồng để đầu tư trồng keo.

Chị Sơn tính toán khoảng 2 năm tới keo sẽ cho thu hoạch và dự kiến vườn keo hơn 3ha sẽ mang lại cho gia đình khoảng 100 triệu đồng.

"Với khoản tiền đó tôi đủ trả nợ ngân hàng, trang trải thêm cho cuộc sống và tiếp tục đầu tư. Tôi hy vọng sẽ sớm lên ủy ban xã nộp đơn xin thoát nghèo", chị Sơn vui vẻ nói.

Đó chỉ là 2 trong số nhiều câu chuyện được viết lên trong hành trình của một ngân hàng với sứ mệnh vì người nghèo. Những món vay nhỏ nhưng đã mang lại lợi ích lớn cho bà con vùng xa.

Cán bộ NHCSXH tỉnh Thanh Hóa chia sẻ kinh nghiệm vay vốn với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS.

Chỉ tính riêng 9 tháng qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tiếp cận cho vay hơn 1.620 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách với tổng doanh số cho vay đạt 54.983 tỷ đồng; trong đó tập trung giảm nghèo, giải quyết việc làm như cho vay hộ mới thoát nghèo 10.914 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 9.432 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo 7.308 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 7.071 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 6.041 tỷ đồng.

Ông Vi Hồng Trường, Bí thư Đảng bộ xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa khẳng định, nguồn vốn vay đã giúp cho rất nhiều hộ trên địa bàn xã vươn lên thoát nghèo.

Nhiều hộ có đất, có sức lao động nhưng thiếu vốn và nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp họ thực hiện ước mơ thoát nghèo.

Qua thực tế triển khai, nguồn vốn này thực sự phù hợp với người dân vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, những món vay nhỏ, thủ tục đơn giản, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân đã góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống vùng dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng cuộc sống; ngăn ngừa tình trạng cho vay nặng lãi.

Đặc biệt, việc sử dụng vốn tín dụng chính sách đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào thay đổi cách làm kinh tế.
Ông Đỗ Minh Tuấn cũng khẳng định, vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa.

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,92% (từ mức 13,51% đầu năm 2016 còn 5,59% năm 2019).

Tỷ lệ hộ cận nghèo cũng giảm 0,23% (từ mức 9,8% đầu năm 2016 còn 9,57% năm 2019). Điều đáng nói, kết quả này đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra.
Đến 30/9/2019, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 200.813 tỷ đồng, tăng 13.021 tỷ đồng (+6,9%) so với cuối năm 2018, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,74% tổng dư nợ, cũng minh chứng cho chất lượng tín dụng chính sách xã hội ngày càng nâng cao và ổn định.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Rồi đây, những trường hợp như ông Thào A Thái, chị Vi Thị Sơn sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo những miền quê nghèo./.

Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/mon-vay-nho-loi-ich-lon/138043.html