'Món quà đặc biệt' của Israel dành cho Nga

Trung tuần tháng 11-2019, thông tin về việc Quân đội Syria thu giữ một đạn tên lửa Stunner thuộc tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm trung Davids Sling của Israel rơi trên lãnh thổ Syria bắt đầu xuất hiện. Nhiều nguồn tin cho biết, đạn tên lửa trên đã nhanh chóng được chuyển tới Nga để phục vụ công tác nghiên cứu.

"Món quà" từ trên trời rơi xuống

Theo thông tin từ Quân đội Syria, trong một đợt tấn công nhằm vào phiến quân ở khu vực giáp biên giới Israel, các đơn vị tên lửa đạn đạo tầm ngắn Touchka-U của Syria đã được sử dụng. Phía Israel lo ngại tên lửa của Quân đội Syria có thể rơi xuống khu vực Biển hồ Galilee nên đã kích hoạt tổ hợp Davids Sling.

 Tổ hợp Davids Sling đang là thành phần chính của hệ thống phòng thủ tên lửa Israel.

Tổ hợp Davids Sling đang là thành phần chính của hệ thống phòng thủ tên lửa Israel.

Ít nhất 2 đạn tên lửa Stunner của tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm trung Davids Sling được phóng đi. Tuy nhiên, sau khi tính toán lại đạn đạo của tên lửa Touchka-U không rơi vào lãnh thổ Israel, giới chức quân sự nước này đã quyết định hủy tên lửa đánh chặn, nhưng vẫn có 1 đạn tên lửa không nhận lệnh tự hủy. Sau khi bay hết nhiên liệu, nó đã rơi xuống lãnh thổ Syria. Do không nắm bắt được thông tin về đạn tên lửa mất liên lạc, Quân đội Israel không có bất kỳ phản ứng ngăn chặn nào.

Một số nguồn tin quân sự Israel cho biết, vụ đánh chặn tên lửa Touchka-U là nhiệm vụ thực chiến đầu tiên của Davids Sling. Việc Israel giữ im lặng có thể là bảo toàn danh tiếng cho dòng vũ khí phòng thủ tên lửa chủ lực sau nhiệm vụ bất thành nói trên.

Những hình ảnh liên quan tới đạn tên lửa Stunner được nhiều binh sĩ Quân đội Syria công khai và được nhiều diễn đàn quân sự quốc tế dẫn lại sau đó.

Dù các thông tin liên quan tới việc Nga đang sở hữu đạn tên lửa Stunner chưa được Moscow xác nhận, nhưng những hình ảnh liên quan tới quả đạn tên lửa này nằm trong tay Quân đội Syria đã được công khai trên nhiều mạng xã hội và diễn đàn quân sự quốc tế. Sẽ hoàn toàn dễ hiểu nếu nó được chuyển cho Nga với mối quan hệ hiện tại giữa Damascus và Moscow.

Xét về mặt kỹ thuật, đạn tên lửa Stunner của tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm trung Davids Sling có thể coi là "mỏ vàng" về các công nghệ tích hợp dành cho các nhà khoa học quân sự Nga. Dòng đạn tên lửa này chính là kết tinh công nghệ giữa 2 tập đoàn quân sự hàng đầu thế giới của Mỹ và Israel là Raytheon và Rafael. Với quy trình đảo ngược, Nga hoàn toàn có thể bóc tách và phân tích những công nghệ đặc biệt được áp dụng trên vũ khí phòng thủ tên lửa này.

Theo giới chuyên gia quân sự, một trong những điểm thú vị của tên lửa Stunner chính là khả năng hoạt động độc lập của nó sau khi rời bệ phóng. Nhờ hệ thống dẫn đường băng tần kép, đạn tên lửa Stunner có khả năng bay theo quỹ đạo tự tính toán mà không chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài. Cùng với đó, nhiều công nghệ đặc biệt được áp dụng giúp đạn tên lửa đánh chặn của Israel có thể ngăn chặn các mục tiêu tàng hình và hoạt động ở độ cao thấp.

Khác với các dòng tên lửa phòng không truyền thống, đạn tên lửa Stunner phá hủy mục tiêu bằng nguyên lý xuyên phá động năng (va chạm trực tiếp). Điều này yêu cầu tên lửa phải có hệ thống dẫn đường và hiệu chỉnh với độ chính xác rất cao. So với các loại tên lửa sử dụng đầu nổ phá mảnh truyền thống, tên lửa Stunner nhỏ gọn và có khả năng cơ động ưu việt hơn. Một điểm đáng chú ý khác là việc tên lửa Stunner vẫn có thể cập nhật thông tin về mục tiêu, đường bay, phương án tấn công từ đài chỉ huy kể cả khi đã rời bệ phóng… Tuy nhiên, để đạt được những yêu cầu rất cao về công nghệ nêu trên, giá thành của đạn tên lửa Stunner không hề rẻ, khoảng hơn 1 triệu USD/đạn.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, trong bộ ba phòng thủ tên lửa của Israel, gồm Iron Dome, Davids Sling và Arrow-3, Davids Sling có vai trò quan trọng nhất. Tổ hợp phòng thủ tên lửa trên giúp bảo vệ lãnh thổ Israel khỏi các đòn tấn công bằng tên lửa tầm ngắn và tầm trung trong khu vực. Davids Sling có tính năng thậm chí còn vượt xa tổ hợp S-300PMU-2 Favorit của Nga. Chính vì những yếu tố trên, Israel luôn cố gắng giữ bí mật về dòng vũ khí phòng thủ tên lửa này. Chính những yếu tố trên khiến Israel và Mỹ lo ngại về khả năng lộ công nghệ khi đạn tên lửa Stunner rơi vào tay cường quốc quân sự như Nga.

Nga làm gì với mẫu tên lửa Stunner?

Dù các thông tin về việc mẫu đạn tên Stunner của tổ hợp Davids Sling đã được chuyển tới Nga vẫn chưa được công bố rõ ràng. Nhưng có lẽ Moscow sẽ không để lọt mất cơ hội được tiếp cận với những công nghệ phòng thủ tên lửa tối tân của Mỹ và Israel.

Israel sẽ phải mất rất nhiều thời gian để cải tiến lại tổ hợp Davids Sling sau vụ việc tại Syria.

Với nguyên mẫu tên lửa Stunner đã tham gia chiến đấu, các chuyên gia Nga có thể phân tích các đặc điểm chiến đấu của nó. Từ những kinh nghiệm thu được có thể hoàn thiện các loại vũ khí tấn công và phòng thủ tương lai của Nga.

Một điểm đáng chú ý khác là Nga đang có tiềm năng xuất khẩu vũ khí cho nhiều quốc gia tại Cận Đông vốn không mấy thân thiện với Israel. Việc Nga phát triển các loại vũ khí mới dựa trên kinh nghiệm và thực nghiệm với tổ hợp phòng thủ tên lửa hàng đầu của Israel sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn nhiều so với các chiến lược quảng cáo thông thường.

Việc Nga sở hữu tên lửa Stunner cũng khiến Israel phải có động thái nhượng bộ nhiều hơn đối với Nga, trong đó có vấn đề giải quyết cuộc nội chiến ở Syria. Những thông tin lộ lọt về Davids Sling không chỉ ảnh hưởng tới khả năng phòng thủ của Israel, mà còn khiến tiềm năng xuất khẩu của dòng vũ khí này bị ảnh hưởng.

TUẤN SƠN (Theo vpk, Lenta, CAWAT...)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/mon-qua-dac-biet-cua-israel-danh-cho-nga-603508