Món tiền chuộc tỷ USD góp phần thổi bùng khủng hoảng Qatar

Qatar có thể đã trả các nhóm vũ trang một tỷ USD để "mua" tự do cho hàng chục con tin với nhiều người là thành viên hoàng gia.

Các quốc gia vùng Vịnh tin vào thông tin liên quan đến khoản tiền chuộc khổng lồ này và đây dường như là một phần nguyên nhân khiến họ quyết định "đoạn tuyệt" với Qatar, theo Financial Times.

Tờ báo dẫn lời chỉ huy những nhóm quân sự và quan chức chính phủ tại các khu vực liên quan cho biết Qatar đã chi khoản tiền trên để đảm bảo an toàn cho 26 người bị bắt cóc trong một chuyến đi săn chim ưng ở Iraq, bao gồm cả thành viên hoàng tộc, cùng 50 người bị phiến quân Hồi giáo bắt giữ ở Syria.

Hai lực lượng mà Qatar trả tiền đều là những nhóm bị các nước vùng Vịnh liệt vào "danh sách đen", gồm chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda chiến đấu tại Syria và các quan chức an ninh Iran.

Việc trả tiền chuộc hoàn tất hồi tháng 4, song nó đã đẩy mối quan ngại của các quốc gia láng giềng về Qatar lên tới đỉnh điểm, giới quan sát nhận định. Hệ quả là Arab Saudi, Bahrain, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Yemen, Libya và Maldives tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này dung dưỡng những nhóm cực đoan, cũng như ủng hộ Iran. Tuy nhiên, Qatar phủ nhận, khẳng định "không có bằng chứng cho thấy chính phủ Qatar ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan".

Giọt nước làm tràn ly

"Khoản tiền chuộc chính là giọt nước làm tràn ly", một nhà quan sát vùng Vịnh nhận xét.

Theo Financial Times, Qatar từ lâu bị tố có quan hệ với những phe phái gây tranh cãi, từ phiên quân tại vùng Darfur, Sudan, đến Taliban ở Afghanistan hay Hamas ở Gaza.

Qatar tuyên bố giữ vị thế trung lập, có thể đảm nhận vai trò trung gian hòa giải những xung đột trong khu vực. Nhưng các bên chỉ trích, đặc biệt là Arab Saudi và UAE, lại cáo buộc Qatar lợi dụng khả năng can thiệp của mình để "chơi hai mang", đồng thời cấp tiền cho những nhóm Hồi giáo cực đoan. Họ coi vụ trả tiền chuộc là bằng chứng.

"Nếu muốn biết Qatar tài trợ các tổ chức Hồi giáo cực đoan thế nào, hãy nhìn vào vụ trả tiền chuộc đổi con tin", một tiếng nói đối lập ở Syria, người có kinh nghiệm xử lý những vụ trao đổi con tin, bình luận. "Đây không phải lần đầu. Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc kiểu như vậy kể từ khi chiến tranh nổ ra".

Financial Times cho hay đã nói chuyện với một số người liên quan đến vụ trao đổi con tin của Qatar, bao gồm hai quan chức chính phủ, ba lãnh đạo dân quân người Shitte Iraq và hai tiếng nói đối lập ở Syria.

Theo đó, khoảng 700 triệu USD đã được chuyển cho phía Iran và các nhóm dân quân người Shiite họ hậu thuẫn, hai quan chức chính phủ trong khu vực cho biết. Ngoài ra, một số tiền khác, từ 200 - 300 triệu USD, cũng về tay các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria, hầu hết chuyển cho Tahrir al-Sham, nhóm có liên hệ với al-Qaeda.

Những người Financial Times phỏng vấn nói rằng các thỏa thuận trên cho thấy rõ cách Qatar sử dụng tiền chuộc để hỗ trợ những nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria. Nhưng đối với các láng giềng vùng Vịnh, vấn đề lớn nhất dường như là việc Qatar trả tiền cho cả Iran, quốc gia mà họ cáo buộc làm sâu sắc thêm bất đồng trong thế giới Arab.

Câu chuyện bắt đầu từ thời điểm Kata'eb Hezbollah, dân quân người Shiite ở Iraq do Iran hậu thuẫn, bắt cóc công dân Qatar hồi tháng 12/2015. Theo ba lãnh đạo lực lượng dân quân Iraq, các con tin lúc bấy giờ bị giữ tại Iran.

Kata'eb Hizbollah là một nhóm ở Iraq nhưng được cho là có liên hệ với Hezbollah, phiến quân Lebanon nhưng giữ vai trò quân ủy nhiệm chính của Iran tại khu vực.

Theo hai nhà ngoại giao địa phương, họ tin một trong các động cơ của Kata'eb Hezbollah khi bắt cóc công dân Qatar là nhằm mang đến cho Hezbollah và Iran đòn bẩy thương lượng giúp trao trả tự do cho các chiến binh người Shiite bị nhóm cực đoan Sunni Tahrir al-Sham ở Syria bắt giữ.

Mặt khác, vụ đổi tiền chuộc lấy con tin còn liên quan tới một thỏa thuận riêng biệt nhằm thúc đẩy việc sơ tán 4 thị trấn ở Syria, trong đó hai thị trấn bị phiến quân Hồi giáo vây hãm, hai thị trấn còn lại do dân quân người Shiite bao vây, các nhà ngoại giao và phiến quân Syria cho hay.

Một nhà ngoại giao phương Tây nhận định thỏa thuận trên cung cấp "vỏ bọc" để Qatar thực hiện vụ trao đổi con tin với Tahrir al-Sham.

Theo hai nguồn tin đối lập am hiểu vấn đề, Qatar đã dùng thỏa thuận sơ tán để trả từ 120 - 140 triệu USD cho Tahrir al-Sham. 80 triệu USD khác về tay nhóm Hồi giáo Ahrar al-Sham.

Một quan chức Arab ước tính tổng số tiền Qatar trả cho những nhóm cực đoan Hồi giáo lên tới gần 300 triệu USD, cộng với 700 triệu USD chi trả cho Iran và các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn, Qatar đã ném tất cả khoảng một tỷ USD vào những "vụ trao đổi điên rồ".

"Vụ trả tiền chuộc đổi con tin này có lẽ là một bước tính toán sai lầm", Gerd Nonneman, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Georgetown ở Qatar, nhận xét. "Nó nên được thực hiện với mục đích tốt đẹp là giải cứu con tin chứ không phải để chuyển tiền cho Iran", ông nhấn mạnh.

8 quốc gia trong Liên đoàn Arab đã cắt hoặc giảm cấp quan hệ ngoại giao với Qatar. Đồ họa: BBC

Vũ Hoàng

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/mon-tien-chuoc-ty-usd-gop-phan-thoi-bung-khung-hoang-qatar-2847483.html