'Món quà' đặc biệt

Hơn hai năm trước, ngày nhận kết quả khám bệnh, chị Nguyễn Thị Ngát, công nhân Tổ sơn 2, Phân xưởng Mộc sơn, Nhà máy Z173 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) lặng người đi khi bác sĩ kết luận chị mắc căn bệnh quái ác-ung thư giai đoạn 2. Gia đình chị vốn nằm trong diện khó khăn khi chồng bị tàn tật do tai nạn lao động. Nhận thêm tin dữ, bao nhiêu gánh nặng dồn lên đôi vai gầy guộc của người phụ nữ vốn đã trải qua quá nhiều vất vả.

Cứ ngỡ mọi thứ đã “an bài”, nhưng được các bác sĩ của bệnh viện tư vấn tận tình về phác đồ điều trị, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và đặc biệt là được tư vấn về quyền lợi thụ hưởng, mức chi trả chi phí khám, chữa bệnh (KCB) khi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), chị Ngát như được tiếp thêm sức mạnh, có thêm hy vọng để chiến thắng bệnh tật. Chia sẻ về quãng thời gian hơn hai năm kiên cường chống lại bệnh tật, chị Ngát cho rằng, chính tấm thẻ BHYT do Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng cấp đã tiếp thêm cho chị rất nhiều hy vọng và nghị lực sống. Đó thực sự là chiếc “phao cứu sinh”, như một món quà đặc biệt với những người lao động không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Ung thư vốn được coi là một trong “tứ chứng nan y”, là mối lo lắng, quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Bệnh ung thư không những ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà còn để lại gánh nặng không nhỏ về tài chính bởi quá trình điều trị có thể kéo dài, gây ra những hoang mang về tâm lý cho cả gia đình người bệnh. Lúc này, ngoài sự hỗ trợ tích cực từ việc điều trị của ngành y tế, của người thầy thuốc, thẻ BHYT được xem như "cứu cánh" cho người mắc bệnh hiểm nghèo. Đây cũng chính giải pháp hỗ trợ đắc lực trong "bài toán" viện phí với nhiều người bệnh, đặc biệt là những người bệnh ung thư, giúp họ yên tâm hơn trong quá trình điều trị.

Suốt hơn hai năm qua, với nhiều lần điều trị dài ngày bằng phương pháp hiện đại, nếu không có BHYT thì số tiền chi trả cho chi phí KCB của chị Ngát phải lên tới con số hàng trăm triệu đồng. Nếu không có BHYT, có lẽ chị đã không còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc tại Nhà máy Z173, còn kinh tế gia đình sẽ kiệt quệ vì chi phí điều trị quá lớn. Đặc biệt, nhờ việc KCB đúng tuyến nơi đăng ký KCB ban đầu nên chị Ngát được BHYT chi trả chi phí ở mức cao nhất theo quy định của Luật BHYT. Bên cạnh đó, trong quá trình KCB, chị Ngát đều được điều trị bằng các loại máy móc, thiết bị y tế tiên tiến, dịch vụ y tế kỹ thuật cao.

Chia sẻ về chế độ, chính sách BHYT hiện hành, Đại tá Nguyễn Hữu Đường, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng bày tỏ: BHYT trong quân đội nói riêng và BHYT toàn dân nói chung thể hiện ý nghĩa nhân văn và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Đặc biệt với người bệnh ung thư, nếu không tham gia BHYT thì có lẽ chi phí điều trị trong khoảng thời gian dài sẽ là quá sức đối với nhiều gia đình, nhất là những trường hợp người bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, bởi lúc này việc điều trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều. Rất may mắn, phần lớn người bệnh khi đến điều trị đã có BHYT, có những bệnh nhân được BHYT thanh toán 100% chi phí giúp giảm gánh nặng tài chính cho việc điều trị của người bệnh.

TẠ QUỐC HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/mon-qua-dac-biet-644541