Món nợ vô vọng của những ngư dân khốn khó

Bão số 12 cuối 2017 đi qua đã lâu, nghĩa địa xác tàu dưới vịnh Quy Nhơn cơ bản được giải phóng, nhưng có... cơn bão khác đang trớ trêu quần thảo miếng cơm, manh áo dân nghèo.

Hiện trường trục vớt tàu Hoa Mai 68. Ảnh: X.N

Câu chuyện viết từ quan hệ nợ nần giữa nhóm ngư dân Quy Nhơn với Cty TNHH MTV Hữu Tòng. Hữu Tòng (viết tắt, trụ sở tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là cái tên nổi bật trong chiến dịch làm sạch biển Quy Nhơn sau bão 12.

7 triệu đồng cũng thành nợ khó đòi

Tối 6.8, anh Nguyễn Văn Tân (ở Hải Minh, Hải Cảng, Quy Nhơn) chong đèn đối chiếu khoản công nợ dây dưa, bế tắc với Cty Hữu Tòng. Hôm trước, cuộc gọi từ Tân tới ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật cho Hữu Tòng may mắn đã... thông suốt. Anh Tân được hứa “sẽ có tiền” và cái hẹn “gọi lại sau”.

Chờ trọn ngày không thấy âm hao, Tân bốc máy gọi ra Hà Tĩnh. Lần này thì bên kia... ngoài vùng phủ sóng.

“Cứ diễn trò cút bắt quẩn quanh như thế. Nhiều nhặn gì đâu; họ nợ hơn 75 triệu đồng, đã trả 20 triệu. Số còn lại là tính luôn 10 triệu tiền thưởng”, Tân dẫn kết quả một buổi tối loay hoay cộng trừ.

Gia đình anh có con đò nhỏ, nhận phục vụ Hữu Tòng ở hai hiện trường cứu hộ, trục vớt tàu Thanh Hải, Hoa Mai với việc vận chuyển nước ngọt, cung cấp dầu mỡ, thực phẩm, đồ giải khát...

Võ Hồng Phước còn bèo bọt hơn, chỉ 7 triệu đồng mà vô phương thu hồi vốn. Phước nhẩm tính: Tiền đưa công nhân ra vào (150.000 đồng/chuyến), tiền chợ, tiền... mua bia. “Tiền mặt họ cũng mượn luôn, có khi 500.000 đồng, có khi 1 triệu. Hứa trả đủ lúc lên bờ. Họ lên rồi đi biến bóng lúc nào không ai biết” - Phước nói.

Xù nợ?

Giao dịch với Hữu Tòng chủ yếu thiết lập qua thỏa thuận miệng. Ngay hợp đồng 2602/HĐKT/2018 thuê tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/CP của ông Nguyễn Chì cũng duy trì bằng sự dễ dãi của ngư dân.

Ngày 27.2, ông Nguyễn Văn Hùng (bên A) ký hợp đồng với Nguyễn Chì (bên B) thuê phương tiện trị giá 110 triệu đồng, thời gian 1 tháng; điều khoản thanh toán như sau: “Sau 5 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, bên A thanh toán cho bên B 50 triệu đồng; sau khi làm việc 20 ngày, bên A thanh toán cho bên B hết số tiền còn lại”.

Thực tế, Hữu Tòng sử dụng tàu BĐ 990680 cùng 2-3 thuyền viên - tùy thời điểm - 1 tháng 15 ngày. Tàu ông Chì thành nơi ăn ở cho công nhân trục vớt, là phương tiện lai kéo sà lan, lai kéo Hoa Mai 68 khi tàu nổi lên.

Ngày 27.4, Hoa Mai 68 được làm nổi thành công, thành những dòng tin rộn ràng trên nhiều tờ báo, nợ nần hai bên vẫn trong trạng thái “đóng băng”. Theo “giấy xác nhận công nợ” viết tay có chữ ký của ông Hùng, phần nợ sau phát sinh của Hữu Tòng với ông Chì là 124 triệu đồng. Thời hạn trả nợ là ngày 2.5.2018.

Từ đó đến nay, việc đòi nợ của ông Chì cứ trở đi trở lại bằng hàng trăm cuộc gọi lúc được lúc mất. Ngư dân sinh năm 1972 nói: “Thoạt đầu họ còn nghe, cam kết trả nợ; sau thì ngắt cuộc gọi rồi thẳng thừng chặn số. Tôi gọi từ 5 máy khác nhau, trước sau đều cùng “số phận”. Vì mình nhẹ dạ cả tin, chứ nếu không thì đã buộc thanh toán theo tiến độ hợp đồng”.

Chiều 7.8, trả lời PV qua điện thoại, chủ tàu Hoa Mai 68 bày tỏ ngạc nhiên: “Chúng tôi không thiếu Hữu Tòng đồng xu cắc bạc nào. Trả đúng, trả đủ thì họ mới để cho xác tàu Hoa Mai rời khỏi Quy Nhơn chứ”.

Liên lạc với Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Hữu Tòng Nguyễn Văn Hùng, tình cảnh chúng tôi cũng tương tự các ngư dân Nguyễn Chì, Nguyễn Văn Tân suốt đằng đẵng nửa năm qua...

XUÂN NHÀN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/mon-no-vo-vong-cua-nhung-ngu-dan-khon-kho-624515.ldo